Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu thúc đẩy các nhà khoa học, nhân viên y tế, kỹ sư công nghệ lẫn người bình thường đưa ra những ý tưởng làm thay đổi cuộc sống, trong đó một số có thể sử dụng lâu dài.
Ăn uống an toàn
Thực đơn bằng mã QR là giải pháp thay thế vệ sinh, ít tốn kém cho thực đơn truyền thông nhiều người chạm tay vào. Giải pháp này giúp nhận đơn và thanh toán nhanh hơn, ít sai sót hơn, nhân viên có nhiều thời gian làm việc khác hơn.
Tại Hàn Quốc có robot mặc vest thắt nơ chào đón khách đến quán bar, sau đó làm ra những viên đá tròn cho ly whisky của khách, một số nơi khác còn dùng cánh tay robot pha chế nhiều loại cocktail. Trong thời đại COVID-19, robot giúp giảm thiểu tiếp xúc ở nơi đông người.
Vài nhà hàng tại châu Âu dùng màn chắn nhựa độc đáo để phòng dịch. Chúng có nhiều dạng chẳng hạn như chụp đèn khổ lớn hoặc mái vòm đôi tạo thành “bức tường” bảo vệ thực khách.
Với thực khách muốn đeo khẩu trang kể cả khi ăn uống, họ có thể sử dụng một loại khẩu trang đặc biệt. Công ty công nghệ Israel Avtipus Patents and Invention ra mắt sản phẩm khẩu trang có “miệng” tự động mở hoặc dùng tay mở.
Giao hàng an toàn
Robot cỡ nhỏ đang đảm nhiệm vai trò đưa thức ăn trong khuôn viên một số trường đại học Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu giao hàng không tiếp xúc và giải quyết tình trạng thiếu nhân lực.
“Ông lớn” ngành nhà hàng - khách sạn Sodexo hợp tác với công ty Kiwibot cho ra đời robot giao hàng Starship. Người dùng nhập mã qua một ứng dụng điện thoại để mở robot lấy thức ăn.
Bang Kerala ở Ấn Độ ra mắt ứng dụng đặt rượu BevQ. Người dùng có thể chọn đến lấy rượu tại cửa hàng gần nhất vào khung giờ chọn sẵn, tránh xếp hàng.
ATM gạo tại Việt Nam có tiềm năng sử dụng lâu dài sau đại dịch. Chiếc máy này đã phát gạo miễn phí cho những người nghèo cần đến trong dịch ở đỉnh điểm.
Bảo vệ từ tay, mũi đến miệng
Công ty Nhật Bản WOTA giới thiệu trạm rửa tay di động WOSH có thể đặt bên ngoài các trung tâm thương mại. Máy không cần liên kết với nguồn nước vì chúng tái chế nước thông qua quy trình khép kín 3 giai đoạn, nhưng cần cắm điện, bên cạnh bồn rửa tay có cả thiết bị khử khuẩn điện thoại bằng tia UV.
Một công ty Nhật khác là Lixil cũng đem lại sản phẩm trạm rửa tay di động với ngăn đựng xà phòng, được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phân phối cho một số quốc gia có điều kiện vệ sinh thấp.
Dụng cụ mở cửa không dùng tay cũng xuất hiện trong thời đại dịch, giúp tránh nguy cơ cầm vào nắm cửa đầy vi khuẩn. Đây có thể chỉ đơn giản là một mảnh kim loại lắp đặt dưới chân cửa mà mọi người đạp lên rồi mở cửa ra, hay việc ông Wyn Griffiths tại Anh sáng chế một cái móc gắn vào nắm cửa cho phép dùng khuỷu tay mở cửa.
Có 3 bạn trẻ tại Việt Nam phát minh mũ bảo hiểm Vilhem cho phép người dùng uống nước qua ống hút và gãi mũi thông qua găng tay dưới đáy mũ – sản phẩm cực kỳ có ích cho người hay ngứa mũi hoặc nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ cả ngày.
Cô Faizah Badaruddin - một thợ may khiếm thính tại Indonesia làm ra khẩu trang xuyên thấu cho phép mọi người đọc khẩu hình mà vẫn đảm bảo phòng dịch.
Y tế thông minh
Từng bị quá tải và rơi vào hỗn loạn trong năm 2020, các bệnh viện trên thế giới nay đã dùng đến ứng dụng đặt lịch khám để quản lý.
Chính phủ các nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc thì hợp tác với công ty khởi nghiệp sử dụng máy bay không người lái chuyển vật tư y tế, thuốc cùng nhu yếu phẩm cho bệnh nhân đang cách ly.
Ở nỗ lực truy vết, hộp SafeEntry Gateway tại Singapore cho phép du khách dễ dàng khai báo điểm đến ở trung tâm thương mại, siêu thị hay nhiều địa điểm khác. Hệ thống giúp người dùng kiểm tra địa điểm mà không cần dò mã QR, họ chỉ cần chạm điện thoại hoặc token truy vết.
Thái Lan và một số quốc gia khác dùng chó đánh hơi mùi mồ hôi phát hiện người mắc COVID-19 ở sân bay hay bến cảng. Giới chuyên gia cho biết người mắc bệnh có mùi đặc biệt ngay cả khi họ không có triệu chứng rõ ràng, những chú chó giống Labrador chứng minh được khả năng phát hiện chính xác tới 95%, nhanh hơn bất cứ bộ xét nghiệm nào.
Tái sử dụng, tái chế
Tại Ấn Độ, tiến sĩ Binish Desai nghĩ ra cách sản xuất gạch từ khẩu trang, thiết bị bảo hộ dùng một lần đã qua sử dụng. Loại gạch này nhẹ hơn nhưng chắc hơn gạch đất sét hoặc gạch xi măng, chống cháy, chống nước, giá thành chỉ bằng 1/3 gạch thông thường.
Ông Kao Siêu Lực - chủ nhân chuỗi cửa hàng bánh ABC tại Việt Nam sáng tạo ra bánh mì thanh long để tiêu thụ lượng trái cây không thể xuất sang Trung Quốc vì loạt hạn chế phòng dịch. Một phần nước nhào bột được thay bằng nước thanh long nên bánh mì có màu hồng tươi.
Trường học “di động”
Với hơn 26 triệu trẻ em Ethiopia không thể đến trường do phong tỏa, tổ chức phi chính phủ Save The Children dùng lại ý tưởng “thư viện lạc đà”: ít nhất 21 con lạc đà mang tới 200 cuốn truyện trong hộp gỗ trên lưng để tiếp cận hơn 22.000 trẻ em ở 33 ngôi làng.
Bộ Giáo dục Philippines ra mắt những chiếc hộp đựng sách truyện, đồ dùng học tập, đồ chơi, dụng cụ vệ sinh trao đến trẻ em mẫu giáo. Trong hộp còn có sách hướng dẫn cho phụ huynh về hoạt động học tập tại nhà.
Du lịch ảo và di chuyển an toàn
Dịch vụ du lịch ảo Machu Picchu (Peru) và đảo Galapagos (Ecuador) đã ra mắt. Một số công ty du lịch cũng sử dụng công nghệ thực tế tăng cường cho các chuyến tham quan có hướng dẫn bằng GPS.
Tại Myanmar, một hướng dẫn viên sẽ thông qua camera và kết nối điện thoại hướng dẫn du khách tham quan theo lộ trình định trước. Tại Israel, tổ chức Breaking the Silence đem đến chuyến tham quan ảo thành phố Hebron thông qua Zoom.
Tại sân bay và khách sạn, các quầy làm thủ tục không tiếp xúc đã trở thành trải nghiệm quen thuộc. Nhật Bản ứng dụng công nghệ Face Express nhận dạng khuôn mặt làm thủ tục lên máy bay, hoạt động hiệu quả ngay cả khi hành khách đeo khẩu trang.
Cơ quan quản lý nhập cảnh Singapore đang cân nhắc một quy trình cho phép người dân nước này thông quan mà không cần trình hộ chiếu, có thể áp dụng vào năm sau. Năm ngoái họ đã thay thế quét vân tay bằng quét khuôn mặt và mống mắt.
Tại Hàn Quốc, sân bay Icheon triển khai hệ thống tự động khử khuẩn bằng tia cực tím trước khi hành khách lấy hành lý.