Nhà văn Phương Phương - Ảnh: Internet
Nhật ký Vũ Hán của nhà văn Phương Phương kể tình hình Vũ Hán từ ngày bắt đầu phong tỏa cuối tháng 1 cho đến khi thành phố được gỡ cách ly. Lồng ghép bên trong những con số thống kế về ca nhiễm, ca tử vong là những chỉ trích mạnh mẽ cách chính quyền xử lý đại dịch.
Cuốn nhật ký dài 208 trang được HarperCollins L.L.C đồng ý xuất bản vào tháng 6 tới đây bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Ngay khi có thông tin về sự ra đời của cuốn sách, nhiều người Trung Quốc đã phản ứng rất dữ dội trên các phương tiện xã hội. Không ít người gọi nhà văn Phương Phương là kẻ nói dối và kẻ phản bội quốc gia, thậm chí lăng mạ bà với ngôn ngữ thô tục nhất.
Giới chức nước này đang gây sức ép lên những trí thức ủng hộ nhà văn. Ít nhất 2 người đang bị điều tra vì có “bình luận không phù hợp”.
Ngày 26.4, Đại học Hồ Bắc cho biết sẽ điều tra Lương Chấn Bình, một giáo sư ngôn ngữ và văn học, do đã đăng tải trên mạng xã hội ủng hộ nhà văn Phương Phương.
Sau đó, ngày 30.4, Đại học Hải Nam đã đưa ra một thông báo tương tự liên quan đến một trong những giáo viên đã nghỉ hưu, Vương Chiêu Nghị. Thông báo không nêu rõ hành vi, nhưng được đưa ra sau khi nhà văn Phương Phương đăng lại một trong những tweet của Vương về giáo sư Lương.
Không chỉ người Trung Quốc trong nước phản ứng với Nhật ký Vũ Hán, mà nhà văn Phương Phương còn bị cộng đồng người Hoa ở nước ngoài bày tỏ thái độ khó chịu.
Một nhóm WeChat dành cho người Trung Quốc sống ở Mỹ đã đóng cửa trang nhóm vào tháng 3 sau khi các thành viên chia rẽ sâu sắc. Những người ủng hộ Phương Phương gọi người phê bình bà là “những kẻ ngốc đã bị tẩy não”, trong khi những người ở phê bình bà gọi những người ủng hộ là “kẻ phản bội”.
Không thiếu những cuộc tranh luận trực tuyến về vấn đề này ở Trung Quốc, với hashtag Fang Fang (Phương Phương) trên Weibo - dịch vụ giống Twitter của Trung Quốc - nhận được khoảng 940 triệu lượt xem và 276.000 bình luận. Hầu hết bày tỏ thái độ không đồng tình với nhà văn.
Không chỉ Phương Phương bị phản ứng, mà Michael Berry, người đã dịch cuốn sách sang tiếng Anh - phiên bản dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng tới - cũng bị chỉ trích dữ dội.
Nhà văn Phương Phương cho biết: "Nhật ký của tôi ghi lại kinh nghiệm chống dịch thành công của Trung Quốc, không hề có tác động tiêu cực nào đến đất nước như lực lượng cánh tả cực đoan đã nói. Cuốn sách này được phát hành ở nước ngoài chỉ với mục đích đơn thuần quảng bá cho thế giới thấy kinh nghiệm đẩy lùi bệnh dịch của nước nhà".
Nữ nhà văn cho biết bà sẽ tăng nhẹ phí tác quyền, dành toàn bộ tiền bán sách để ủng hộ người thân của các bệnh nhân, những nhân viên y tế và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP.Vũ Hán.
Phương Phương (tức Fang Fang, bút danh Wang Fang) là nhà văn sinh năm 1955 tại Giang Tô. Năm 23 tuổi, bà theo học khoa tiếng Trung ở Đại học Vũ Hán và quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất này. 4 năm sau, bà ra mắt quyển tiểu thuyết đầu tay mang tên Đại liên xa. Sau đó, Phương Phương tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm như Phong cảnh, Cầm đoạn khẩu, Hành vân lưu thủy, Xương tam thán... và đều được giới chuyên môn đánh giá cao. Năm 2010, bà được trao giải văn học Lỗ Tấn, đây là giải thưởng văn chương danh giá bậc nhất Trung Quốc.
Đan Thùy