Nhà văn Lê Lựu là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam sau 1975. Ông sinh năm 1942 ở thôn Mẫn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Lê Lựu là cựu phóng viên báo Quân khu Ba và tác nghiệp ở mặt trận 559 (Trường Sơn) với tư cách là phóng viên chiến trường. Sau này ông về làm thư ký tòa soạn, kiêm Trưởng ban văn xuôi tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Trong lĩnh vực văn chương, Lê Lựu được xem là một trong những nhà văn đi đầu của phong trào đổi mới văn học nước nhà (giai đoạn 1986 - 1995).
Trong những năm đầu tiên của phong trào đổi mới văn học, cũng như các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Minh Châu, Tạ Duy Anh, Phùng Gia Lộc… Lê Lựu đã mạnh dạn thoát ra khỏi những nguyên tắc và cấu trúc truyền thống rập khuôn trong sáng tác văn chương thời đó để cho ra đời những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật, chân thật về nội dung như Thời xa vắng (tiểu thuyết - 1986), Một thời lầm lỗi (bút kí - 1988), Trở lại nước Mỹ (bút kí – 1989, Đại tá không biết đùa (tiểu thuyết - 1990), Chuyện làng Cuội (tiểu thuyết - 1993), Sóng ở đáy sông (tiểu thuyết - 1994)... Những tác phẩm của nhà văn Lê Lựu phần nào đã làm thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn, cách đánh giá về cuộc sống về con người.
Nếu như Thời xa vắng là bước đột phá trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của Lê Lựu, đóng góp một tiếng nói mạnh mẽ vào tiến trình đổi mới văn nước nhà thì Sóng ở đáy sông của ông sau này đã làm xôn xao không khí văn chương lúc bấy giờ. Tiểu thuyết gần như phơi bày tất cả mọi mặt tốt xấu của cuộc sống, mang đến cho người đọc những ấn tượng mới mẻ về một phong cách sáng tạo nghệ thuật riêng biệt của ông.
Sóng ở đáy sông được nhà văn Lê Lựu sáng tác vào năm 1994. Đây là tiểu thuyết được ông viết theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản Hải Phòng. Thành phố hoa phượng đỏ cũng là nơi ông từng có những trải nghiệm thực tế bằng cách thâm nhập sâu hơn vào đời sống của con người nơi đây. Từ những hiểu biết sâu sắc ấy, cộng thêm ngòi bút sắc sảo của mình Lê Lựu đã làm tiểu thuyết Sóng ở đáy sông trở nên gần gũi và chân thực.
Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông là một câu chuyện dài về cuộc đời đau thương của nhân vật Núi – người chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành mà vẫn không tìm thấy được sự bình yên và hạnh phúc. Cuộc đời của Núi cứ thế trượt dài trong tăm tối.
Nhân vật Núi của nhà văn Lê Lựu là một con người có bản chất thiện lương, giàu ý chí vươn lên. Anh hoàn toàn có thể là một con người tốt nếu như được sống trong tình yêu thương của gia đình và sự bao dung của xã hội. Thế nhưng Núi không được may mắn như thế bởi anh được sinh ra từ sai lầm của người cha, sau những lần "không thể kìm hãm trước con ở đang thời bừng dậy rừng rực". Từ đó Núi có một số phận đầy bi kịch ngang trái bởi sự ghẻ lạnh của tình người và những trói buộc của hủ tục, định kiến xã hội.
Chuỗi bi kịch của Núi không chỉ ở thân phận của một con người mà là sự xung đột giữa cái tốt và cái xấu, là khát vọng có được cuộc sống bình yên nhưng không bao giờ được đáp ứng.
Sóng ở đáy sông toát lên giá trị nhân đạo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi tác giả luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình đối với nhân cách và hạnh phúc của một con người.
Những đứa con chỉ có thể nên người khi chúng nhận được tình yêu thương và sự giáo dục tốt từ cha mẹ. Bằng ngược lại, chúng có thể đi sai đường và trở nên tha hóa, thành những kẻ bất lương. Còn tình cảm vợ chồng, nó không đơn giản chỉ là sự chung sống để có đôi, để không cô đơn mà nó là phải sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Con người ta sẽ tránh được những bi kịch cuộc đời nếu được sống trong những gia đình mà mọi người biết quan tâm và yêu thương nhau.
Suốt một thập niên gần đây, những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu gần như vắng bóng trên các kệ sách. Độc giả trẻ quan tâm đến văn chương của ông chỉ có thể tìm đọc trên mạng. Thế nhưng những bản online thường không đầy đủ so với bản gốc của tác phẩm.
Xuất phát từ nhu cầu đó, tháng 6.2021, hai tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu là Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng sẽ được tái bản để phục vụ bạn đọc.
Quyết định tái bản tiểu thuyết Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng do NXB Văn học phối hợp với Sbooks thực htrong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội, ở nhà đọc sách cũng là một hình thức hạn chế sự lây lan của bệnh dịch. Những người làm sách mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào đời sống tinh thần xã hội, đem lại nguồn năng lượng tích cực thiện lương và bản lĩnh sống trong mỗi tâm hồn qua văn chương tuyệt vời của nhà văn Lê Lựu.
Tương tự "Sóng ở đáy sông", "Thời xa vắng" cũng diễn ra trong bối cảnh chuyển giao quan trọng của xã hội; song lại khác ở một điểm, ấy là ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đẩy ra một bầu không khí tù túng, u ám, xam xám, ít ánh sáng và dường như chỉ là một bức tranh nhòe màu đã cũ. Bầu không khí nặng nề này bao trùm lấy toàn bộ làng Hạ Vị vào thời điểm đó, dẫn độc giả đi theo bước chân nhân vật bằng hình ảnh cả một dòng họ nháo nhào với biết bao nhiêu giáo điều tới từ người cha thuộc về xã hội cũ - cái xã hội thực dân nửa phong kiến.
Cha của nhân vật chính Giang Minh Sài là một ông đồ nên càng để ý tới nề nếp gia đình, làm bất cứ điều gì cũng phải để ý tới thể diện. Ở điểm này, ông khá giống với cha của Núi, cùng là những người gặp cơn chấn động bất ngờ khi chế độ cũ sụp đổ, ngơ ngác trước thời đại mới, cơ chế mới, chưa kịp phản ứng lại bất cứ điều gì, và cũng đã quá già để tiếp nhận những gì mới hơn.Bóng ma thuộc về cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé ám ảnh theo Sài tới mãi về sau, ngay cả khi nhường suất học cho Hương, vào bộ đội, thuyên chuyển khắp nơi rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Bản chất của Sài là một nghệ sỹ, khi không thể thỏa mình vùng vẫy trong hiện thực, Sài lại dầm mình vào những cơn tưởng tượng: trong chính nhật ký của mình. Bi kịch lại tới khi cuốn nhật ký đó bị tịch thu, bị đọc trộm, bị lôi ra để lấy làm bằng chứng bêu riếu kỷ luật Sài. Bị ràng buộc cả thân xác và tâm hồn, cuối cùng Sài lại sống như cái ý định mà anh cho là dũng cảm: “Hãy im lặng chịu đựng!”…
“Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình.
Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào.
Thời xa vắng đã được đón đọc nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, và được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại...” Phạm Xuân Nguyên (Nhà phê bình văn học)