Con gái nhà thơ Đoàn Vy – chị Đoàn Kiều Linh cho biết ông mất lúc 22 giờ 25 phút ngày 28.7 tại nhà riêng ở Bến Cát, Bình Dương do tuổi già bệnh tật.
Do đại dịch COVID-19 nên tang lễ nhà thơ Đoàn Vy chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình, và được đưa đi an tang vào sáng nay (29.7) tại Hoa viên Nghĩa trang Sala Garden ở Long Thành, Đồng Nai.
Nhà thơ Đoàn Vy sinh năm 1939 trong một gia đình người Hà Nội. Ông cũng là anh họ của nhà thơ Nguyên Sa - tác giả nổi tiếng với bài thơ Áo lụa Hà Đông.
Đoàn Vy xuất thân là thấy giáo. Ông tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi ra trường ông về dạy học tại Thanh Hóa.
Sau năm 1975, Đoàn Vy chuyển vào Nam công tác. Ông dạy môn Giáo dục công dân tại Trường THP Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM. Khi về hưu ông tham gia nhiều hoạt động văn hóa tại TP.HCM và Bình Dương cùng nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tại Sài Gòn như Thiên Hà, Chim Trắng, Triệu Từ Truyền, Phạm Sỹ Sáu, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Tú Lệ, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Trần Hoàng Nhân...
Đoàn Vy làm thơ từ sớm, nhưng xuất hiện trên văn đàn khá muộn. 40 tuổi ông mới có thơ đăng trên báo Văn nghệ TP.HCM. Sự xuất hiện của ông trên văn đàn đã góp vào dòng chảy thơ ca Sài Gòn một giọng thơ lạ đẹp bởi cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt táo bạo. Thơ của Đoàn Vy mang nhiều trăn trở về tình yêu, về cuộc sống bằng những cảm xúc đầy tinh tế.
Ông từng làm Chủ nhiệm CLB Thơ của NVH Lao Động TP.HCM vào những năm 1980. Năm 1981 ông là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.
Năm 1999, khi bước sang tuổi 60 ông mới phát hành tập thơ đầu tay Chỉ giấc mơ thôi (NXB Trẻ). Mãi đến năm 2014 ông xuất bản tập thứ hai Đột ngột hoa về (NXB Hội Nhà văn).
Nhà thơ Đoàn Vy mất trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát dữ đội tại các tỉnh phía Nam, nghe tin ông qua đời, giới văn nghệ sĩ cũng chỉ có thể gửi vòng hoa đến viếng và viết lời tiễn biệt ông trên trang cá nhân.
Nhà thơ Đoàn Vy gia nhập Hội Nhà văn TP.HCM ngay từ ngày đầu thành lập năm 1981, cùng với nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi mà nhiều người trong số đó cũng đã vĩnh viễn ra đi, như nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, nhà thơ Phương Đài, nhà văn Minh Quân, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Đoàn Vị Thượng. Ông làm thơ từ rất sớm nhưng có tập thơ riêng lại khá muộn.
Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM)
Nhà thơ Đoàn Vy viết chậm, viết ít, nhẩn nha nhưng ít nhiều để lại ký ức nơi độc giả và bè bạn. Tuy sáng tác nhiều thơ nhưng đến nay ông mới xuất bản hai tập thơ, mỗi tập cách nhau gần 20 năm: "Chỉ giấc mơ thôi" và "Đột ngột hoa về". Điều đó cho thấy nhà thơ xuất thân nhà giáo Đoàn Vy cẩn trọng đến mức cầu toàn.
Có một điều ít ai biết, nhà thơ Đoàn Vy là anh họ nhà thơ Nguyên Sa. Và nếu như Nguyên Sa từng có bài thơ nổi tiếng "Áo lụa Hà Đông" được âm nhạc chắp cánh thêm thăng hoa thì Đoàn Vy cũng có bài Lụa là Hà Đông khá hay được viết bằng thể thơ lục bát, với một tâm thế khác, cảm xúc khác: “Hà Đông có dịp tôi về/ Lụa nhà nõn quá tôi đề câu thơ/ Câu thơ áo mẹ tôi thờ/ Áo em tôi khoác đôi bờ Nhuệ Giang/ Câu thơ vất vả chạy càn/ Chạy từ thời chiến chạy sang thời bình”. Một cuộc đời phiêu dạt từ thời chiến sang thời bình, từ Bắc chí Nam, từ bục giảng đến thi đàn, đã mang lại cho Đoàn Vy những ký ức và sáng tạo”.
Nhà thơ - Nhà báo Phan Hoàng (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM)