Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa qua đời lúc 22 giờ 25 ngày 25.7 tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 68 tuổi. Ông mất trong bối cảnh toàn thành phố áp dụng giãn cách xã hội để chống COVID-19 khiến cho nhiều bạn bè đồng nghiệp không thể đến viếng và tiễn đưa lần cuối.
Trong niềm thương tiếc vô hạn, nhiều thế hệ những người làm báo ở Sài Gòn - những nhà báo gần gũi với ông ngoài đời và trong công việc ở tòa soạn, cho đến những thế hệ nhà báo đàn em đã có những chia sẻ cảm động về anh Hai Cù Nèo - Lê Văn Nghĩa.
Nhà báo Nguyễn Công Khế:
Khuya nay thức giấc, bật điện thoại ra, tin Nghĩa mất hiện lên rất nhiều trên FB bạn bè. Lòng buồn vô kể. Nhớ những ngày sống ở Chí Hòa, nhóm học sinh sinh viên chơi chung cùng với Cam, Thọ, Hòe, Bửu Chỉ, Lê Văn Nuôi... Sau 1975, vẫn chơi với nhau thân thiết. Nhớ lúc bắt đầu ra tờvThanh Niên đầu tiên vào cuối 1985, mời Nghĩa viết bài cộng tác, hắn cười bảo: “Không biết mày sẽ ra được mấy số”.
Sau khi Thanh Niên trưởng thành, lớn mạnh, gặp nhau, Nghĩa cười, luôn nhắc lại chuyện đó.
...Nhớ nhất lúc ở Khu bệnh xá mới trong trại giam Chí Hòa (còn gọi là khu AD) ăn uống khổ cực, mình và Nghĩa cùng anh Đoàn Khắc Xuyên lén trốn từ khu AD qua khu AH - nơi dành cho tù đặc biệt, uống mấy chai bia và ăn một đĩa phá lấu của tù nhân dân sự người Hoa, ngon vô cùng, khi về lại khu AD, mấy tay trật tự gườm gườm. Tụi mình mặc kệ, lủi đi. Mình nhớ, đó là bữa ăn được uống chai bia ngon nhất trong đời, mà mình không bao giờ quên.
Lúc đó, tôi và và Nghĩa thường bàn về chuyện viết lách cho tương lai khi ra tù. Hồi đó, Nghĩa thích nối gót hai nhà văn rặt Nam Bộ là Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc...
Suốt mấy chục năm làm báo với nhau, tôi và Nghĩa vẫn giữ quan hệ bạn bè, nhất là khi họa sĩ Bửu Chỉ còn sống và mấy anh em Cam, Thọ từ Đà Nẵng, Huế vào, đều tụ tập, gặp gỡ như lúc còn tuổi mười chín đôi mươi thuở nào.
Nghĩa ra đi thảnh thơi. Chỉ tiếc là đám tang của bạn tôi đúng vào lúc Sài Gòn thực hiện giãn cách nghiêm ngặt vì COVID-19 nên không thể đến tiễn đưa bạn đi. Thật buồn!
Nhà báo Lê Văn Nuôi:
Lê Văn Nghĩa làm báo Tuổi Trẻ từ 1975-2015, tổng cộng 40 năm. Nghĩa với vai trò phó Tổng thư ký tòa soạn phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười một thời gian dài và gắn liền nghiệp viết với rất nhiều tác phẩm, đa số thể loại trào phúng, châm biếm.
Lê Văn Nghĩa đã tham gia xây dựng nhiều chuyên mục và nhân vật trào phúng được xem là "để đời " với anh như các bút danh Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Thằng Hề, Điệp viên không không thấy… Và những năm gần đây, Nghĩa cật lực miệt mài cầm bút, viết nên nhiều tác phẩm nổi tiếng về học đường thời xưa và Sài Gòn xưa như tiểu thuyết Mùa hè năm Petrus, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian…
Mỗi lần ra tác phẩm mới, Nghĩa đều tìm cách gởi tặng tôi. Cách nay khoảng 2 năm, Nghĩa báo vừa xuất bản tác phẩm mới muốn gặp tôi và nhà viết kịch Lê Chí Trung để ký tặng ở một quán bia, do tôi chọn. Thế là ba người bạn cùng họ Lê, cùng nghiệp văn chương, báo chí đã có một buổi chiều tối gặp nhau chuyện trò tâm sự chuyện đời, chuyện nghề, bia bọt lai rai thiệt đã đời.
Ai ngờ đó là lần gặp sau cùng giữa bộ ba Lê Văn Nghĩa - Lê Văn Nuôi - Lê Chí Trung. Nghĩa đã mắc bạo bệnh từ mấy năm trước đó. Đến tháng 4 năm nay trở nặng, di căn. Buồn thương nhất là Nghĩa ra đi vào lúc dịch COVID-19 đang nghiêm trọng, tôi và bạn bè, bạn đọc không thể đến viếng, tiễn biệt và chia buồn cùng bạn Minh Hạnh và đứa con trai được.
Vĩnh biệt bạn hiền, nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa. Kỳ vọng các tác phẩm tài hoa và tâm huyết của bạn hiền sẽ lưu mãi trong lòng bạn đọc Sài Gòn và cả nước.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân:
Nghe tin nhà báo nhà văn Lê Văn Nghĩa mất thật là đau buồn. Tôi và anh là người gặp nhau không nhiều lắm, nhưng cũng có những dịp làm việc cùng nhau thời tôi còn làm ở báoTuổi Trẻ.
Khi tôi về Hội Nhà báo, anh có mời tôi tham gia ban giám khảo giải Trái cóc xanh của báo Tuổi Trẻ Cười, và khi Tạp chí Nghề báo tổ chức cuộc thi vẽ tranh biếm họa về đề tài Tiết kiệm điện, tôi cũng mời anh vào ban giám khảo
Gần nửa thế kỷ qua… Vẫn đọc nhau, vẫn tặng sách cho nhau, vẫn thấy nhau đó đây trong cuộc sống đầy bận rộn này. Gặp nhau ít mà quý nhau nhiều. Con người siêng viết, chân tình, sống tốt tính, nhân văn…
Trên FB của anh, thấy bài cuối anh đăng lên là ngày 28.4.2021 khi đăng một lời cảm ơn NXB Tổng hợp đã trưng bày sách của anh trong ngày Hội sách Việt Nam, rồi từ đó không gặp anh. Vậy mà… Nghìn trùng xa cách, Người đã đi rồi… Vĩnh biệt một người bạn, một đồng nghiệp trong gần nửa thế kỷ này…
Nhà báo Hoàng Linh:
Khi tôi lập tành làm báo anh Lê Văn Nghĩa đã nổi tiếng trong làng báo nhưng anh kiểu "cù lũ tàn tàn" không chút quan cách. Thời còn làm báo Tuổi Trẻ Cười tôi và nhiều anh em ăn bánh mì bì ngán luôn vì anh mua cả bó giúp bà cụ trên đường đi làm.
Anh sưu tầm đồ xưa, phòng làm việc như nhà giả kim và cũng giống vựa ve chai, trông anh cũng “cũ cũ”.
Chừng như đoán được ý nghĩ xằng bậy của thằng em anh cười thật hiền "tao cũ rồi đây là thời của mầy và Huy Đức".
Rồi anh lọ mọ rút ra mấy tờ 50.000 đồng dúi vào túi quần tôi chiều về ghé đâu ăn mì tàu hay ăn phở nha mậy. Kể lại mà cay mắt…
Tôi thật may mắn khi được học nghề báo từ Tuổi Trẻ với những người anh đúng nghĩa như anh Lê Văn Nghĩa,Nguyễn Đông Thức, Trương Quang Vĩnh, Nam Đồng, Trần Ngọc Châu, Đoàn Khắc Xuyên, Võ Văn Điểm... Còn những đồng nghiệp trẻ hiện nay cũng đầy tình cảm và bao dung...
Xin thắp nén nhang lòng đưa anh về chốn vĩnh hằng. Anh Nghĩa ơi!
Nhà báo Lê Thiếu Nhơn:
Bây giờ, nhà văn Lê Văn Nghĩa không còn nữa. Anh mang nét cười ấy vào cõi khác, chỉ để lại những trang viết mà anh gửi gắm tâm huyết lẫn đắm say. Với một người sòng phẳng và hào hiệp như nhà văn Lê Văn Nghĩa, mấy lời ngọt lạt tiễn đưa không quan trọng bằng việc nghiêm túc đọc tác phẩm của anh.
Sau thời thanh niên sôi nổi với những cuộc xuống đường đấu tranh trong phong trào học sinh - sinh viên đô thị miền Nam, Lê Văn Nghĩa trở thành một nhà báo khi non sông thống nhất. Nhà báo Lê Văn Nghĩa cần được ghi danh vào lịch sử báo chí Việt Nam, với ấn phẩm Tuổi Trẻ Cười.
Trước năm 1975, Việt Nam từng có những tờ báo cười, nhưng không có ấn phẩm nào phát triển mạnh mẽ và tạo được chỗ đứng thú vị trong lòng độc giả như Tuổi Trẻ Cười. Người có công gầy dựng Tuổi Trẻ Cười và làm linh hồn cho Tuổi Trẻ Cười suốt 30 năm (từ 1984 đến 2014) chính là nhà báo Lê Văn Nghĩa.
Làm báo để cười đã khó, mà viết văn để cười càng khó hơn. Không chỉ tập hợp được nhiều cây bút như Hoàng Thiếu Phủ - Hoàng Phủ Ngọc Phan, Đồ Bì - Vũ Đức Sao Biển, Đông Ki Rét - Trần Từ Duy… viết cho Tuổi Trẻ Cười, mà nhà báo Lê Văn Nghĩa cũng nhúng bút vào thể loại này qua những bút danh như Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ, Thằng Hề… Những tiểu phẩm trên báo gom góp lại in sách, và xuất hiện nhà văn Lê Văn Nghĩa.
Nhà báo Trần Hoàng Nhân:
Những năm cuối đời, nhà văn Lê Văn Nghĩa sống rất lạc quan, dường như ông sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Ngày ông dành thời gian viết và chiều tìm bạn làm vài chai bia rồi về. Tuần nào không thấy ông rủ ra vỉa hè uống bia thì lúc đó ông đang ở bệnh viện.
Nhà báo Lưu Đình Triều kể: “Nghĩa rất tự trọng không muốn phiền đến ai. Bị ung thư suốt mười năm nhưng hôm nào vô bệnh viện để cắt khối u thì Nghĩa cũng lo làm xong việc. Có lần làm chưa xong số báo, Nghĩa viết giấy nhờ tôi làm tiếp phần còn lại và dặn không cho ai biết kẻo bạn bè đi thăm mất công”.
Mang trong người cốt cách của dân Sài Gòn, Lê Văn Nghĩa lẫn vào đám đông khi ra đường trên chiếc cub cà tàng như mọi người cần lao ở thành phố này. Có lần tôi ghẹo sao anh không đổi xe tay ga chạy cho sướng. Ông nói xe còn đi ngon lành đổi chi.
Nghe nhiều người nói, cái cub này anh chở toàn “cộm cán” như Năm Cam ngồi phía sau và vài cán bộ bự nên không chịu đổi? Ông cười, thì toàn bạn học hoặc bạn tù thôi mà. Bạn học thời trẻ với ông có ông Trương Hòa Bình, bạn học sau này có ông Trương Vĩnh Trọng đều làm Phó Thủ tướng cả.
Bạn tù của Lê Văn Nghĩa có ông Trương Văn Cam, khi đó ở chung nhà tù. Ông Năm Cam tù hình sự còn Lê Văn Nghĩa tù chính trị, vậy mà mãi sau này gặp lại Lê Văn Nghĩa, Năm Cam vẫn gọi ông Nghĩa là anh Hai dù số má giang hồ ông Năm Cam hơn và tuổi đời cũng lớn hơn.
Tôi nói cái xe cub của anh hay quá, nếu anh không đi nữa thì để lại cho em nha. Thế là nhà văn viết giấy cho tôi luôn. Song anh nói: Nhưng giờ tao còn đi, mày cầm trước cái giấy. Giờ anh mất rồi, tôi xin giữ cái giấy làm kỷ niệm, còn cái xe vẫn mãi của anh với vẹn nguyên kỷ niệm, anh Hai Nghĩa nha.