“Tôi đưa đàn dê đi ăn cỏ sáng nay”, Ivan Yershov 86 tuổi kể trong một buổi chiều đầy nắng. “Nhưng ở ngoài đồng, người ta đang gõ búa và cưa. Mấy con dê sợ hãi, vì thế, tôi phải lùa chúng về”.
Các con dê bất kham không chỉ là dấu hiệu cho thấy những gì bất thường đang diễn ra ở ngôi làng Kinerma nhỏ bé, cách thành phố Petrozavodsk khoảng 100km về phía tây ở trung tâm Cộng hòa Karelia, Nga. Những ngôi nhà cổ bằng gỗ trông lạ mắt - nhiều ngôi nhà cổ bằng gỗ trong số đó là những địa danh được bảo vệ có niên đại từ thế kỷ 16 - dọc theo những con đường không trải nhựa của ngôi làng được trang trí bằng quần áo rách rưới, vải bạt, và những tấm bảng viết tay với khẩu hiệu tiếng Anh kỳ lạ “Firewood”.
Sự trang trí tạm thời là sự phản đối đoàn làm phim có trụ sở ở Moscow đã tràn vào thị trấn để thực hiện bộ phim bằng cách sử dụng ngôi làng đẹp như tranh làm bối cảnh.
Olga Gokkoyeva
“Chúng tôi chơi chữ ‘Hollywood’ khi đặt tên cho sự phản đối là ‘Firewood’ (có nghĩa là củi), nhà tổ chức biểu tình và là người dân địa phương Kinerma tên Olga Gokkoyeva kể. “Về cơ bản, chúng tôi không là gì mà chỉ là củi đối với những nhà làm phim, chuyện này đặt ra 2 câu hỏi: Chúng tôi có cảm giác tự trọng không, và chúng tôi có nghĩ Kinerma là một phần trong di sản văn hóa của chúng tôi, xứng đáng được bảo tồn và tôn trọng không?”.
Tên của bộ phim - -được quay bởi công ty sản xuất của nhà làm phim đoạt giải Oscar và là chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Nga Nikita Mikhalkov - đủ để tấn công khủng bố vào trái tim của 7 người sống quanh năm trong ngôi làng Kinerma có kiến trúc cổ bằng gỗ: Đám cháy!
“Họ mang những khúc gỗ đến cánh đồng của chúng tôi và bắt đầu làm việc”, bà Anna Kuznetsova, mẹ của Gokkoyeva, tâm sự. “Tôi hỏi họ chuyện gì đang diễn ra và họ trả lời tôi rằng họ đang làm phim về những người lính cứu hỏa. ‘Chúng tôi sẽ không đốt bất cứ thứ gì’, họ cho biết. ‘Chúng tôi sẽ chỉ tạo chút khói’”.
“Nhưng không có lửa làm sao có khói”, Kuznetsova nói một cách hồ nghi.
“Ngôi làng của chúng tôi sống sót một cách kỳ diệu trong chiến tranh”, bà nói thêm, khi nhắc đến Chiến tranh mùa Đông năm 1939- 940 giữa Phần Lan và Liên Xô và Thế chiến thứ 2, xảy ra trong khu vực bắt đầu từ năm 1941. “Cuộc chiến đã đi qua. Nhưng giờ đây, chúng tôi không biết liệu chúng tôi sẽ bị thiêu rụi hay không. Họ quay phim chỉ cách ngôi làng 200 mét. Bạn có thể tưởng tượng xem liệu ngọn lửa bén không?”
Những chiếc xe buýt chở khách du lịch là cảnh tượng thường thấy ở Kinerma
Ngôi làng đẹp nhất của Nga
Ở một chừng mực nào đó, những vấn đề của Kinerma là kết quả của sự thành công của chính nó. Năm 2016, Kinerma được mệnh danh là ngôi làng đẹp nhất ở Nga, khiến cho một lượng khách du lịch đáng kể kéo về. Trong những tháng nắng ấm, ít nhất, một xe buýt chở du khách đổ về thị trấn hằng ngày để đắm chìm trong bầu không khí của nước Nga không nhuốm màu thời gian.
Năm nay, du khách được chào đón bằng các bảng hiệu tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Phần Lan khi giài thích rằng sự trang trí kỳ lạ trên các ngôi nhà và tinh thần của sự phản đối - “thái độ tiêu cực của chúng tôi đối với việc sản xuất phim về những người lính cứu hỏa, chuyện đó không chỉ làm gián đoạn cuộc sống trong ngôi làng của chúng tôi, mà còn đặt ra mối đe dọa cho nó”.
Yegor Kalmykov, hướng dẫn viên đưa khách du lịch đến những ngôi làng lịch sử của khu vực, nói rằng du khách thông cảm với cuộc biểu tình của người dân Kinerma.
Sự chống đối của dân làng đối với dự án Đám cháy bắt nguồn một phần từ kinh nghiệm trước kia đối với các công ty sản xuất phim. Năm 2014, ngôi làng là phông nền cho chương trình truyền hình về chế độ nông nô, trong khi năm 2018, ngôi làng là bối cảnh cho một bộ phim về trại tù binh chiến tranh Phần Lan. Người địa phương kể rằng trong cả hai trường hợp, những nhà làm phim đã đối xử với họ tàn tệ. Người nông dân Yershov nói một công ty lợp ngói lên mái phòng tắm hơi (banya) của ông và bỏ đó, buộc ông phải gỡ ngói và tự sửa chữa thiệt hại.
Anna Kuznetsova
“Họ là những người khó chịu, thích xía vào chuyện của người khác và không xin phép khi làm bất cứ chuyện gì”, Kuznetsova trình bày. “Họ làm hỏng 6 hoặc 7 mái nhà - mà mái nhà là thứ quan trọng cho ngôi nhà! Họ đổ cát khắp các con đường của chúng tôi và không dọn dẹp bất cứ thứ gì sau khi bày bừa. Chúng tôi phải khôi phục mọi thứ vào vị trí cũ”.
Nhà tổ chức biểu tình Gokkoyeva bộc bạch những kinh nghiệm trước kia là động lực thúc đẩy cô hành động lần này. Cô nói cô không thể tha thứ cho chính mình vì không làm gì trong khi những nhà làm phim đầu tiên là treo chân dung Josef Stalin và sau đó là chữ thập ngoặc lên tháp chuông nhà nguyện của ngôi làng cổ.
“Nga có đầy ngôi làng bỏ hoang, nhưng vì lý do nào đó không ai đến đó để làm phim”, cô trình bày. “Kinerma là di sản quốc gia của chúng tôi, nhưng đối với những nhà làm phim nó chỉ là bối cảnh có sẵn mang đến cho họ cơ hội tiết kiệm tiền… Nhưng chúng tôi không phải là đồ trang trí!”
‘Chúng tôi không ở đây để thiêu rụi bất cứ thứ gì’
Dù lịch quay phim Đám cháy chưa được thông báo, nhưng người ta chuẩn bị rất nhiều. Một máy xúc đào xới cánh đồng liên tục, trong khi nhiều xe tải lớn chở cỏ khô đã được đưa đến. Danil Novozhilov, trợ lý giám sát sản xuất nói rằng anh không hiểu tại sao người dân địa phương lại khó chịu.
Năm 2016, Kinerma được mệnh danh là ngôi làng đẹp nhất ở Nga, khiến cho một lượng khách du lịch đáng kể kéo về
“Chúng tôi đào một hồ chứa nước, vì lý do nào đó họ không có hồ chứa nước ở đây”, anh chia sẻ. “Và không ai lo lắng ngôi làng sẽ bị cháy rụi. Không ai ở đây lên kế hoạch thiêu rụi mọi thứ và sau đó bỏ chạy. Chúng tôi muốn mọi thứ được an toàn. Đây là đội ngũ chuyên nghiệp”.
Các địa danh kiến trúc cổ bằng gỗ của Nga đã bị đe dọa từ lâu, thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi ánh sáng, sự cẩu thả, hoặc sự đốt phá. Tháng 8.2018, nhà thờ Uspensky có từ thế kỷ 18 gần thành phố Kondopoga của Karelia đã bị cháy.
Trong số 72 nhà thờ bằng gỗ được mô tả trong danh mục kiến trúc bằng gỗ của Nga năm 1942, chí có 27 nhà thờ bằng gỗ vẫn còn tồn tại, theo chuyên gia kiến trúc Aleksandr Mozhayev.
Mê Linh - Ảnh: Internet