Công chiếu và tham gia tranh giải tại liên hoan phim Cannes 2019, Ký sinh trùng (tên gốc: Parasite) đã thắng giải Cành cọ vàng và là phim Hàn Quốc đầu tiên làm được điều này. Trái với dự đoán của nhiều người, Ký sinh trùng không phải phim quái vật như phim Quái vật sông Hàn trước đây cũng của đạo diễn Bong Joon-ho. Thay vào đó, nó thuộc thể loại “black comedy” (hài đen) với thời lượng lên đến 132 phút.
Ký sinh trùng mở đầu bằng cảnh sinh hoạt của gia đình gồm 4 thành viên của Ki-taek - một người đàn ông trung niên từng thất bại nhiều lần trong kinh doanh. Ông sống cùng vợ và hai con, một trai một gái, ở độ tuổi sinh viên. Tất cả đều thất nghiệp và sống qua ngày bằng cách dựng hộp bánh pizza.
Bỗng một hôm, cậu con trai Ki-woo được giới thiệu làm gia sư tiếng Anh cho con gái Da-hye của giám đốc Park. Không chỉ tận dụng cơ hội quý giá trời ban, Ki-woo còn tìm mọi cách để thay thế các vị trí làm thuê khác trong nhà này bằng cha mẹ và em gái của mình. Sự ngây thơ của bà Park đã khiến cho kế hoạch của Ki-woo thành công trót lọt.
Kể từ đó, hai gia đình sống chung trong một căn hộ sang trọng, bề thế. Nhà Ki-taek giống như ký sinh trùng bám lấy vật chủ là nhà Park. Họ bòn rút sức sống, thậm chí sở hữu khả năng hủy hoại vật chủ dù không chủ tâm làm thế. Đạo diễn Bong Joon-ho bằng lối kể chuyện tài tình đã cho chúng ta thấy lằn ranh của sự giàu nghèo không chỉ nằm ở tài sản mà còn nhiều yếu tố khác. Tất cả tạo nên một lằn ranh vô hình nhưng mạnh mẽ, phân cách hai giai cấp khác nhau trong xã hội.
Cảnh nhà Park trở về nhà do cơn mưa lớn trong lúc nhà Ki-taek đang nhậu nhẹt say sưa trong căn hộ cao cấp của họ là một chi tiết cực kỳ đắt giá. Phản ứng của nhà Ki-taek thể hiện sự bất lực, xấu hổ và đáng thương - những cảm xúc mà khán giả sẽ dễ dàng nhận ra và đồng cảm. Mặc dù vậy, nhà Park không phải những kẻ giàu hợm hĩnh thường thấy. Họ hào phóng, vui vẻ, tử tế và không thể hiện sự kỳ thị đối với người nghèo, hay ít nhất là không lộ liễu. Đáng tiếc, ông Ki-taek vẫn thấy bị sỉ nhục chỉ bởi hành động “không chịu được mùi thối” của ông Park.
Nửa đầu phim khá thoải mái với nhiều chi tiết hài hước liên tục. Sau đó, nhịp phim dần nhanh hơn và đôi khi có không khí như kinh dị. Để rồi đoạn kết đặt ra nhiều câu hỏi lởn vởn trong đầu khán giả sau khi đã rời rạp. Ký sinh trùng đã phá vỡ nhiều quy tắc thông thường và mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ về nền điện ảnh Hàn Quốc đang dần chuyển mình với các kịch bản xuất sắc.
Đạo diễn Bong Joon-ho về cơ bản là không đứng về phía nào. Ông đơn thuần khắc hoạ thực trạng đang diễn ra, và vì thế mọi thứ đều mang tính ngẫu nhiên. Do đó, khán giả sẽ khó đoán được chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Không giống với nhiều phim khác từng thắng giải Cành cọ khác, Ký sinh trùng mang tính nghệ thuật cao nhưng phù hợp với khán giả đại chúng, đặc biệt là các quốc gia châu Á. Chính vì thế, việc phim ra rạp tại Việt Nam từ ngày 21.6, tức là chỉ sau LHP Cannes 2019 vài tuần là một cơ hội cho các mọt phim thưởng thức siêu phẩm này.
Tính đến hiện tại, Ký sinh trùng đã thu về 50 triệu USD tiền vé so với kinh phí sản xuất 12 triệu USD. Bản quyền chiếu cũng được bán cho 190 quốc gia.
Mai Thảo