Bạn bè tôi đều biết, nghề tay trái của tôi là sáng tác. Nhiều tháng liên tiếp trở lại đây, tôi là người được nhận số tiền nhuận bút cao nhất của tòa soạn. Cùng với số lượng thích fanpage ngày một tăng, tôi cũng ngày càng nhận được nhiều sự khích lệ: "Viết hay lắm", "Viết thêm thật nhiều tác phẩm có ý nghĩa nhé"... Nhưng chỉ có mình tôi mới biết, trải qua những đêm thức trắng để viết bài, sức khỏe của tôi đang dần suy giảm: sắc da vàng nhợt nhạt, rối loạn nội tiết, khả năng tập trung giảm, dường như qua một đêm là có thể bước đến tuổi trung niên.
Mấy ngày trước khi chủ biên nhắc nhở muốn tăng về số bài viết, tôi bắt đầu lo sợ, lần đầu tiên trong tôi xuất hiện suy nghĩ từ bỏ khi sự nghiệp đang trên đỉnh cao. Đúng vậy, tôi - một người bẩm sinh mạnh mẽ, cuối cùng đã tự nhận "sợ hãi". Và tôi đã tự cho mình một kỳ nghỉ ngắn hạn, để đầu óc được nghỉ ngơi, tự để bản thân bước khỏi trạng thái lo lắng thường trực.
Tĩnh lặng suy nghĩ lại, thực ra, tự nhận sợ hãi có thể mới là sự bảo vệ tốt nhất đối với bản thân. Cũng giống rất nhiều người, tôi ôm giấc mơ tuổi 16 chinh phục cả thế giới. Nhưng đến hôm nay, khi đã 26 tuổi, mong muốn hàng ngày chỉ đơn giản là có thể sớm tan ca một chút để trở về căn phòng quen thuộc nghỉ ngơi.
Đôi lúc, tôi cũng tự hỏi bản thân: "Tôi đã sợ hãi đến mức độ nào?" Cùng với sự lớn dần của tuổi tác, va chạm xã hội càng nhiều, chúng ta bắt đầu nhận thức được có những thứ vượt qua khả năng của bản thân. Phần lớn chúng ta, đều là những người bình thường, chạy không ngừng trên con đường "sinh tồn", chúng ta phải dùng toàn sức để giữ được sự bình thản bề ngoài, còn cần không ngừng nhường bước để giữ lấy thể diện của bản thân.
Đúng vậy, con người càng trưởng thành sẽ càng sợ hãi, sự ngông cuồng bất bại của tuổi trẻ năm đó, thì thay vào đó, nay cũng có những lo lắng sợ hãi trước hiện thực cuộc sống. Nhưng tôi hoàn toàn không thấy có gì là xấu, ít nhất, bạn có thể sống với chính nội tâm của bạn.
Tôi có từng nghe một câu nói: "Để xem một người đã trưởng thành chưa, chỉ cần xem người đó có biết tiến lùi đúng lúc hay không." Tuổi trẻ của chúng ta đều trải qua những thời khắc đầy nhiệt huyết, nhưng nếu nhiệt huyết quá mức, sẽ trở thành phô trương thì hậu quả sẽ không thể lường trước được.
Cũng giống như bản tin tôi đọc được vài ngày trước đây: "Một nam sinh mới thi đỗ vào một trong các trường đại học top đầu, sau khi uống liên tiếp 6 ly rượu, do "ngộ độc cồn cấp tính", đã tử vong. Vốn dĩ đến bar để chúc mừng kết thúc thời học sinh, vừa hay bar có chương trình khuyến mãi, trong 3 phút uống hết 6 ly rượu sẽ được miễn phí hoàn toàn hóa đơn thanh toán trong ngày. Dưới sự cổ vũ của bạn gái đi cùng và nhiều người có mặt, mặc kệ tửu lượng và sức khỏe của bản thân có hạn mà bất chấp tham gia, cuối cùng tự đánh mất cả tính mạng của bản thân."
Rõ ràng biết rõ giới hạn của mình, hoàn toàn có thể không chấp nhận thử thách này, nhưng đáng tiếc là nam sinh này dùng sự lỗ mãng cho là dũng khí, lấy sự kích động thể hiện sự chân thành.
Khi một người đã có được chút thành tích, thường sẽ khó phân tích hoàn cảnh và năng lực của bản thân một cách khách quan. Đứng trước thử thách vượt qua khả năng của bản thân, bất chấp dấn thân, không bằng hãy rút tay lại, cho bản thân thời gian để bình tĩnh suy nghĩ. Nhận bản thân sợ hãi, không có gì đáng sợ hay hổ thẹn. Không có gì quan trọng hơn việc đối tốt với bản thân, nếu nhận sợ hãi có thể giữ được mạng sống của bạn, vậy tại sao lại chọn không?
Giống như Franz kafka (1883- 1924) từng nói: "Con người thường dùng sự hung hăng kích động để che đậy nhược điểm của chính mình, còn sức mạnh thật sự nằm ở chữ "nhẫn"".
Chấp nhận sợ không đáng sợ, chỉ sợ là hấp tấp nóng vội và kích động mất kiểm soát.
Năm 1952, khi tổng thống đầu tiên Israel - Weizmann qua đời, đã có người đề cử Einstein ứng cử chức tổng thống. Mọi người đều nhận thấy, Einstein là người xuất chúng nhất thế giới lúc này, là người Do thái có ảnh hưởng lớn nhất, đảm nhiệm chức tổng thống là phù hợp nhất.
Lúc đó đại sứ đã gọi điện cho Einstein hỏi: "Nếu đề cử ngài giữ chức vụ tổng thống, ngài sẽ tiếp nhận chứ?"
Einstein vô cùng thẳng thắn trả lời: "Nếu nói về tự nhiên, tôi hiểu một chút. Nhưng nói về con người, tôi gần như hoàn toàn không hiểu, sao có thể đảm nhiệm chức vụ này."
Từ câu chuyện này, bạn có thể thấy được người vĩ đại cũng sẽ có lúc sợ hãi. Và từ việc tự nhận sợ hãi, mới có thể thấy được thái độ thực sự cầu thị của ông. Một điều khó đạt được nhất của con người là bản thân có thể đối diện được với hạn chế của mình, biết rõ điều gì nên và không nên làm.
Cảnh giới cao nhất của cuộc đời, là chống lại sự cám dỗ, chứ không phải theo đuổi cám dỗ.
Ai nói rằng đười người nhất định phải thành công. Đôi khi, lùi một bước, sẽ có niềm vui riêng của nó. Một người trưởng thành, là bắt buộc phải tự biết mình là ai. Con người thường hay phiền não với những thiết xót hay khuyết điểm của bản thân, giống như giao tiếp xã hội kém, không chịu được áp lực cao…, họ cảm thấy đây là bệnh cần chữa, liền nghĩ ra mọi cách để thay đổi bản thân.
Tuy nhiên, cố vấn tâm lý Li Songwei nói: "Đừng tiếp tục cố chấp với bản thân nữa, so với việc muốn đi kiểm soát, không bằng hãy nhận phần thua về mình."
Nếu bạn là một người thành lập công ty, nhưng lại nhận ra bạn quản lý không tốt, vậy đừng cố sống chết để nắm lấy quyền lực đó, nếu cần bỏ tiền để mời một quản lý có kinh nghiệm thì hãy bỏ. Một mặt khác của nhận sợ hãi, cũng chính là nhìn rõ bản thân hơn và chấp nhận chính mình. Từ bỏ việc kiểm soát, bề ngoài nhìn vào có vẻ như tiêu cực, nhưng thực ra bên trong lại là một cách xử lý tích cực hơn.
Đôi khi, càng so đo với bản thân, kết quả lại càng thảm hại, thay bằng kiểm soát, hãy nhìn nhận ưu khuyết điểm của bản thân trước, tiếp đó hãy đi phân tích và giải quyết vấn đề. Nếu một người đến dũng khí nhận mình sợ hãi cũng không có, thì sao có thể nhìn thấy mặt toàn diện chân thực nhất của bản thân.
Tôi có đọc được câu nói thế này: "Thì ra từ đầu đến cuối cuộc sống chính là lãng phí, điều mà bạn cần đánh giá là sự lãng phí này có "tươi đẹp" không. Sau này, mỗi khi làm việc gì đó, tôi liền hỏi bản thân: "Mình có cảm thấy nó tươi đẹp không?". Nếu có, hãy lập tức thực hiện, xuất phát ngay từ đó, chúng ta đi chống chọi với cuộc sống, đi hưởng thụ cuộc sống."
Đợi cho đến khi thấy được vật đổi sao dời, đợi bạn trải qua những đổi thay to lớn, bạn cuối cùng sẽ hiểu được có một sự trưởng thành mang tên "chấp nhận sợ hãi". Sự chấp nhận sợ hãi này sẽ giúp bạn từ bỏ suy nghĩ lệch lạc, không cần thiết, loại bỏ những kích động vô nghĩa từ nội tâm, cho đến khi tìm được sự việc tươi đẹp, có ý nghĩa dành riêng cho bạn trong cuộc sống.
Cũng giống như tôi năm nay 26 tuổi, đối mặt với những khó khăn, tôi vẫn sẽ sợ hãi. Nhưng đối với cuộc sống, tôi vẫn giữ nguyên nhiệt huyết! Tự điều chỉnh tốt trạng thái bản thân, và lại tiếp tục viết lách, dùng tất cả tư duy và trải nghiệm để viết về con người, cuộc đời, chuyển thành những dòng văn bạn đang đọc.
Cuộc đời không phải diễn tập, mỗi ngày đều như đang phát trực tiếp, gặp phải sẽ là gặp phải, chúng ta buộc phải chấp nhận nhưng không từ bỏ, và từ đó có thể tiến xa hơn. Sau tất cả sợ hãi, chúng ta có thể bước qua và càng thêm yêu cuộc sống, đó mới là điều tuyệt vời nhất!
Đời người chỉ có một lần, bạn có thể sợ hãi một hai lần, nhưng đừng sợ hãi cả đời!