Đọc và nghe một cuốn sách có thể liên quan đến các con đường não bộ khác nhau, nhưng hầu hết các nhà tâm lý học nghiên cứu ngôn ngữ trên các khía cạnh tâm lý và sinh học thần kinh đồng ý rằng “bộ máy tâm trí” liên quan đến việc hiểu ở cấp độ cao hơn các mẩu chuyện, cốt truyện đều giống nhau bất kể bạn “đọc” cuốn sách như thế nào.
Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học UC Berkeley đã chụp hình não 9 người tham gia đang đọc và nghe một loạt chuyện, rồi lập bản đồ cách các khu vực khác nhau của não xử lý từng từ.
Nhìn vào các bản scan não và phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu thấy rằng các câu chuyện kích thích các vùng nhận thức và cảm xúc giống nhau, bất kể phương tiện truyền đạt chúng vào não là gì đi nữa, theo kết quả đăng trên tập san Journal of Neuroscience vào tháng 8-2019. Nói cách khác, ta nghe hay đọc thì đối với não “không thành vấn đề”.
Điều này lại dẫn đến một câu hỏi khác: giữa nghe và đọc, có cái nào giúp ta dễ hiểu nội dung văn bản hơn cái kia không? Beth Rogowsky, phó giáo sư giáo dục tại Đại học Bloomsburg, đã làm thí nghiệm với 3 nhóm tình nguyện viên là người trưởng thành để tìm câu trả lời.
Nhóm đầu tiên nghe các đoạn trích của một cuốn sách phi hư cấu về Thế chiến thứ hai; nhóm thứ 2 đọc các đoạn trích từ một máy đọc sách điện tử; nhóm cuối cùng đọc và nghe các đoạn trích đồng thời.
Các tình nguyện viên sau đó đã làm một bài kiểm tra khả năng hiểu. Rogowsky và các đồng nghiệp không thấy có sự khác biệt đáng kể về điểm số giữa 3 nhóm.
Nhưng Rogowsky lưu ý rằng nghiên cứu của cô chỉ xem xét khả năng hiểu khi mọi người đọc hoặc nghe tài liệu một lần, chứ không phải khi họ cố gắng nghiên cứu nó ở mức độ sâu.
Nói cách khác, nghiên cứu của Rogowsky gợi ý rằng ít nhất khi nói đến việc tiếp nhận tài liệu một cách tương đối thụ động, thì việc bạn đọc hay nghe cuốn sách không thực sự quan trọng.
Nhưng còn muốn nạp nội dung chủ động thì sao? Một nghiên cứu so sánh mức độ học tập của sinh viên về một chủ đề khoa học bằng cách cho họ nghe 1 podcast dài 22 phút so với đọc 1 bài viết. Hai ngày sau, họ phải làm bài kiểm tra. Kết quả là số sinh viên đọc đạt 81% số điểm và những người nghe thì được 59%.
Xét trên khía cạnh học tập thì 2 cách nạp văn bản này khiến ta tiếp nhận theo những cách khác nhau. Với văn bản có những phần khó, ta có thể dễ dàng quay lại đoạn đó, đọc lại và suy nghĩ dễ dàng hơn khi nghe nội dung đó.
Văn bản viết dù khó đến mấy cũng góp phần hỗ trợ người đọc thông qua những dấu hiệu tiêu đề, cách sắp xếp đoạn văn, những quy ước này là thứ mà việc nghe sách không thể so sánh được.
Vì vậy, mặc dù cả việc nghe và đọc sách đều có một quá trình hiểu cốt lõi tương đối giống nhau diễn ra trong não, những văn bản khó đòi hỏi tâm trí chúng ta phải có các chiến lược bổ sung và văn bản giấy có thể đáp ứng tiêu chí này.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy khả năng nghe và đọc của mọi người tương tự nhau đối với các câu chuyện kể đơn giản hơn là đối với văn xuôi. Các câu chuyện có xu hướng dễ đoán hơn và sử dụng các ý tưởng quen thuộc, còn các bài luận thuyết trình có nhiều khả năng bao gồm nội dung lạ và yêu cầu đọc có chiến lược hơn.
Thể loại sách cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến chọn lựa nghe hay đọc của chúng ta. Đối với văn bản tường thuật như tiểu thuyết, việc bạn đọc hay nghe cuốn sách có lẽ không quan trọng lắm. Nhưng đối với văn bản kỹ thuật, văn xuôi thì đọc sẽ tốt hơn.
Việc tìm hiểu tài liệu dày đặc thông tin thường đòi hỏi phải xem lại và việc lật qua lại giữa các trang sẽ dễ dàng hơn nhiều so với lướt qua lướt lại một đoạn âm thanh.
Daniel T. Willingham, giáo sư tâm lý Đại học Virginia, chia sẻ trên The New York Times rằng cách đây vài năm, khi mọi người nghe nói ông là một nhà nghiên cứu về đọc sách, họ có thể hỏi về chứng khó đọc của con cái hoặc làm thế nào để khiến con họ đọc nhiều hơn.
Nhưng ngày nay câu hỏi mà ông thường xuyên nhận được nhất là “Nếu tôi nghe sách nói khi sinh hoạt trong câu lạc bộ sách thì có bị xem là gian lận không?”.
Suy cho cùng việc có gian lận trong câu lạc bộ đọc sách không nếu nghe sách có vẻ như không quan trọng bằng chuyện lựa chọn cách thức nào để hiểu nội dung của một cuốn sách một cách tốt nhất và nắm bắt được điều tác giả cố gắng truyền đạt đến chúng ta. ■