Đằng sau một quyết định lớn: Lựa chọn nghe bộ não hay trái tim?

12/06/2021 08:30
Đằng sau một quyết định lớn: Lựa chọn nghe bộ não hay trái tim?

Chọn lựa nào để ít phải hối tiếc nhất? Chọn lựa nào để mang lại lợi ích cho nhiều người nhất? Theo "Đằng sau một quyết định lớn", một quyết định quan trọng luôn đòi hỏi sự kết hợp hài hòa của bộ não và trái tim.

Đằng sau một quyết định lớn: Lựa chọn nghe bộ não hay trái tim? - Ảnh 1.

Trong cuốn sách "Đằng sau một quyết định lớn", Joseph L. Badaracco - giáo sư của Havard Business School - đã khuyên rằng bạn nên kết hợp giữa bộ não và trái tim để đưa ra lựa chọn của riêng mình.

Trong cuộc đời quản lý, không ít lần chúng ta phải đối mặt với quyết định thuộc "vùng xám", nơi không có sự phân biệt rạch ròi giữa màu trắng và màu đen.

Để giải quyết các thách thức này đòi hỏi không chỉ kỹ năng mà còn là đạo đức. Có nhiều nguyên tắc để giải quyết vấn đề nhưng liệu sau cùng, đây có phải là giải pháp đúng đắn nhất?

Năm 1996, Aeron Feuerstein, giám đốc của công ty dệt may Malden Mills, trong lúc đang tổ chức tiệc sinh nhật thứ 70 của mình thì nhận được tin báo nhà máy của ông bị cháy. Đám cháy đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng và khiến Feuerstein đối diện với "vùng xám": 

Liệu có nên xây dựng lại toàn bộ nhà xưởng khi toàn bộ ngành dệt may của Mỹ đang dịch chuyển sang châu Á - nơi có nhân công rẻ? Và liệu ở tuổi 70, ông có còn đủ sức dẫn dắt công ty đứng lên sau tro tàn?

Và nếu xây dựng lại nhà máy, trong thời gian đó công nhân sẽ lấy gì sống khi có nhiều gia đình cả hai vợ chồng đang làm tại Malden Mills? Một dữ liệu khác là số tiền bảo hiểm trả cho Feuerstein sau sự cố là 300 triệu USD.

Quyết định sau đó của Feuerstein đã biến ông từ một doanh nhân thành người hùng của nước Mỹ. Ông đã chọn nghe theo trái tim, quyết định xây dựng lại nhà máy và tiếp tục trả lương cho công nhân trong thời gian nhà máy xây dựng lại. 

Ông cam kết sẽ thuê lại toàn bộ công nhân cũ và trang bị thiết bị hiện đại cho nhà máy mới. Chi phí xây dựng lại nhà máy mới là 400 triệu USD, trong đó 300 triệu USD tiền bảo hiểm và 100 triệu USD ông đi vay ngân hàng.

Câu chuyện tưởng chừng như tốt đẹp của vị giám đốc giàu lòng nhân ái đó đáng tiếc lại kết thúc không có hậu. Sau 3 năm, nhà máy bị phá sản.

Rõ ràng, Feuerstein đã bỏ qua những yếu tố khác mà chỉ để ý đến cảm nhận của bản thân, cam kết với trách nhiệm của một người tốt mà bỏ qua những hệ quả tiêu cực có thể đến do quyết định của ông. Trái tim nhân hậu của ông không chịu được cảnh các công nhân của mình mất việc và đói rách nhưng cuối cùng thì bi kịch vẫn xảy ra bởi ông thiếu đi sự suy xét của lý trí.

Trên thực tế, việc đưa ra một quyết định ở vùng xám chưa bao giờ là dễ dàng, nó thể hiện kỹ năng, bản lĩnh của người quản lý. Để làm được điều đó, chúng ta cần cân nhắc cả hai yếu tố lý tính (bộ não) và cảm tính (trái tim).

Bằng những kinh nghiệm thực tiễn của mình kết hợp với việc nghiên cứu các nhà quản lý khác, Badaracco đã đúc rút thành 5 câu hỏi lớn hữu dụng khi cần đưa ra các quyết định trong vùng xám. Những câu hỏi này không chắc sẽ giúp nhà quản lý đưa ra quyết định hoàn hảo nhất, nhưng nó giúp chúng ta tìm ra con đường hợp lý nhất.

Trong số 5 câu hỏi thách thức này có 3 câu hỏi thuộc về tư duy (bộ não) đó là: Hệ quả thuần của vấn đề là gì? Kế hoạch hành động có phù hợp với thực tế hay không? Và giá trị doanh nghiệp là gì (Chúng ta là ai?)? Nhà quản lý trước khi đưa ra quyết định ở vùng xám cần cân nhắc những câu hỏi này.

Ví dụ trong trường hợp của Feuerstein, hệ quả thuần chính là hiệu số của hệ quả tích cực và tiêu cực. Hệ quả tích cực là ông giải quyết được tạm thời nỗi lo của người công nhân, đồng thời xoa dịu cảm giác hối lỗi của mình, song hệ quả tiêu cực là giải pháp chỉ mang tính thời điểm bởi cuối cùng người công nhân vẫn mất việc. Feuerstein lẽ ra đã có giải pháp tốt hơn nếu cân nhắc kỹ câu hỏi đầu tiên.

Tuy nhiên, nhà quản lý không nên chỉ là chiếc máy với những dữ liệu, thông tin để phân tích, mà trước hết họ phải là con người với trái tim nhân văn. Hai câu hỏi về "Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì?" và "Liệu chúng ta có thể sống chung với quyết định của mình?" chính là sự bổ sung cho bộ não.

Câu hỏi cuối cùng: "Liệu chúng ta có thể sống chung với quyết định của mình?" đòi hỏi sự hiểu biết của nhà quản lý về bản thân mình và chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định trong vùng xám được đưa ra. 

Bởi các vấn đề trong vùng xám không có giải pháp win - win, vẹn cả đôi đường, nhà quản lý phải chấp nhận cam kết, chịu trách nhiệm, sống chung với quyết định cuối cùng.

Chọn lựa nào để ít phải hối tiếc nhất? Chọn lựa nào để mang lại lợi ích cho nhiều người nhất? Mỗi nhà quản lý sẽ có những cách tiếp cận khác nhau. 

Là một nhà quản lý có trách nhiệm, hãy phân tích các dữ kiện quan trọng, đưa ra nhận định hợp lý và cuối cùng là cân nhắc kỹ lưỡng bằng trực giác để đưa ra quyết định hợp lý nhất.

Bạn đọc quan tâm cuốn sách có thể tìm hiểu thêm và đặt mua tại: https://bom.to/sau1qdlon-td . Trạm Đọc gửi tặng mã ưu đãi TRAMDOCT6 giảm thêm 10% khi mua sách do Tiki Trading phân phối trong thời hạn từ nay đến hết 30/6/2021


Gửi bình luận
(0) Bình luận