Mức độ lan tỏa của các tác phẩm chấm bi do bà Yayoi Kusama sáng tạo đã được ghi nhận qua kỷ lục số người đến xem triển lãm Yayoi Kusama 2004: Infinite Obsessions: 2 triệu lượt người.
Ngoài là một trong những người tiên phong của lĩnh vực nghệ thuật đương đại, Kusama còn viết tiểu thuyết, xuất bản một số tập thơ, sản xuất phim... Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện về bộ não thiên tài là một tuổi thơ nhiều tăm tối với sự hà khắc của cha mẹ. Chính những năm tháng ấu thơ nhiều độc hại khiến bà bị tâm thần nhẹ.
Yayoi Kusama sinh ngày 22 tháng 3 năm 1929 và là con út trong một gia đình giàu có. Mẹ của Kusama điều hành công việc kinh doanh rất tốt nhưng bà hiếm khi quan tâm đến thế giới tâm hồn của con gái mình. Khi còn nhỏ, mẹ của Yayoi thường bắt bà đi theo dõi bố mỗi khi ông ra ngoài để xem ông có quan hệ ngoài luồng với người phụ nữ khác hay không.
"Mỗi lần bố đi tìm người tình, mẹ đều bảo tôi đi theo, điều tra xem ông đi đâu. Dù ghét làm việc này nhưng vì mẹ bảo nên tôi đành phải làm", Yayoi kể lại. Yayoi Kusama nhớ rằng trong ngày mùa đông lạnh lẽo, bà vừa đi vừa run, luôn mất dấu của bố. Về nhà nói lại với mẹ thì lại bị mắng chửi.
Đôi khi, người mẹ đánh Yayoi Kusama và nói: "Tại sao tôi lại sinh ra đứa con này". Cơ thể của Yayoi Kusama đầy vết bầm tím, chất chồng vết thương cũ mới. Tai của cô bé Yayoi khi ấy còn bị mẹ đánh đến mức suýt điếc một bên.
Một đứa trẻ từ nhỏ sống trong môi trường như vậy tất nhiên đã bị tổn thương rất nhiều. Bố là người không đáng tin cậy và mẹ thì thường xuyên mất bình tĩnh. Yayoi Kusama trở nên rất nhạy cảm và hướng nội. Bà phải sống trong thấp thỏm, thường xuyên chú ý tới cảm xúc của mẹ để biết lúc nào nên tránh mặt đi. Trong bức ảnh với gia đình, Yayoi Kusama không bao giờ cười.
Yayoi Kusama mắc bệnh tâm thần nhẹ từ năm 10 tuổi nhưng mẹ bà không biết gì về điều đó. Sau khi mắc bệnh, Yayoi Kusama thường xuyên bị ảo giác, nhìn hoặc nghe thấy những thứ mà người khác không cảm nhận được. Bà muốn tìm ai đó để trò chuyện nhưng người mẹ không hề tỏ ra lo lắng. Yayoi Kusama suy sụp tinh thần từng muốn kết thúc mọi chuyện bằng cách tự tử.
Trong tuổi thơ đau khổ ấy, Yayoi Kusama đã học cách gây mê bản thân bằng nghệ thuật và đắm chìm vào đó. Nhưng mẹ của Yayoi Kusama lại cấm bà vẽ tranh và thường xuyên tịch thu mực, vải, thậm chí còn bắt con gái làm việc và đánh đập nếu con vẽ lại. Điều này có thể giải thích cho niềm đam mê sáng tạo đầy ám ảnh của Yayoi Kusama sau này.
Nỗi buồn và sự sợ hãi trong lòng lại kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của Yayoi Kusama. Để thoát khỏi gia đình gia trưởng và áp bức, bà đăng ký vào một học viện nghệ thuật ở Kyoto. Tuy nhiên, Yayoi Kusama không thể phù hợp với môi trường nghiêm ngặt của cơ sở nghệ thuật cổ xưa này. Yayoi Kusama vô cùng ngưỡng mộ họa sĩ nổi tiếng Georgia O'Keeffe, đã viết thư cho Georgia để xin lời khuyên. Georgia O'Keeffe trả lời Yayoi Kusama rằng bà nên đến Mỹ và giới thiệu tác phẩm của mình tới càng nhiều người càng tốt.
Ở tuổi đôi mươi, Yayoi Kusama đã làm được điều đó. Nữ nghệ sĩ quyết định tìm kiếm tự do và danh tiếng ở nước ngoài. Bà chuyển đến New York, Mỹ sống và làm việc từ năm 1958 đến 1975.
Yayoi Kusama được đặt biệt danh "nữ hoàng chấm bi" từ những năm 50 khi bà bắt đầu vẽ những bức tranh chấm bi nổi tiếng. Nữ nghệ sĩ nói rằng, khi còn nhỏ, bà đã nhìn chằm chằm hàng giờ vào hàng triệu viên sỏi trắng dưới đáy sông sau nhà. Sau đó khi vẽ tranh, bà cảm thấy, việc lặp lại các dấu chấm sẽ giúp "xóa tan" những lo lắng của bà. Trong suốt cuộc đời của mình, nghệ thuật đã giúp Yayoi Kusama xóa bỏ những tổn thương thời thơ ấu, những ảo giác.
Yayoi Kusama và các tác phẩm ấn tượng của mình.
Năm 1973, bà trở lại Nhật Bản. Hiện nữ nghệ sĩ sống tự nguyện trong một trại tâm thần dưỡng lão ở Tokyo, Nhật Bản. Đây là nhà của bà từ năm 1977. Bà làm việc trong studio của mình vào ban ngày và trở về viện để nghỉ ngơi vào ban đêm.
Đôi khi, "bạn không cần phải nhận được sự chấp thuận của cha mẹ. Bạn có thể tạo ra cuộc sống tươi đẹp của chính mình". Điều đúng đắn nhất mà Yayoi Kusama đã làm trong đời là đến Mỹ khi ở độ tuổi 20. Nếu ở lại trong gia đình đó, thường xuyên bị đánh đập, tra tấn tinh thần thì có lẽ Yayoi Kusama đã không thể sống tiếp. Yayoi Kusama và cha mẹ là hai đường thẳng song song, không có điểm giao nhau và không thể giao tiếp với nhau.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, Yayoi nói với tạp chí Dazed: "Tôi đã có những ngày đen tối và những khoảng thời gian không may mắn nhưng tôi đã vượt qua chúng bằng sức mạnh của nghệ thuật".
Các tác phẩm của Yayoi Kusama được nhiều người yêu thích.
Cuối cùng, gia đình Yayoi Kusama vẫn không chấp nhận bà. Vào những năm 1960, gia đình còn cắt đứt quan hệ với bà. Trong mắt cha, Yayoi Kusama là một "bệnh nhân tâm thần" ngỗ ngược và hoàn toàn là một "kẻ lập dị", ông không thể dung thứ cho một người như vậy ở lại trong gia đình.
Yayoi Kusama không thể thay đổi gia đình của mình, ngay cả khi đã là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Trong trường hợp đó, bằng chính năng lực và tinh thần lạc quan, cuối cùng bà đã thực hiện được ước mơ, tạo ra một cuộc sống tươi đẹp tự do của riêng mình. Có lẽ đây là nguồn cảm hứng lớn nhất mà Yayoi Kusama đã mang đến cho tất cả mọi người.