Những chiếc điện thoại và mạng xã hội đầy ắp hình ảnh bạn bè sống ảo cùng nhau đang ngày một ít đi vì bóng ma COVID-19. Nhưng có một cách khác để người trẻ lưu giữ nhau trong tâm trí: qua những chiếc meme (đọc là “mim”).
Bản thân chữ meme bắt nguồn từ mimeme trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “các ý tưởng được lan tỏa trong một nền văn hóa”. Vì thế mà meme không chỉ là ảnh chế, và không phải ảnh chế nào tự bản chất nó cũng đã là meme.
Meme phải gây cười và có tính lan tỏa, trong đó chất liệu hài thường là những gì phần lớn người xem có thể đồng cảm chứ không cười gượng, cười thọc lét. Có những meme vượt thời gian và văn hóa. Có meme thuộc về một cộng đồng và chỉ người trong cộng đồng đó mới hiểu và thấy vui. Meme ăn theo thời sự là một thể loại phổ biến, trong đó cựu tổng thống Mỹ Donald Trump là nguồn cảm hứng vô tận cho các họa sĩ chế meme nhờ vô số biểu cảm hài hước.
Meme là một phần của văn hóa Internet. Từ lâu, nhưng nhất là trong đại dịch COVID-19, meme trở thành kênh liên lạc không lời giữa bạn trên mạng xã hội. “Mọi người đang cố gắng duy trì kết nối nhiều nhất có thể và chia sẻ meme là một cách nhanh chóng và ngọt ngào để giữ các mối quan hệ và tình bạn có ý nghĩa đối với họ” - chuyên gia tâm lý Ruairi Stewart nói với trang Stylist.
Theo Stewart, chia sẻ meme cho phép cả hai cảm thấy được kết nối và gắn bó, và giúp đối phương biết rằng bạn vẫn đang nghĩ về họ, và muốn họ cùng cười với bạn, dù có thể hai người không có thời gian trò chuyện hoặc nhắn tin thường xuyên với nhau.
“Là con người, chúng ta đều có nhu cầu sẻ chia những trải nghiệm của bản thân với người khác và đây là một kênh để làm điều đó” – tiến sĩ tâm lý Kalanit Ben-Ari giải thích, nhất là khi các biện pháp giãn cách xã hội đang khiến việc gặp mặt trực tiếp khó khăn hơn.
Về phía người nhận, meme giúp họ giảm bớt cảm giác cô đơn mùa dịch. “Tiếng cười của meme có thể nhẹ nhàng nhưng nó đem lại cả một bầu trời khác biệt cho một người đang cảm thấy bị cô lập hoặc bị lạc lõng do phong tỏa (vì COVID-19). Và nó cũng như một lời nhắc nhở mọi người rằng họ vẫn còn đó những mối quan hệ bạn bè để trở về bên nhau khi mọi thứ trở lại bình thường” – Stewart nói.
Còn theo tiến sĩ tâm lý James Collett, meme quan trọng trong thời buổi hiện tại vì chúng cho phép người ta không chỉ cười một mình mà còn cười cùng nhau, dù đang ở cách xa. Vô tình lướt qua một chiếc meme tâm đắc ư? Ngại gì mà không “tag” ngay tên người bạn mà bạn nghĩ đến đầu tiên, hoặc lưu lại gửi cho người ấy qua ứng dụng nhắn tin.
Người muốn sẻ chia không cần giải thích gì thêm cho dông dài, một ký hiệu mặt cười kèm theo là đủ thông điệp muốn nhắn gửi. Người nhận cũng không cảm thấy áp lực phải hồi đáp, vì app đã có sẵn tính năng “thả haha” vào tin nhắn của đối phương như một cách xác nhận “tôi đã xem, và đã cười, cảm ơn bạn, lần sau gửi nữa nhé!”.
Bên cạnh lợi ích không phải bàn cãi của tiếng cười như giúp cởi trói suy nghĩ và giải thoát ta khỏi vòng luẩn quẩn của những ý nghĩ tiêu cực là nguyên nhân gây stress, việc cười cùng nhau sẽ gắn kết con người, theo kiểu “bạn thấy vui, tôi cũng thấy vui, hãy cùng chung vui với cái cười này”, Collett nói với báo The Sydney Morning Post.
Tuy nhiên, tiến sĩ Ben-Ari cũng cảnh báo không nên xem meme là sự thay thế bền vững cho những tương tác thực chất hơn. Khi trò chuyện qua Internet, chúng ta đang bỏ lỡ những kinh nghiệm có được trong giao tiếp mặt đối mặt – não bộ có thể phân tích những thứ nằm ngoài nhận thức của chúng ta, chẳng hạn như cảm xúc và nét mặt người đối diện, giúp ta đồng cảm, cảm thấy an toàn và thật sự có kết nối.
Hãy cứ gửi meme cho nhau trong thời gian này vì sức khỏe cộng đồng, nhưng khi thuận lợi hãy cho nhau một cuộc gặp.
“Một cái ôm, cũng như nhiều cách kết nối khác bên ngoài chữ viết và hình ảnh, sẽ có tác động sâu sắc đến não, cơ thể và tâm trí hơn bất cứ dòng tin nhắn (hay meme) nào có thể làm được” – Ben-Ari nói.