Theo SCMP, một chiêu trò lừa đảo hết sức tinh vi có tên là "mổ lợn" (tiếng Anh: "Killing a pig" hoặc "pig butchering"), đang từ Trung Quốc lan rộng sang các quốc gia khác.
Đặc biệt, nhiều phụ nữ sống ở Đông Nam Á đang là mục tiêu mà những kẻ này nhắm tới.
Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu (GASO) cho biết, đa số nạn nhân chính là những người Trung Quốc hoặc có gốc Hoa đang sống tại nước ngoài. Bên cạnh đó, vẫn có hơn 30% những người bị lừa không phải gốc Hoa, hiện đang sống ở châu Á và Bắc Mỹ.
Điều này cho thấy, chiêu trò lừa tình, lừa tiền tinh vi này đang ngày một mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
"Nuôi thịt" từng ngày, đợi lớn để đợi mổ
Trong bính âm tiếng Trung, kiểu lừa đảo này được gọi là "sha zhu pan", có nghĩa là chăn nuôi và mổ thịt lợn. Giống như tên gọi của nó, quy trình bao gồm hai giai đoạn, "chăn nuôi" và "mổ thịt".
Trong giai đoạn "chăn nuôi", thủ phạm sẽ tiếp cận đối tượng bằng cách xây dựng mối quan hệ tình cảm . Chúng không ngừng quan tâm, chăm sóc, đóng vai là những "người tình lý tưởng" để chiếm trọn niềm tin của nạn nhân - đây là quá trình "vỗ béo".
Đến khi thời cơ chín muồi, thủ phạm bắt đầu thuyết phục nạn nhân dùng tiền để đầu tư . Tất cả những mánh lới kiếm lợi nhuận mà chúng khoe khoang trước mặt nạn nhân đều là giả mạo. Tuy nhiên, do được xếp đặt quá tinh vi, đa số nạn nhân đều nhanh chóng bị "đưa vào tròng".
Thế là quá trình "mổ thịt" bắt đầu.
Toàn bộ chiêu trò lừa tình lừa tiền kiểu "mổ lợn" như vậy thường nhằm vào những người ở độ tuổi từ 20 - trên 30 và có trình độ học vấn cao. 70% trong số nạn nhân là phụ nữ và gần 90% là những người sở hữu bằng cử nhân hoặc cao hơn.
Những đối tượng này có khả năng tài chính độc lập nên thiệt hại rất đáng kể. Theo Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu thống kê, trên tổng số 240 nạn nhân tham gia khảo sát, số tiền bị lừa trung bình lên tới 98.000 USD/người (tương đương hơn 2,2 tỷ đồng).
Những nạn nhân của chiêu trò lừa tình lừa tiền này có thể đánh mất một nửa giá trị tài sản ròng. Thậm chí, không ít người rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn vì trót nghe lời dụ dỗ của những "người tình lý tưởng".
Quy mô rộng lớn, hậu quả nghiêm trọng
Trước đó, từ năm 2010, mô hình lừa đảo núp bóng các trang web hẹn hò và mai mối online này đã từng khiến rất nhiều phụ nữ Trung Quốc lao đao.
Chúng lợi dụng một số hình ảnh có sẵn trên mạng xã hội để xây dựng vỏ bọc "đời sống khá giả" của bản thân. Ví dụ như đăng ảnh một số mặt hàng xa xỉ, check-in tại những khách sạn sang trọng, những chuyến nghỉ dưỡng đắt tiền… Điều này khiến nạn nhân nhanh chóng tin tưởng.
Sau đó, vụ việc "mổ lợn" đã có xu hướng lan rộng tại khu vực Đông Nam Á. Một số khu vực chịu ảnh hưởng là Manila ở Philippines, Sihanoukville ở Campuchia, Lào, hoặc khu vực Myanmar có giáp với Trung Quốc…
GASO cũng cho biết, từ cuối năm 2020, chiêu trò lừa tình lừa tiền kiểu này cũng dần trở nên phổ biến ở khu vực Bắc Mỹ.
"Quy mô rộng lớn, hoạt động theo tổ chức, được đào tạo chuyên nghiệp khiến cho mỗi vụ lừa đảo đều được dàn xếp một cách tinh vi đến kinh ngạc. Thủ phạm thường là những người rất giỏi giao tiếp online, biết cách nói chuyện để cuốn hút. Chúng cũng am hiểu về cuộc sống và tài chính ở các thành phố, quốc gia nơi con mồi sinh sống", GASO đề cập trong một thông cáo báo chí.
Cũng theo tổ chức này, rất nhiều nạn nhân từ người có tương lai tươi sáng, đứng trước đỉnh cao sự nghiệp đã bị lừa đảo, hủy hoại toàn bộ cuộc sống. Họ chịu cảnh mất trắng tài sản, tổn thương tinh thần, tan vỡ các mối quan hệ.
Một số bị chệch hướng mục tiêu cuộc sống và thậm chí nảy sinh ý định tự tử. Có thể thấy, ảnh hưởng của chiêu trò "mổ lợn" lên đời sống nạn nhân là rất lớn.
Nạn nhân chịu ảnh hưởng cả về vật chất và tinh thần, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Ảnh: Inotgo
Tới nay, vẫn chưa có nhiều số liệu chính thức về các nạn nhân của chiêu trò lừa tình, lừa tiền này tại Trung Quốc là bao nhiêu. Thế nhưng, một số chính quyền địa phương vẫn báo cáo về xu hướng vụ việc không ngừng tăng lên.
Theo Beijing Daily, mới đây, một băng nhóm gồm 18 người đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt quả tang khi đang thực hiện một kế hoạch lừa đảo. Nạn nhân của băng nhóm này lên tới hơn 50 người, sống rải rác trên khắp Trung Quốc. Số tiền liên quan lên tới gần 10 triệu NDT (tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng).
Tại Hồ Nam, Trung Quốc, có khoảng 270 vụ lừa đảo trực tuyến riêng lẻ đã bị cảnh sát triệt phá năm 2020. Một nửa trong số đó là lừa tình lừa tiền. Tổng thiệt hại của các nạn nhân cũng lên tới 500.000 NDT (tương đương khoảng 1,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, những vụ việc này rất khó truy tố vì thủ phạm lợi dụng tính ẩn danh và thiếu thẩm quyền pháp lý của tiền điện tử. Điều này khiến cho các nạn nhân phải gánh chịu toàn bộ hậu quả, thiệt hại nặng nề cả về tinh thần và vật chất.
Nhịp sống kinh tế