Manimatana Lee đã dành 5 năm qua xây dựng lượng fan theo dõi gần 10.000 người thông qua các video hút bụi tại nhà ở Wisconsin, trong khi trên lưng là cô con gái út đang ngủ trưa. Một video Lee nhảy múa và rửa bát đĩa — trong khi địu đứa con đang ngủ — đã nhận được 1 triệu lượt xem lần kể từ tháng 11.
Hiện tại, khi Tòa án Tối cao sắp ra phán quyết liệu TikTok có thể bị cấm ở Mỹ hay không, Lee và những người Mỹ khác đã tìm kiếm các giải pháp thay thế và tải xuống Xiaohongshu - một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc nhưng ít được biết đến bên ngoài đất nước.
“Thật buồn cười nếu họ cấm TikTok và tất cả chúng ta chỉ chuyển sang ứng dụng Trung Quốc này”, cô Lee đã viết vào thứ Hai trên TikTok để khuyến khích những người theo dõi tham gia cùng cô.
Xiaohongshu là ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên cửa hàng Apple của Mỹ vào thứ Ba. Hơn 300 triệu người, chủ yếu là ở Trung Quốc, sử dụng ứng dụng này để chia sẻ các video ngắn cũng như các bài đăng tĩnh dựa trên văn bản.
TikTok, có mặt ở hơn 150 quốc gia trừ Trung Quốc, thuộc sở hữu của công ty internet Trung Quốc ByteDance. Những nhà sáng tạo Mỹ đăng video trên TikTok cho biết ứng dụng này đã trở thành nguồn kết nối, giải trí và thông tin kể từ khi hoá hiện tượng trong đại dịch Covid-19. Bí quyết nằm ở thuật toán độc quyền, công nghệ đề xuất một luồng video ngắn liên tục nhằm mục đích khiến mọi người tiếp tục cuộn màn hình.
Tuy nhiên, phía các nhà lập pháp lại cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để truy cập dữ liệu người dùng như vị trí và lịch sử duyệt web. Các quan chức ở Washington cũng lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để phát tán thông tin sai lệch cho 170 triệu người sử dụng ứng dụng này tại Mỹ.
Xiaohongshu có nghĩa là “cuốn sách nhỏ màu đỏ” trong tiếng Quan Thoại. Nhiều người gọi ứng dụng này là “Red Note”.
“Tôi thực sự không quan tâm đến việc mình có sử dụng ứng dụng Trung Quốc hay không. Nó giống như một nơi để tôi trốn tránh thực tại. Nếu nó khiến tôi cảm thấy thoải mái, tôi sẽ tiếp tục dùng”, Lee nói và cho biết sự quan tâm của họ đối với Xiaohongshu không được bất kỳ công ty nào khuyến khích.
Những người Mỹ trên Xiaohongshu đã tập hợp dưới hashtag “TikTokrefugee”. Hiện hashtag đã được xem 100 triệu lần và tạo ra khoảng 2,5 triệu chủ đề thảo luận trên ứng dụng.
Nhiều người đã chia sẻ cách dùng ứng dụng mới. Một số người đã chụp ảnh màn hình và yêu cầu ChatGPT dịch bài đăng.
Theo Similarweb, một nhà cung cấp dữ liệu và công cụ theo dõi lưu lượng truy cập trang web, cho đến cuối tháng 12, 85% lưu lượng truy cập Xiaohongshu đến từ Trung Quốc. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến đối với phụ nữ trong độ tuổi 20 và 30. Các chuỗi bình luận dài của ứng dụng đã trở thành nguồn thông tin phổ biến để mọi người trao đổi về những chủ đề quan tâm hàng ngày, tương tự như Reddit.
Ra đời năm 2013 tại Thượng Hải, Xiaohongshu được cộng đồng nói tiếng Trung ở nước ngoài sử dụng rộng rãi. Sự phổ biến sau đó trở thành động lực cho sự xuất hiện của nhiều ứng dụng tương tự, một trong số đó là Lemon8 của ByteDance.
Theo dữ liệu của công ty phân tích Sensor Tower, lượt tải Lemon8 trên cả iOS và Android tăng gấp ba vào tuần trước. Ngày 13/1, có lúc nó đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng iPhone miễn phí. Trên WeChat, Giám đốc Allen Zhu của hãng đầu tư mạo hiểm GSR nhận định: “Những người hưởng lợi từ lệnh cấm TikTok vẫn là các ứng dụng của Trung Quốc”.
Được biết cùng với ByteDance, Xiaohongshu nằm trong số ít kỳ lân công nghệ Trung Quốc chưa lên sàn chứng khoán. Với sự hậu thuẫn từ Alibaba và Hongshan, ứng dụng trên đà tăng gấp đôi lợi nhuận ròng, lên hơn 1 tỷ USD năm 2024.
Theo Sheng Zou, giáo sư tại Đại học Baptist Hồng Kông, người nghiên cứu về truyền thông và chính trị Trung Quốc, Xiaohongshu thành công nhờ sức mua ngày càng tăng của người dân Trung Quốc cùng khát vọng sống theo lối sống quốc tế. Ứng dụng hoạt động như một trung tâm mua sắm khổng lồ, nơi người dùng chia sẻ cho nhau biết mình nên mua gì thông qua những bức ảnh hào nhoáng và biểu tượng cảm xúc đáng yêu.
Theo: The NY Times, Reuters