Khi đưa vấn đề này ra thảo luận, ngay trong nhóm Dương Văn Minh cũng có người không đồng ý vì cho rằng thay Nguyễn Văn Thiệu lúc này chỉ để vác cờ trắng đầu hàng nhưng cuối cùng “cả nhóm đã đi đến quyết định: sẵn sàng thay Thiệu dù chỉ để cầm cờ đầu hàng1.
Kể từ tháng 3.1975, phía quân giải phóng miền Nam Việt Nam bắt đầu tấn công các địa bàn trọng yếu của quân đội Sài Gòn, và quân đội Sài Gòn đã thất thủ tại hàng loạt các địa bàn: Ngày 10.3, Buôn Ma Thuột thất thủ; Pleiku-Kon Tum (15.3), Phú Bổn (17.3), Huế (27.3), Đà Nẵng (29.3).
Trong khoảng thời gian này, dân biểu Lý Quý Chung có gặp Pierre Brochand, Cố vấn Đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn. Pierre Brochand rất lo âu về tình hình quân sự và nói với Lý Quý Chung “nếu không sớm có thay đổi chính trị ở Sài Gòn thì vô phương cứu chữa2”. Pierre Brochand cũng đã hỏi Lý Quý Chung về việc hãy cho biết rõ “nước Pháp có thể làm gì để giúp Việt Nam3”. Lý Quý Chung trả lời Pierre Brochand rằng: “Pháp có vai trò vì là nước chủ trong việc ký kết Hiệp định Paris và Pháp có thể gây áp lực, cùng vận động với Mỹ để sớm thay đổi Thiệu4”. Kể từ cuộc gặp giữa Lý Quý Chung và Pierre Brochand, cho đến khi cuộc chiến tranh kết thúc, tức sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975, Chính phủ Pháp đã có những bước đi ý nghĩa nhằm góp phần kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Ngày 31.3.1975, đại tướng Dương Văn Minh đã tiếp Eean Louis Aruand, Giám đốc Pháp tấn xã (AFP). Trong cuộc tiếp, đại tướng Dương Văn Minh một lần nữa nhắc lại vai trò của Pháp trong việc ngưng chiến ở Việt Nam và xác nhận: “Pháp có vai trò trong việc đem lại ngưng chiến cho Nam Việt Nam vì Pháp có thể liên lạc với nhiều nước đã ký Hiệp định Paris5”. Cũng trong buổi gặp này, tướng Dương Văn Minh một lần nữa nhắc lại quan điểm nhất quán đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Đến ngày 2.4.1975, Đại sứ Pháp tại Sài Gòn là Jean Marie Merillon lần đầu tiên thăm xã giao tướng Dương Văn Minh, đi cùng Pierre Brochand.
Đại tướng Dương Văn Minh cho biết, trong cuộc gặp, Đại sứ Merillon xác nhận với ông: “1. Đây là cuộc gặp gỡ chánh thức được chánh phủ Pháp khuyến khích. Pháp sẽ cố sức vận động cho hòa bình Việt Nam và tướng Minh được nghĩ là người của tình thế. Pháp cám ơn Dương Văn Minh về lời tuyên bố công khai. 3. Merillon cho biết Pháp và Mỹ liên lạc thường trực với nhau về vấn đề Nam Việt Nam. Valery Giscard d'Estaing (Tổng thống Pháp giai đoạn từ năm 1974 - 1981 - NV) có nói chuyện thẳng với Ford (tức Gerald Ford, Tổng thống Mỹ - NV) có “Concerter” về giải pháp. 4. Merillon xin được liên lạc thường trực với Dương Văn Minh và nếu cần sẽ đích thân tới nói chuyện, Merillon cũng cử Pierre Brochand thường trực tiếp xúc6”.
Ngày 2.4.1975, quân đội Sài Gòn thất thủ tại Quy Nhơn và Nha Trang. Ngày 7.4.1975, Pháp họp nội các để cứu xét về sáng kiến hòa bình và cho đến giờ phút này Dương Văn Minh đã hiểu rõ rằng nước Pháp “đã hết mình vận động cho giải pháp Dương Văn Minh7”. Ngày 10.4.1975, quân giải phóng tấn công Xuân Lộc. Tại Pháp, Tổng thống Pháp Valery Giscard d'Estaing ra tuyên bố ngắn về tình hình Nam Việt Nam.
Bản tuyên bố đề ngày 9.4.1975 gồm 2 điểm quan trọng: “Thúc đẩy Thiệu phải từ chức (dĩ nhiên thúc đẩy gián tiếp) để giao quyền lại cho những người có thực tâm thi hành Hiệp định Paris. Nhấn mạnh đến giải pháp chính trị căn cứ trên Hiệp định Paris và nhất là việc lập Hội đồng Hòa giải8”.
Đại sứ quán Pháp thông báo với tướng Dương Văn Minh nội dung bản tuyên bố này và cho biết có “tham khảo” trước với phía Mỹ. Đây được xem là đòn quyết định, “là một gáo nước lạnh tạt vào mặt Thiệu và rõ ràng cho thấy Pháp đã bỏ rơi Thiệu, mở đường cho việc cầm quyền của một số người trong lực lượng thứ ba9”.
Ngày 17.4.1975, lần lượt các cứ điểm quan trọng của quân đội Sài Gòn thất thủ, nhất là Phan Rang và Xuân Lộc. Ngày 21.4.1975, sau khi Xuân Lộc thất thủ, phía Mỹ đã chính thức lên tiếng khẳng định Sài Gòn không thể phòng thủ nổi nữa bằng tuyên bố của đại tướng Frederick C. Weyand tại Washington: “Tình hình quân sự tại Nam Việt Nam đã tuyệt vọng. Sài Gòn không còn phòng thủ nổi10”. Ngay tối hôm đó, vào lúc 19 giờ ngày 21.4.1975, Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình tuyên bố từ chức tổng thống chế độ Sài Gòn với những lời lẽ nảy lửa tấn công thẳng vào phía Mỹ.
Theo quy định của chính quyền Sài Gòn, người thay thế Nguyễn Văn Thiệu là Phó tổng thống Trần Văn Hương. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 21.4.1975, Trần Văn Hương “… long trọng tuyên thệ bảo vệ tổ quốc, tôn trọng hiến pháp, phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc, tận lực làm tròn nhiệm vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa11”. Trần Văn Hương cũng đồng thời ra “nhật lệnh” “Chống cộng đến giọt máu cuối cùng, chấp nhận “phản kích” Xuân Lộc lần nữa, sử dụng các loại bom Mỹ: bom ngạt CBU, bom BLU-182, bom 500 Pounds… (là loại bom bị cấm sử dụng, với sự giúp đỡ của các chuyên viên DAO (Văn phòng tùy viên quân sự Mỹ)12”. Để phụ họa và hà hơi tiếp sức cho Trần Văn Hương, 87 dân biểu Hạ nghị viện Sài Gòn đã ra tuyên cáo ủng hộ 5 điểm đối với Trần Văn Hương và kêu gọi “quyết tâm diệt cộng cứu nước13”.
Có lẽ vì tư tưởng và hành động hiếu chiến này của Trần Văn Hương giống với Nguyễn Văn Thiệu, nên khi ấy chính phủ của Trần Văn Hương bị phê phán là chính phủ Thiệu không có Thiệu. Trước tình thế người đứng đầu của chế độ Sài Gòn hô hào chiến tranh và tử thủ, phía Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phải gạt bỏ “chính phủ Thiệu không có Thiệu” đang hô hào tử thủ “đến giọt máu cuối cùng”.
Trong giờ phút quyết định, phương án Dương Văn Minh đã được nghĩ tới đầu tiên bởi “ông Minh được nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn ủng hộ, như Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn, Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, có sự đồng tình của Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo14”.
Ngoài ra, phía Chính phủ Pháp thông qua Đại sứ Merillon cũng muốn nhân cơ hội này “đóng vai trò trung gian với Hà Nội, nếu được tướng Dương Văn Minh nhận làm tổng thống; lập ra một “chính phủ ba thành phần” mà Pháp có thể chi phối được15”. Ngoài ra, phương án Dương Văn Minh cũng được người Mỹ chấp nhận.
Theo hồi ký của Lý Quý Chung, người Mỹ bắt đầu khởi động kế hoạch di tản từ ngày 21.4.1975. Để thực hiện cuộc di tản này, tòa Đại sứ Mỹ cần duy trì sự tồn tại của chế độ Sài Gòn càng lâu càng tốt. Và, “việc đại sứ Martin khi cấp nhận quan điểm của Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon cần ủng hộ ông Minh thay thế ông Hương cũng vì mục tiêu ấy mà thôi16”.
Trần Văn Hương là người ngấm ngầm say mê quyền lực nên ông nấn ná, trì hoãn việc giao quyền cho Dương Văn Minh. Trong diễn văn đọc tại lưỡng viện Quốc hội Sài Gòn tối 26.4.1975, Trần Văn Hương đã lợi dụng phiên họp “lưỡng viện” của Quốc hội Sài Gòn để yêu cầu Quốc hội trao cho ông “quyền chỉ định một chính phủ đứng ra thương thuyết (tức không giao chức Tổng thống cho Dương Văn Minh) hoặc đánh đến cùng dẫu Sài Gòn có biến thành biển máu17”.
Mọi việc đã bị đảo ngược hoàn toàn khi nhóm đối lập ủng hộ ông Dương Văn Minh đã phát tuyên cáo chống Trần Văn Hương, cướp diễn đàn và biểu quyết “Trần Văn Hương phải trao quyền cho đại tướng Dương Văn Minh18”. Việc đưa ông Dương Văn Minh thay Trần Văn Hương đã có lúc tưởng như bế tắc vì họ: “1. Sợ phe đối lập (tức phe ông Minh) lên nắm quyền sẽ trả thù họ. 2. Sợ quân giải phóng vào Sài Gòn quá nhanh, chạy không kịp sẽ nguy hại tính mạng19”.
Đã có một cuộc vận động hành lang bảo đảm các nỗi lo sợ nêu trên của các dân biểu nên cuối cùng 147/151 dân biểu, nghị sĩ đã biểu quyết truất quyền Trần Văn Hương và trao quyền cho ông Dương Văn Minh lúc 20 giờ 54, tối 26.4.1975.
Trước đó, phía lực lượng cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam đã có chỉ đạo phải tìm mọi cách để ông Dương Văn Minh nắm chính quyền. Ngày 1.3 và cuối tháng 3.1975, khi các cơ sở của nội thành phía quân giải phóng vào căn cứ báo cáo, ông Mai Chí Thọ, một lãnh đạo chủ chốt của quân giải phóng khi ấy đã chỉ đạo “phải bằng mọi cách để Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu rồi giao quyền cho cách mạng. Đó là chủ trương của Đảng, nhằm tránh đổ máu, tránh tổn thất cho nhân dân20”.
Ngày 26.4.1975, ngày mà Quốc hội Sài Gòn biểu quyết buộc ông Trần Văn Hương phải trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh, cùng ngày, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phát đi tuyên bố với những yêu cầu gần như “tối hậu thư”: “…Xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, công cụ của bộ máy thực dân kiểu mới, xóa bỏ bộ máy chiến tranh và bộ máy kìm kẹp đàn áp nhân dân miền Nam Việt Nam21”. Đây cũng là ngày mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 27.4.1975, ông Dương Văn Minh triệu tập những người thân cận để bàn việc thành lập chính phủ. Trong thành phần chính phủ của ông Dương Văn Minh, đa số là “những người thân cận, cùng các nhóm Phật giáo, Công giáo từng tán đồng lập trường hòa bình với ông22”. Luật sư Nguyễn Văn Huyền, một trí thức công giáo, từng là Chủ tịch Thượng viện thời Ngô Đình Diệm được chọn là Phó tổng thống đặc trách hòa đàm. Luật sư Nguyễn Văn Huyền là bạn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Theo ông Lý Quý Chung, “ông Huyền được cả hai phía đối lập và thân chính kính trọng (…). Về nhân cách, luật sư Huyền hơn hẳn các nhân sĩ nổi tiếng khác có mặt trên chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ như Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu, Mai Thọ Truyền, Trần Văn Văn…23”.
Giáo sư Vũ Văn Mẫu, người đã cạo trọc đầu phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm khi là đương kim ngoại trưởng 12 năm trước đó, được mời làm Thủ tướng. Hồi ký Lý Quý Chung cho biết Vũ Văn Mẫu là một con người có uy tín lớn trong xã hội, “uy tín lớn về nhiều mặt, từ nghề nghiệp riêng trong giới luật sư cho đến các hoạt động chính trị qua cả hai thời kỳ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Thái độ chân thành và có thể gọi là dũng cảm của ông trong những ngày cuối cùng và cả khi lực lượng giải phóng vào Dinh Độc lập khiến cho tôi nhớ mãi và kính phục24”.
Bộ trưởng Quốc phòng Bùi Tường Huân là một giáo sư đại học và là một nhân vật trong lực lượng hòa giải dân tộc thuộc ảnh hưởng Phật giáo Ấn Quang không có liên quan gì tới quân đội.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, một cơ sở binh vận của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sau đó được chọn làm phụ tá Bộ Tổng tham mưu và những ngày cuối tháng 4.1975, ông gần như là Quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. “Giám đốc Nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn là một đảng viên cộng sản (thẩm phán Triệu Quốc Mạnh); Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung (nhà báo Chánh Trinh) là một dân biểu đối lập của chế độ Nguyễn Văn Thiệu; các tổng trưởng, bộ trưởng, quốc vụ khanh: Dương Văn Ba, Trần Ngọc Liễng, Trần Thúc Linh, Châu Tâm Luân… đều là những người yêu nước và sau này họ đều có đóng góp xứng đáng trong chế độ mới25”.
15 giờ ngày 28.4.1975, đại tướng Dương Văn Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống chính quyền Sài Gòn, trở thành vị tổng thống thứ 3 trong vòng 8 ngày. Không đầy 10 phút sau bài diễn văn nhậm chức của Dương Văn Minh, một biên đội 5 máy bay phản lực A37 do Mỹ chế tạo lượn vòng trên bầu trời Sài Gòn…
Đúng 18 giờ ngày 28.4.1975 bắt đầu cuộc oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất kéo dài gần 20 phút. Cùng lúc đó, Đài Phát thanh Giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên tiếng: “Không chấp nhận chính quyền Dương Văn Minh, yêu cầu Dương Văn Minh làm theo mọi yêu cầu của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam26”.
Tài liệu tham khảo:
[1] Lý Quý Chung, sđd, tr. 339
[2] Trần Bạch Đằng (chủ biên, 2010), Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tập 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 1.585
[3] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.585
[4] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.585
[5] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.587
[6] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.588
[7] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.591
[8] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.592
[9] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.592
[10] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.595
[11] Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, sđd, tr. 331
[12] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 952
[13] Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, sđd, tr. 332
[14] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 954
[15] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 954
[16] Lý Quý Chung (2010), sđd, tr. 366
[17] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 956
[18] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 956
[19] Lý Quý Chung, sđd, tr. 367
[20] Phạm Văn Hùng, tlđd, tr. 23
[21] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 975
[22] Lý Quý Chung, sđd, tr. 369
[23] Lý Quý Chung, sđd, tr. 369
[24] Lý Quý Chung, sđd, tr. 370
[25] Vũ Trung Kiên (2019), “Hòa hợp dân tộc theo tinh thần cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt”, Báo Đồng Nai, ngày 30.4.2019, tr. 4
[26] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 965