Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 10.4, đại tá Trần Văn Trung, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã thông tin về các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Đại tá Trần Văn Trung cho biết, trong đêm 30.4, từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút, TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm, trong đó có 2 điểm tầm cao tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức) và Đền Bến Dược (huyện Củ Chi).
28 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại nhiều vị trí trên địa bàn thành phố, gồm: Ngã Ba Giồng (Hóc Môn), Đền tưởng niệm Bến Nọc (TP. Thủ Đức), Đền tưởng niệm liệt sĩ Rừng Sác (Cần Giờ), Chiến khu An Phú Đông (quận 12), Công viên Văn hóa Láng Le (huyện Bình Chánh), Khu dân cư Bình Trị Đông (Bình Tân), Hội trường Thống Nhất (quận 1), Khu vực Bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh), Khu vực Thảo Điền (TP.Thủ Đức), Công viên Landmark 81 (Bình Thạnh), cầu Ba Son (quận 1), cầu Tân Thuận (quận 4), Khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi), Công viên văn hóa quận Gò Vấp, Khu vực UBND huyện Nhà Bè, Trung tâm hành chính Quận 7, Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), Khu vực chợ Bình Điền (quận 8), Khu tái định cư 38ha Tân Sơn Nhất (quận 12), Khu An Bình (Tân Phú), Công viên Bình Phú (quận 6).
Ngoài ra, một số điểm bắn trên xà lan tại khu vực Rạch Chiếc; khu vực sông Sài Gòn; khu vực Khu đô thị Vạn Phúc, cầu tàu Bến Bạch Đằng.
Trước đêm 30.4, thành phố cũng tổ chức bắn pháo hoa tầm cao vào đêm 19 và 26.4 tại Công viên bờ sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức) lúc 21 giờ 30 đến 21 giờ 40.
Thông tin thêm về các hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó chủ nhiệm Chính trị, Quân khu 7 cho biết, Bộ Quốc phòng phụ trách 23 hoạt động trọng điểm của dịp lễ, Quân khu 7 được giao phụ trách một số nội dung liên quan.
Lực lượng quân đội sẽ có 32 khối tham gia lễ diễu binh, diễu hành. Riêng Quân khu 7 có 7 khối, gồm 3 khối nữ và 4 khối nam.
Phần diễu binh sẽ có 36 khối lực lượng vũ trang và công an, do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đảm nhiệm. Tiếp sau là phần diễu hành gồm 12 khối, khoảng 13.000 người, do TP.HCM phụ trách.
Lễ diễu binh, diễu hành năm nay sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại: Màn hình led, video art, công nghệ thực tế ảo và đồ họa 3D để minh họa hình ảnh tư liệu, trình chiếu sinh động trong suốt chương trình. Hệ thống loa phát thanh, màn hình led sẽ được bố trí tại các tuyến đường chính và khu vực đông người dân để phục vụ theo dõi trực tiếp.
Bên cạnh khu trung tâm, TP.HCM còn bố trí thêm 22 màn hình led lớn tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức, tận dụng cả các màn hình quảng cáo thương mại và hộ dân để truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm, giúp người dân dễ dàng theo dõi. Ngoài ra, buổi lễ cũng sẽ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và nhiều nền tảng khác.
Hiện TP đã hoàn tất thiết kế hệ thống khán đài với tổng cộng 5.260 ghế đại biểu, gồm: Khán đài A (1.068 ghế), khán đài B (1.832 ghế) và khán đài C (2.360 ghế). Khu vực tổ chức lễ có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật phục vụ sự kiện như: khu tác nghiệp báo chí, trung tâm dữ liệu, nhà báo chí; khu y tế, xe cấp cứu - cứu hỏa; nhà vệ sinh di động; trạm điện chính và trung tâm kỹ thuật.