Bức tranh Le Palais Ducal (Cung điện Ducal hoặc Cung điện Doge) là một trong những kiệt tác của Claude Monet (1840 – 1926) – danh họa người Pháp, một trong những người sáng lập ra trường phái hội họa ấn tượng đầu thế kỷ 20.
Monet đến Venice vào ngày 1.10.1908, đây là chuyến thăm duy nhất của bậc thầy trường phái ấn tượng người Pháp đến thành phố kênh đào nước Ý. Khi đặt chân đến đây, ông nhận thấy quang cảnh xung quanh ở đây quá tuyệt vời để vẽ.
Từ góc nhìn trên một chiếc thuyền đậu đối diện với cung điện Doge, Monet quan sát hiệu ứng ánh sáng, sự thay đổi màu sắc của không khí theo từng thời điểm và sự thay đổi thời tiết trong ngày để rồi từ đó làm nên những kiệt tác.
Monet vẽ 3 bức tranh Le Palais Ducal trong thời gian 3 tháng. Cung điện Doge và hình ảnh phản chiếu của nó dưới mặt nước được Monet vẽ bằng những vệt màu chồng chéo lên nhau trông lung linh huyền ảo. Một trong ba bức tranh Le Palais Ducal do Monet vẽ trong thời điểm này hiện thuộc về Bảo tàng Brooklyn (Mỹ). Ngoài ra Monet còn vẽ 40 tác phẩm khác trong thời gian ở Venice.
Bức tranh Le Palais Ducal (1908) của danh họa Claude Monet - Ảnh: Sotheber's
Vào năm 1925, một trong số ba bức tranh Le Palais Ducal của Monet được nhà sản xuất vải có trụ sở tại Berlin (Đức) Erich Goeritz mua lại. Năm 1930 ông Erich Goeritz chuyển đến nước Anh sinh sống, từ đó bức tranh đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trên đất nước Anh.
Sau gần 100 năm lưu giữ trong bộ sưu tập gia đình, bức tranh của Monet được mang ra bán đấu giá vào tháng 2.2019. Một nhà sưu tập nước ngoài đã mua lại bức tranh Le Palais Ducal với giá 27,5 triệu bảng Anh. Tuy nhiên bức tranh này đã bị chính phủ Anh quyết định cấm mang ra khỏi lãnh thổ.
Tác phẩm của Claude Monet bị cấm ra khỏi nước Anh ngoài lý do là một kiệt tác nghệ thuật, bức tranh còn xem như là một “nhân chứng” đánh dấu giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của danh họa Monet khi ông chuyển đến Anh sáng tác (thời điểm này Monet vẽ nhiều bức tranh về tòa nhà Quốc hội Anh ở London và có 3 tháng đến cung điện Doges ở Ý để vẽ). Bên cạnh đó Bộ Văn hóa của Anh cũng nói rằng từ sau năm 1900 các tác phẩm của Monet rất hiếm có trong các bộ sưu tập công cộng ở Anh.
Sau khi chính quyền Anh quyết định cấm mang tác phẩm của Monet ra khỏi đất nước, các phòng trưng bày của Anh có ba tháng để vận động gây quỹ nhằm mua lại kiệt tác của Monet.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Anh - bà Rebecca Pow đánh giá đây là tác phẩm hiếm hoi và tuyệt đẹp của danh họa Monet, bà hi vọng các quỹ huy động được có thể giúp giữ lại kiệt tác nghệ thuật này ở lại nước Anh.
Tiểu Vũ