Để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp và đổ lỗi cho xã hội, sinh viên phải ý thức được rằng họ cần chủ động hơn trong việc tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết trước khi rời cổng trường đại học và bước vào xã hội. Sinh viên KHÔNG nên trông chờ “ai đó” sẽ giúp họ giải quyết tỷ lệ thất nghiệp và đưa cho họ cơ hội nghề nghiệp trong mơ, mà cần phải chọn đúng lĩnh vực học tập, tìm hiểu các kỹ năng đang được nhà tuyển dụng ưa chuộng và lập kế hoạch nghề nghiệp trước khi bước vào đại học.
Bên cạnh việc tìm hiểu xem những kỹ năng và mảng kiến thức nào được nhà tuyển dụng cần tới hôm nay, sinh viên cũng cần lưu ý đến các dự báo cho thấy những kỹ năng và các mảng kiến thức sẽ được cần tới trong vài năm nữa.
Ngày nay hầu hết các công ty đều có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học và công nghệ. Trong lĩnh vực công nghệ, Công nghệ thông tin (Khoa học máy tính, Kỹ nghệ phần mềm và Quản lý hệ thông tin) là ngành có nhu cầu cao nhất với mức lương tốt nhất. Tuy nhiên, yêu cầu kỹ năng dành cho sinh viên tốt nghiệp các ngành này rộng hơn nhiều so với những gì được dạy trong trường đại học. Ngôn ngữ lập trình và thuật toán là cơ sở. Nhưng bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng còn yêu cầu kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng mềm. Vì công nghệ hiện đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng nên các doanh nghiệp phải liên tục điều chỉnh để bắt nhịp với thị trường.
Đây chính là lý do các nhà tuyển dụng cần tuyển những nhân viên có khả năng thích ứng với sự thay đổi và có thái độ “học cả đời”. Những người có kỹ năng phù hợp và thái độ đúng sẽ được ưu đãi nhiều hơn về cả mức lương lẫn sự thăng tiến sau này.
Sinh viên phải hiểu rằng tốt nghiệp đại học KHÔNG có nghĩa là kết thúc việc học, đây mới chính là thời điểm để bắt đầu. Vì kiến thức bạn học được ở trường là lý thuyết; chỉ khi bạn áp dụng kiến thức đó vào công việc thực tế, bạn mới có thể phát triển các kỹ năng. Các kỹ năng này mới là vốn liếng quan trọng trong suốt cuộc đời bạn.
Công nghệ làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Tốc độ phát triển của công nghệ càng nhanh sẽ càng nảy sinh nhiều tình huống mới. Chương trình đào tạo của các trường đại học thường bị tụt lại vì không đủ nhanh nhạy để bắt kịp sự thay đổi của thời đại. Đây chính là lý do sinh viên cần nỗ lực cập nhật và học thêm những kiến thức mới theo cách riêng, không nên trông chờ hay phụ thuộc vào các giáo trình được giảng dạy trong trường.
Để có thể làm được điều đó, sinh viên cần rèn luyện thói quen đọc và thường xuyên tìm hiểu các xu hướng mới của thời đại. Học cách làm chủ các công cụ tìm kiếm thông tin và tự tạo thêm nguồn thông tin chất lượng dựa trên các mối quan hệ cũng là kỹ năng quan trọng.
Có nhiều website dạy học và lớp học trực tuyến sẽ giúp bạn nâng tầm hiểu biết của bản thân. Theo báo cáo của Các môn học trực tuyến mở dành cho đại chúng - Massive Open Online Courses (MOOC), mỗi ngày có trên ba triệu người tham gia các lớp học với nhiều chủ đề khác nhau. Nhiều người hiểu rõ lợi thế của việc học thêm kiến thức bên ngoài trường đại học, họ học để đạt được những điều bản thân mong muốn, chẳng hạn như việc làm tốt, cơ hội tốt và mức lương tốt.
Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, mức độ cạnh tranh càng lúc càng dữ dội. Sinh viên cần phải chủ động tìm hiểu và chuẩn bị những hành trang cần thiết vì nghề nghiệp và cuộc sống tương lai của chính mình. Bạn không thể phụ thuộc vào trường học, bạn không thể phụ thuộc vào xã hội. Bạn không thể chờ đợi và kỳ vọng vào người khác. Bạn chỉ có thể dựa vào chính bạn.
Bạn không cần học kinh tế bạn vẫn có thể hiểu luật cung cầu: Khi có nhu cầu cao về kỹ năng đặc biệt nhưng nguồn cung cấp còn thiếu và còn yếu sẽ dẫn tới sự cách biệt về lương bổng và lợi tức giữa những người có kỹ năng và những người không có kỹ năng. Ngày nay ở khắp mọi ngành nghề trên thế giới, các nhà tuyển dụng đều có nhu cầu tìm kiếm những người có kỹ năng tốt trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học) nhưng do nguồn cung hạn chế, chất lượng sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu thực sự của thị trường nên tỷ lệ người thất nghiệp mới không ngừng tăng lên trong khi các vị trí cần người càng lúc càng nhiều.
Đòi hỏi từ phía các nhà tuyển dụng cho thấy chỉ có kỹ năng chuyên môn thôi KHÔNG đủ. Để có thể thành công, bạn cần các kỹ năng mềm. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần có thêm nhiều kỹ năng mềm cần thiết mới có thể đảm bảo tìm được việc làm, duy trì và thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu.
KỸ NĂNG MỀM: CÁC KỸ NĂNG SINH VIÊN CÓ THỂ TỰ RÈN LUYỆN TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC
“Kỹ năng mềm” là kỹ năng liên quan đến con người như kỹ năng trao đổi, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề...
Về căn bản, kỹ năng mềm nằm trong khả năng nhận biết và kiểm soát tình cảm, hướng về sự tự hoàn thiện, giúp đồng cảm với người khác, ý thức được các tình huống xã hội, hỗ trợ và thúc đẩy giải quyết vấn đề và làm việc hiệu quả. Một số kỹ năng mềm có sẵn trong cá tính của bạn như lạc quan, lương tri, trách nhiệm, chính trực... Một số kỹ năng mềm mà bạn có thể học thông qua thực hành như đồng cảm, khuyến khích, làm việc nhóm, lãnh đạo, trao đổi, thương lượng, trình bày…
Hầu hết các dự án phần mềm thành công đều có hai yếu tố quan trọng: người quản lý dự án giỏi và nhóm có kỹ năng cao. Về cơ bản, cả hai yếu tố này đều liên quan đến vấn đề con người và kỹ năng của họ. Qua 40 năm làm việc trong ngành công nghiệp phần mềm, tôi chưa bao giờ gặp một dự án phần mềm thất bại vì vấn đề kỹ thuật nhưng tôi đã thấy nhiều dự án thất bại vì vướng tới “vấn đề con người”.
Trong khi đó, hầu hết các trường chỉ tập trung dạy sinh viên kỹ thuật chuyên môn chứ chưa bao giờ chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng để giải quyết các “vấn đề con người” trong cả môi trường công việc và cuộc sống riêng tư.
Ý nghĩ cho rằng người làm kỹ thuật chỉ làm việc với máy tính là hoàn toàn sai lầm. Nhiều sinh viên đã nghĩ chừng nào họ còn có thể viết được mã, họ vẫn có thể đáp ứng yêu cầu của công việc và làm việc tốt, đó là nhận thức sai lầm.
Ngay khi sinh viên gia nhập vào thị trường lao động và được tuyển dụng, họ sẽ nhận ra một nửa thời gian làm việc của họ dùng để trao đổi với những người khác: tiếp nhận yêu cầu từ khách hàng, thảo luận và thiết kế, phân bổ công việc, tranh luận để bảo vệ quan điểm chuyên môn… Cách mà mọi người tương tác trong một nhóm sẽ quyết định việc dự án thành công hay thất bại.
Mọi người đều muốn được đối xử một cách lịch sự và nhã nhặn. Nhưng không phải ai cũng hiểu, rằng nếu họ muốn được đối xử tốt thì bản thân họ cũng phải cư xử thật tốt với những người xung quanh. Chính điều này dẫn tới các mâu thuẫn trong quá trình làm việc.
Khi không khí làm việc trở nên căng thẳng và không thuận lợi, các thành viên trong nhóm sẽ dễ phạm sai lầm nhiều hơn. Khi mọi người cảm thấy không thoải mái, họ dễ dàng nổi giận và khiến dự án trở nên đình trệ hoặc thất bại.
Người có kỹ năng chuyên môn cao có thể vượt qua các vấn đề kỹ thuật và làm cho dự án thành công nhưng họ KHÔNG thể vượt qua các vấn đề liên quan đến con người trong trường hợp dự án bị quản lý kém.
Quản lý kém phá hủy mọi thứ. Nếu người quản lý dự án ước lượng thiếu thời gian, mọi người sẽ không có đủ thời gian để hoàn thành tốt công việc và ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Nếu người quản lý không biết cách quản lý nhân sự, tổ dự án sẽ xảy ra xung đột nội bộ và dự án sẽ thất bại. Nếu người quản lý không đối xử với mọi người một cách công bằng, nhóm sẽ rơi vào trạng thái bất bình, các thành viên sẽ mâu thuẫn và tranh cãi với nhau thay vì tập trung vào công việc… Đây chính là lý do nếu nhà trường không dạy bạn thì bạn phải tìm cách để tự mình học thêm và trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết.
Có một cuốn sách nhan đề “Đắc nhân tâm” do Dale Carnegie viết, xuất bản năm 1936. Cuốn sách này đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và tôi thường khuyên các sinh viên nên đọc nó, không chỉ một lần mà nhiều lần. Tôi đã đọc cuốn sách này khi tôi là một học sinh trung học và vẫn còn đọc nó cho đến nay. Nếu bạn có thể áp dụng phần lớn những điều cuốn sách này nhắc tới thì bạn đã có mọi “kỹ năng mềm” cần thiết cho sự thành công của bạn.
Có một số khóa học ngắn hạn về kỹ năng mềm ở khắp mọi nơi. Trong trường hợp bạn không tin tưởng việc đọc sách có thể giúp bạn phát triển một kỹ năng cụ thể, bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học này. Bên cạnh các khóa học thu phí, sinh viên có thể tìm tới các khóa học miễn phí do các nhóm hoạt động phi lợi nhuận tổ chức. Tất cả những thông tin cần thiết đều có thể tìm thấy trên mạng.
Tất nhiên là không có lớp học nào mang tên “kỹ năng mềm” trong chương trình đại học bởi phần lớn các kỹ năng đó sẽ được tích hợp vào các bài giảng và các hoạt động học tập của sinh viên. Bạn có thể nhận thấy nhiều hoạt động liên quan đến “kỹ năng mềm” khi lên lớp. Chẳng hạn, một số lớp yêu cầu sinh viên tham gia thảo luận nhóm, làm bài tập lớn, chuẩn bị và thực hiện thuyết trình trước lớp... Đây đều là những hoạt động đòi hỏi các kỹ năng mềm.
Để có thể hoàn thành tốt những hoạt động này, sinh viên buộc phải tương tác và làm việc với nhau. Nhưng hầu hết các sinh viên thường không nhận thức được cơ hội rèn luyện “kỹ năng mềm” thông qua các hoạt động trên lớp nên không thích tham gia hoặc tham gia một cách miễn cưỡng, không tích cực. Nhiều người hiếm khi đặt câu hỏi hay bày tỏ quan điểm của bản thân mà thường thu mình trong im lặng. Làm như vậy, họ đã bỏ lỡ cơ hội phát triển các kỹ năng mềm cần thiết.
Có nhiều “kỹ năng mềm” như kỹ năng trao đổi, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng thương lượng, kỹ năng tư duy chiến lược, kỹ năng xây dựng nhóm, kỹ năng bán hàng… Sinh viên cần lưu ý, “kỹ năng mềm” không phải là cái gì đó bạn có thể học và thành thạo trong một khoảng thời gian ngắn mà cần sự tích lũy và phát triển liên tục trong suốt cuộc đời.
Có vài “kỹ năng mềm” bạn có thể học ngay trong trường như kỹ năng trao đổi, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian,… Bên cạnh đó, cũng có những kỹ năng bạn chỉ có thể học được khi tham gia vào môi trường làm việc (thông qua các buổi thực tập) như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tương tác với người khác, kỹ năng đàm phán, kỹ năng nâng cao hiệu quả làm việc…
Một số kỹ năng quan trọng trong trường đại học:
a. Kỹ năng trao đổi
• Nghe
• Nói
• Ngôn ngữ cơ thể
• Trình bày
b. Kỹ năng học theo nhóm
c. Kỹ năng ngoại ngữ
d. Kỹ năng tư duy phê phán
Một số kỹ năng quan trọng trong môi trường làm việc:
Kỹ năng trao đổi trong công việc
Kỹ năng làm việc nhóm
Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết xung đột
Kỹ năng liên tục học tập và cập nhật kiến thức mới Kỹ năng đọc và thu thập thông tin
>> Khởi hành Kỳ 11: Phương pháp học tích cực
Trích Khởi hành