Khởi hành Kỳ 11: Phương pháp học tích cực

25/09/2018 08:00
Khởi hành Kỳ 11: Phương pháp học tích cực

Phương pháp giáo dục truyền thống dựa trên quá trình tích lũy tri thức từ giáo trình và bài giảng vẫn được áp dụng phổ biến tại nhiều trường học. Học viên học từng phần kiến thức, học hết phần này rồi chuyển sang phần khác.

Trong suốt quá trình học, học viên càng ghi nhớ được nhiều kiến thức càng tốt, vì các bài kiểm tra hiện tại được xây dựng nhằm đánh giá khả năng “ghi nhớ” chứ không chú trọng đến khả năng “vận dụng thực tế”.

Cách học này được duy trì trong suốt một khoảng thời gian dài. Tình hình thực tế cho thấy đây không còn là phương pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả. Thứ nhất, hiện có  quá  nhiều thông tin, khối lượng kiến thức liên tục tăng lên mỗi năm, sinh viên không thể nào ghi nhớ được tất cả. Thay vì dựa vào trí nhớ và xem đây là nguồn thông tin chính, người học cần phải biết chỗ để tìm và cách thức để tìm ra thông tin mà họ cần.

Thứ hai, tìm được thông tin mới chỉ là bước khởi động, sau khi có được thông tin thì cần phải có kỹ năng phân tích và tổng hợp, xử lý thông tin rồi mới có thể áp dụng vào thực tế để giải quyết vấn đề. Để làm được điều đó, sinh viên cần có “phương pháp học tích cực” hay còn gọi là “học qua hành”. Phương pháp này nhấn mạnh quá trình học tập và tiếp thu chứ không chú trọng vào kết quả, giúp cho người học phát triển kỹ năng tự học và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Phương pháp học tích cực tập trung vào việc khuyến khích và động viên người học tự giác tìm kiếm, học bằng cách đọc, tự mình tổ chức và xử lý thông tin thay vì lệ thuộc vào các bài giảng của giáo viên. Người học phải có thái độ “tích cực” cho việc học của riêng họ, đọc tài liệu TRƯỚC KHI lên lớp và tập trung vào các hoạt động như trao đổi, tranh luận, phân tích và ứng dụng thực tế ngay trong lớp nhằm tích lũy thêm nhiều tri thức cũng như kỹ năng cần thiết để nâng cao năng lực giải quyết vấn đề.

Với phương pháp học tập tích cực, giáo viên chỉ đóng vai trò “người hướng dẫn” giúp học viên thu được kết luận đúng thông qua các chỉ dẫn, khuyến khích cũng như thách thức họ đạt được mục đích học tập của riêng họ. Trực tiếp ứng dụng những kiến thức học được trong trường vào thực tế sẽ giúp sinh viên tiếp thu tài liệu tốt hơn và dần dần phát triển thái độ học cả đời.

Phương pháp học tập này giúp sinh viên biết cách tìm tài liệu, tổ chức chúng, thực nghiệm và kiểm nghiệm câu trả lời của mình thông qua ý kiến đánh giá của nhiều người. Dần dần, các kỹ năng được hình thành trong suốt quá trình học tập sẽ mang lại cho sinh viên nhiều kinh nghiệm riêng, hình thành kỹ năng xử lý công việc cũng như khả năng ứng đối trong cuộc sống thường ngày.

Khi áp dụng phương pháp này vào quá trình giảng dạy, giáo viên cần yêu cầu sinh viên giải thích điều họ đã học dựa trên quan điểm riêng của họ, hỗ trợ họ thảo luận và chia sẻ ý kiến cá nhân với bạn bè, sau cùng sinh viên sẽ tự mình rút ra kết luận qua sự tương tác với những người khác. Khi tổ chức các buổi thảo luận trên lớp, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên xem xét thông tin, đánh giá thông tin, để sinh viên tự mình giải thích và học cách suy luận tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề.

Trong suốt quá trình đó, giáo viên có thể khuyến khích sinh viên thăm dò, thu thập và đánh giá nguồn thông tin sẵn có. Có nhiều nguồn thông tin mà học viên có thể sử dụng mỗi ngày nhằm nâng cao hiểu biết, phát triển các khái niệm, phát kiến thêm nhiều ý tưởng có khả năng ứng dụng vào thực tế cũng như cải thiện tầm tư duy của bản thân. Học viên cần phải nhận biết về sự đa dạng của các nguồn thông tin và rèn luyện cho mình kỹ năng tìm kiếm, xác minh thông tin để sử dụng trong suốt cả cuộc đời.

Tất nhiên, KHÔNG dễ dịch chuyển từ việc học “thụ động” sang việc học “tích cực” vì phần lớn sinh viên đã quen với cách học truyền thống. Trong nhiều năm liền, họ bắt buộc phải ngồi nghe các bài giảng trên lớp và tuân theo chỉ dẫn của giáo viên. Thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức và khó mà phá bỏ. Phần lớn sinh viên có xu hướng chống lại khái niệm “đọc trước khi lên lớp”, “tham gia thảo luận trên lớp” hay “tự học thêm ở nhà” một cách chủ động và tích cực. Đây chính là thách thức cho những giáo viên muốn áp dụng phương pháp mới này.

Ban đầu, phương pháp học tích cực có lẽ sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức của cả giáo viên và sinh viên; nhưng tôi tin rằng với sự thay đổi nhanh đến chóng mặt trong thế giới hiện nay, phương pháp đào tạo này dần dần sẽ phát huy được tiềm năng và sức mạnh của mình. Sinh viên cần chủ động tự mình thay đổi để có thể học tập và tìm kiếm các cơ hội tốt hơn cho bản thân, sau đó mới có thể đóng góp cho xã hội bằng cách vượt qua các thử thách mang tính thời đại, tạo ra nhiều giá trị độc đáo và khác biệt.

>> Khởi hành Kỳ 12: Như thế nào là phương pháp học tích cực cho sinh viên năm nhất

Theo Khởi hành


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024