Khởi hành - Lời khuyên cho những quyết định đúng đắn khi còn là học sinh, sinh viên

Hoàng Long 07/08/2018 10:48
Khởi hành - Lời khuyên cho những quyết định đúng đắn khi còn là học sinh, sinh viên

Trong dòng sách kỹ năng, self-help có rất nhiều cuốn sách bàn về mục tiêu cuộc đời và rất nhiều cuốn trong số đó đã vạch sẵn cho bạn những bước cần đi để tìm ra sứ mệnh của đời bạn. Nhưng đó là những thứ bạn không thể ngồi một chỗ mà có thể đưa ra quyết định...

Với bản thân mình đó là những thứ bạn không thể ngồi một chỗ mà có thể đưa ra quyết định, hay nói cách khác thật khó để rất nhiều học sinh, sinh viên – những người chưa có công việc, chưa có đam mê, chưa bước chân ra ngoài thực tế tìm ra được sứ mệnh của đời họ. Và họ cần một thứ gần với họ hơn, thực tế hơn.

Cuốn sách “Khởi hành” đã làm được môt điều như thế. Nếu bạn bảo với tôi rằng bạn đã tìm thấy mục đích của đời bạn và biết phải làm gì để đạt được mục đích đó, đây không phải là cuốn sách dành cho bạn. Nó dành cho những học sinh, sinh viên – những người đang phải đối mặt với những quyết định quan trọng trước ngưỡng cửa cuộc đời, những người đang băn khoăn liệu con đường mình đi có thực sự đúng và cả những ai đang loay hoay muốn tìm cho mình 1 phương hướng.

“Khởi hành” là đứa con tinh thần của giáo sư John Vu – Dịch giả của cuốn sách “Hành trình về phương đông” với bút danh Nguyên Phong. Ông từng là kỹ sư cao cấp và Phó Chủ tịch của Tập đoàn Boeing. Ông được mời giảng dạy tại các trường Đại học lớn tại Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, … về lĩnh vực giáo dục, công nghệ phần mềm, điều khiển học,… Và hiện tại ông là Viện Trưởng Viện Công nghệ Sinh học tại Trường Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ.

Với 2 phần chủ đạo “Tốt nghiệp trung học xong, ta nên làm gì? – Vào Đại Học rồi ta phải làm gì?” cuốn sách “Khởi hành” đã đặt ra những vấn đề cốt lõi nhất, thực tế nhất cho thế hệ học sinh sinh viên.

Vấn đề đầu tiên chắc chắn bất kỳ ai trong đời cũng đã, đang hoặc sẽ đặt ra cho mình: “Mình có nên vào Đại học không?”. Giáo sư John Vu nhận định: “những trường hợp bỏ học mà vẫn thành công như Bill Gate, Steve Jobs và Mark Zuckerberge đều là trường hợp ngoại lệ và rất hiếm khi xảy ra; và rằng đừng để vài trường hợp ‘đột biến’ trở thành kim chỉ nam, định hướng cho tương lai của bản thân mà cần nhìn vào thực tại”. Vào đại học là cách để được hưởng một nền giáo duc bài bản, cũng là cách để đặt mình vào một thế giới thu nhỏ. Ở đó bạn có thể thỏa sức thử, thỏa sức thất bại mà chắc chắn cái giá phải trả sẽ không đắt như bên ngoài thực tế kia.

Nhưng phải chăng “chỉ cần đậu đại học, chọn ngành nào, trường nào cũng được?” Đây là một quyết định thật dễ mắc sai lầm. Lời khuyên thông thường mà nhiêu người sẽ nói là: “Lựa chọn lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành mà bạn thích. Hãy học thứ mà ban muốn”. Thế nhưng trong bối cảnh hiện tại điều đó vẫn chưa đủ để giúp bạn thành công. Nó cần bổ sung thêm một lời khuyên thực tế hơn. Sở dĩ bạn cần chọn ngành trước là bởi đó là thứ gần với cuộc đời bạn hơn và có thể ngành bạn chọn sẽ có nhiều trường cùng dạy. Tuy nhiên bạn không thể chọn ngẫu nhiên một trường nào đó, bạn cần cân nhắc 5 yếu tố trước khi ra quyết định.

Tuy nhiên vào đại học chưa phải là kết thúc, nó chỉ thực sự kết thúc khi bạn dành 4-5 năm để bỏ giờ, bỏ tiết, và khi ấy nó sẽ kết thúc theo chiều hướng chấm hết. Có lẽ từng ngày, từng giờ bạn đang dần nhận ra rằng tấm bằng đại học là chưa đủ để cho bạn một công việc tốt. Khi ra trường rất nhiều sinh viên thiếu đi những kỹ năng cần thiết cho công việc. Vậy làm sao để giải quyết được điều đó? Đó là việc mà bạn sẽ phải làm khi đang ngồi trên giảng đường đại học. Qua các chương của phần 2: “học có mục đích – học để lấy kỹ năng – phương pháp học tâp tích cực – lời khuyên dành cho người sắp tốt nghiệp” giáo sư John Vu sẽ cho chúng ta những thứ chúng ta đang cần.

Mình thực sự tiếc nuối vì đọc được cuốn sách này trong lúc chuẩn bị bước vào năm 3 đại học. Nhưng mình tin chặng đường 2 năm sắp tới của mình sẽ có nhiều đồi thay, bởi đây là một trong những cuốn sách mình dùng cho quãng đường còn lại của đời sinh viên.

 

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025