Và cũng không phải ngẫu nhiên mà những quần thể kiến trúc tâm linh này, sau đó, đều trở thành những điểm đến không thể bỏ qua với mọi du khách đam mê khám phá những sắc màu văn hoá bản địa độc đáo.
Chùa trên núi - điểm đến linh thiêng và hấp dẫn
Như hoà thượng Thích Đức Thiện từng chia sẻ trong Đại lễ nguyện cầu quốc thái dân an được tổ chức ngay trên đỉnh Fansipan hồi cuối tháng 1 năm nay: “Trong vũ trụ quan Phật giáo, những ngọn núi bao giờ cũng được coi là điểm đến linh thiêng. Bởi thế cho nên, trên những ngọn núi long mạch dồi dào bao giờ cũng có những ngôi chùa toạ lạc. Để hội tụ, để giữ gìn linh khí và nguyên khí, phát sinh tú khí và vượng khí”.
Đó là lý do tu viện Phuktal (Ấn Độ) nép mình hoà lẫn với thiên nhiên tuyệt đẹp bên những vách đá cheo leo. Tu viện Taung Kalat (Myanmar) chọn cách toạ lạc ngay trên miệng một ngọn núi lửa đã tắt, cao 737m. Tu viện Meteores (Hy Lạp) chênh vênh trên một quả núi dựng đứng với cái tên mang nghĩa “lơ lửng giữa trời”. Ngôi chùa Kyaikhtiyo nằm ngay bên tảng đá vàng Golden Rock ở Myanmar, chông chênh giữa lưng chừng trời ở độ cao 1.100m. Và không thể quên nhắc tới tu viện Paro Taktsang (còn gọi là Tiger’s Nest) ở Bhutan, với hình ảnh tuyệt đẹp đã trở thành biểu tượng của “quốc gia hạnh phúc”….
Đó cũng là lý do phần đa những ngôi cổ tự Việt Nam nổi tiếng – nơi chứa đựng hồn cốt, làm điểm tựa vững chắc cho văn hoá dân tộc Việt Nam trường tồn đều được đặt trên những đỉnh non thiêng. Tăng ni, Phật tử và du khách, sau chặng đường dài hành hương, chiêm bái sẽ có cơ hội thu vào tầm mắt cả giang sơn gấm vóc trải rộng ngút ngàn bên dưới. Từ Phật Tích nguyệt hằng nhật thăng Côn Sơn Kiếp Bạc tới Yên Tử kỳ sinh ngoạ vân Đông Triều. Từ Thiên Cấm Sơn (An Giang) tới Chùa núi Châu Thới (Bình Dương)…
Đó cũng là lý do trên đỉnh thiêng Fansipan quanh năm mây phủ hay núi Chúa Bà Nà linh thiêng ở độ cao hơn 1.400m, những quần thể văn hóa kiến trúc tâm linh kỳ vĩ, mang bóng dáng những nếp chùa nhuần nhị kiến trúc Việt được tập đoàn Sun Group kỳ công tạo dựng, để đưa Phật tử cùng du khách vào chuyến hành hương chiêm bái miền đất Phật giữa chốn tiên cảnh và biến hai địa danh này trở thành điểm đến yêu thích bậc nhất với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Kỳ công được tạo dựng từ một tấm lòng
Sau khi thoả sức ngắm nhìn sắc xanh Bà Nà ngút ngàn từ hệ thống cáp treo hiện đại, thưởng lãm cả châu Âu thu nhỏ bốn mùa tưng bừng lễ hội, du khách thả bước tới tổ hợp khu tâm linh thanh tịnh nằm xen trong cỏ cây hoa lá của rừng Bà Nà, với những Linh Phong Thiền Tự - Trú Vũ Trà quán – Đền Lĩnh chúa Linh Từ - Lầu Chuông – Nhà Bia – Miếu Bà và Linh Phong Bảo tháp. Di chuyển về phía vườn hoa Le Jardin, để ngắm pho tượng Thích ca Mâu ni Phật thiền định trên toà sen, với chiều cao 27m trong làn khói sương mờ ảo của ngôi chùa Linh Ứng, khách thập phương sẽ thấy mình thoát tục, như lạc bước giữa cõi thiền.
Còn trên đỉnh Fansipan huyền thoại, một quần thể kiến trúc và văn hóa tâm linh được khéo léo tạo dựng, như thể đã tọa lạc nơi đây từ hàng trăm năm trước, cùng núi, cùng mây, cùng những mạch nguồn thiêng liêng nơi địa đầu tổ quốc. Tựa vào thế núi, nép gọn bên rừng, công trình bề thế được chia thành nhiều hạng mục nhỏ hài hòa với cảnh quan tuyệt đẹp xung quanh, với đường La Hán, Kim Sơn Bảo Thắng tự, Bích Vân thiền tự, Đại tượng Phật A Di Đà, tượng Quan Thế Âm Bồ tát, Vọng Lĩnh Cao đài, Miếu Sơn thần...
Không mở rộng thêm những khoảng sân vườn rộng lớn, không xây dựng những lối đi thẳng băng mà phân chia thành đoạn, thành cụm nương theo thế núi, dáng mây. Đó là cách nhà đầu tư gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, hạn chế tối đa sự can thiệp tới cảnh quan “độc nhất vô nhị” của Nóc nhà Đông Dương, trong khi vẫn tạo nên một “truyền thuyết Fansipan” hiện hữu, nơi kiến trúc các hạng mục đều nhắc nhớ, gợi lại ký ức lung linh về những công trình Phật giáo từ thời xa xưa nhất. Những nếp chùa theo lối kiến trúc thô mộc, sử dụng gỗ tứ thiết tự nhiên với phần mái thâm nâu lợp ngói phục chế và ngói cổ thanh tịnh, thoát tục trong biển mây kỳ ảo, như thực, như mơ.
Toạ lạc trên những đỉnh non thiêng với độ cao hàng ngàn mét, giữa núi non hiểm trở, khí hậu giá lạnh, đôi khi mưa gió khó cưỡng lại, đôi khi băng giá phủ đầy, hai công trình tâm linh tại Sun World Ba Na Hills và Sun World Fansipan Legend không chỉ khiến người ta trầm trồ về sự kỳ vĩ, về những tuyệt tác tâm linh sừng sững giữa mây trời, mà còn khâm phục bởi hành trình kiến tạo kỳ công và bền bỉ.
Hàng trăm nghìn tấn đá, hàng nghìn mét khối gỗ tứ thiết, hàng vạn viên ngói phục chế, hàng trăm tấn sắt thép và rất nhiều nguyên vật liệu khác đã được vận chuyển thủ công lên núi. Để những nếp chùa, những bậc đá uốn lượn mềm mại theo thế đất cùng pho tượng khổng lồ dần dà thành hình. Để làm nên một quần thể tâm linh, nơi đại huyết mạch quốc gia, nơi suối nguồn linh khí quần tụ.
Nói như GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: “Với tư cách là người dành trọn cả cuộc đời cho công việc bảo tồn trùng tu di tích và xây dựng chùa chiền, tôi đánh giá rất cao không chỉ sự đầu tư công sức tiền của mà còn là tâm thành lớn lao của nhà đầu tư Sun Group. Để mang lại một cõi tâm linh nhiệm màu, trên đỉnh Fansipan hùng vĩ”.
Cũng hấp dẫn và thu hút như những ngôi huyền tự nổi tiếng thuộc nhiều quốc gia mà người viết liệt kê ở trên, những công trình kiến trúc văn hóa tâm linh tại Sun World Ba Na Hills và Sun World Fansipan Legend từ khi đi vào hoạt động đã trở thành thỏi nam châm toả ra lực hút vô cùng khó cưỡng với du khách, cả trong và ngoài nước. Những con số thống kê đầy ấn tượng về lượng khách tham quan, chiêm bái tăng dần theo từng năm là minh chứng hùng hồn nhất cho sức hấp dẫn của những quần thể kiến trúc văn hoá tâm linh này.
P.V