Nam diễn viên Alec Balwin đã vô tình gây tai nạn kinh hoàng khi khẩu súng đạo cụ nhả đạn thật lúc ông đang thực hiện cảnh bắn súng trong phim Rust ngày 21.10 ở New Mexico.
Tai nạn này khiến người quay phim-đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins (42 tuổi) bị thương rất nặng, phải đưa đi cấp cứu bằng trực thăng nhưng đã qua đời tại bệnh viện, còn đạo diễn Joel Souza (48 tuổi) cũng trúng đạn ở xương đòn và đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Song Halyna Hutchins không phải là người đầu tiên chết vì súng đạo cụ. Những người khác, bao gồm cả con trai của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long cũng đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn súng đạo cụ.
Vụ việc đang gây chấn động giới giải trí Hollywood và cũng khơi mào lên một cuộc tranh luận về sự an toàn của súng đạo cụ trong quá trình quay phim.
Súng đạo cụ là gì?
Thuật ngữ súng đạo cụ dùng để chỉ các loại súng được sử dụng cho mục đích giải trí. Một số là súng giả chỉ tạo ra khói trong khi số khác là súng thật. Theo NBC News, khẩu súng mà Baldwin sử dụng là súng thật nhưng không được nạp đạn.
Theo Independent khi súng thật được sử dụng làm đạo cụ quay phim, chúng thường được nạp bằng các hộp đạn trống thay vì đạn thật. Một bài báo vào năm 2013 cho biết trong các ô trống, đạn kim loại được thay thế bằng giấy hoặc bông tẩm nước, thường không gây hại khi bắn. “Về lý thuyết khi bóp cò bạn sẽ nghe thấy tiếng nổ, độ giật, tia lửa toe lên từ họng súng và một viên đạn được phóng ra nhưng lại không gây hại cho bất cứ gì mà bạn chĩa mũi súng vào”, The Wrap đưa tin.
Tuy nhiên, việc đốt các khoảng trống không phải là không có một số nguy hiểm. Một bài báo năm 2019 trên tạp chí American Cinematographer cho biết việc nổ thuốc súng và khí nóng “có thể làm ai đó bị thương nghiêm trọng”.
Để tạo ra cảm giác như một khẩu súng thật đang được bắn, các ô trống của súng đạo cụ thường có nhiều thuốc súng hơn so với các viên đạn thông thường.
Cần hết sức thận trọng khi dùng súng đạo cụ
Một báo cáo năm 2014 của các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết áp lực ở ô trống “có thể tạo ra năng lượng cần thiết để xuyên qua da và do đó có thể dẫn đến thương tích đe dọa tính mạng đặc biệt là khi bắn ở cự ly gần”.
Đó là lý do tại sao các đoàn làm phim phải hết sức thận trọng khi xử lý súng đạo cụ. Các nhà làm phim người Úc đã viết trong The Conversation rằng các đoàn làm phim phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt khi sử dụng súng đạo cụ.
“Mọi thứ xung quanh khẩu súng đều phải được xử lý hết sức thận trọng”, các nhà làm phim nói.
Thông thường, súng đạo cụ được bắn hơi chếch sang một bên của người diễn viên để tránh gây thương tích. Nhà quay phim Brown cho biết điều chỉnh khoảng cách an toàn cho các thành viên trong đoàn làm phim cũng rất quan trọng khi sử dụng súng đạo cụ.
Tai nạn thương tâm
Vụ tai nạn trên phim trường Rust đã tạo nên một cuộc tranh luận trong việc sử dụng súng đạo cụ và liệu chúng có nên được phép xuất hiện trên phim trường hay không.
Nam diễn viên Joe Manganiello, người đóng vai chính trong Archenemy trong đó cũng có sự tham gia của nhà quay phim Hutchins, cho biết anh bị sốc trước cái chết của nữ quay phim này.
“Tôi không thể tin rằng điều này có thể xảy ra trong thời đại ngày nay. Một khẩu súng đạo cụ có thể giết người? Thật là một thảm kịch kinh hoàng”, anh nói.
Rachel Morrison, Giám đốc hình ảnh của Black Panther đã đặt câu hỏi tại sao những khẩu súng đạo cụ vẫn được sử dụng khi “chỉ phải bỏ ra 50 xu để thêm tiếng súng trong phần hậu kỳ”.
James Gunn, đạo diễn của Guardians of the Galaxy và The Suicide Squad nói rằng nỗi sợ hãi của mình là một ai đó sẽ bị thương nặng trong những bộ phim của ông.
Những cái chết đau lòng
Cái chết của Hutchins gợi lại vụ tai nạn của Brandon Lee (Lý Quốc Hào), con trai của Lý Tiểu Long năm 1993.
Con trai của huyền thoại võ thuật Trung Quốc đã chết vì một viên đạn khi đang quay phim The Crown. Trong cảnh quay Lý Quốc Hào bị kẻ thù bắn bằng súng lục ở cự ly gần, nam diễn viên đã ngã gục xuống sàn và cố gắng ra hiệu cho đạo diễn rằng anh đã bị trúng đạn thật.
Nhưng không ai trong đoàn làm phim phát hiện ra có điều bất thường và vẫn nghĩ Lý Quốc Hào đang diễn. Chỉ đến khi đạo diễn hô cắt, mọi người mới phát hiện ra Lý Quốc Hào đã trúng đạn thật.
Lý do cho vụ tai nạn hy hữu này là do nhà sản xuất đồng ý cho tổ đạo cụ tự chế tạo đạn theo cách riêng. Họ lấy đạn thật, gạt bỏ kíp nổ, chỉ lấy vỏ đạn nhét vào nòng súng. Nhưng một cách tình cờ, tổ đạo cụ đã để kíp nổ ngay gần chỗ vỏ đạn.
Trong quá trình quay phim, vỏ đạn trong súng đã được tháo ra lắp vào với kíp nổ để ngay bên cạnh, khiến viên đạn có một lực đẩy đủ mạnh để bắn ra khỏi nòng súng. Không ai trong đoàn làm phim nhận ra điều này.
Một báo cáo khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy anh đã bị một viên đạn cỡ nòng 44 găm vào xương sống.
Diễn viên Jon-Erik Hexum đã thiệt mạng trên trường quay loạt phim truyền hình Cover up năm 1984 do đài CBS thực hiện. Khi đó, Jon-Erik Hexum tham gia tập 7 của loạt phim và được cung cấp một khẩu súng đạo cụ không đạn.
Các cảnh quay diễn ra không như ý muốn của đạo diễn dẫn đến trì hoãn. Jon-Erik Hexum buồn chán nên dùng súng đạo cụ chơi đùa và mô phỏng trò chơi roulette của Nga. Anh đặt súng lên thái dương mình rồi bóp cò mà không ý thức được nguy hiểm. Tai nạn xảy ra, viên đạn xuyên vào đầu khiến anh qua đời ở tuổi 27.