Các sứ giả từ Cung điện Kremlin ở Moscow được cử đến tất cả các thị trấn Nga, vật phẩm cứu tế nhân danh Sa hoàng được đưa đến các nhà thờ và tu viện, và những tội nhỏ nhặt được ân xá. Trong khi đó, các quan chức từ các thị trấn chuẩn bị cưỡi ngựa đến Moscow và mang theo quà.
Nếu tất cả chuyện này xảy ra, điều đó có nghĩa là một đứa trẻ vừa chào đời trong gia đình Sa hoàng. Thế nhưng chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo? Những bước để nuôi dạy một Sa hoàng tương lai là gì?
Nhà là Cung điện Kremlin
Cả con gái lẫn con trai của Sa hoàng sẽ sống trong khu vực phụ nữ ở trong cung, được giám sát bởi một đội quân nhỏ gồm các nhũ mẫu, người giữ trẻ, và chị hầu phòng cho đến khi 5 tuổi. Hoàng hậu, người mẹ, có thể chơi với con nhiều như bà muốn, nhưng nuôi dạy đứa trẻ, thay tã, cho ăn và đưa đứa trẻ đi ngủ - là trách nhiệm của những người hầu.
Tại sao lại giữ đứa trẻ trong những căn phòng riêng cho đến khi 5 tuổi? Vì các Sa hoàng cực kỳ mê tín và sợ ma thuật. Nhà sử học Vera Bokova viết trong cuốn sách của bà, Thời thơ ấu trong ngôi nhà của Sa hoàng, bà mụ người nhận nuôi đứa trẻ là một trong những người hầu quan trọng nhất: bà biết mọi thứ liên quan đến sức khỏe của đứa trẻ, khi các bác sĩ vắng mặt, bà là người có thẩm quyền chính về các vấn đề y tế - và cả những vấn đề ma thuật. Bà mụ bảo đảm rằng ánh trăng không soi vào nôi của đứa trẻ (để có giấc ngủ ngon vào ban đêm), và bảo vệ đứa trẻ khỏi sự dòm ngó độc ác: bà chắc chắn rằng không ai nhìn đứa trẻ trong khi đang ngủ, bôi nhọ nồi sau tai đứa trẻ và rắc chút muối gần đầu đứa trẻ mỗi ngày.
Phòng chính của hoàng hậu trong khu vực phụ nữ của cung điện (công trình tái thiết đương đại ở Cung điện Kolomenskoe, Moscow)
Cho đến khi các con Sa hoàng lên 5 tuổi, chỉ có bà con thân thiết và người hầu mới có thể nhìn thấy bọn trẻ. Nếu họ đi nhà thờ, người hầu mang theo những cái rèm len che hai bên. Các con Sa hoàng đi bằng xe ngựa với những cửa sổ che rèm, và họ chơi trong sân đóng kín cửa. Tuy nhiên, các con Sa hoàng có những người bạn của mình, đó là trẻ con của các gia đình giàu có, những người được phép chơi với các Sa hoàng nhỏ tuổi.
Các Sa hoàng nhỏ tuổi: mập mạp và chậm chạp
Các Sa hoàng Nga không bao giờ ăn bắp cải. Bắp cải được xem là “thức ăn của nông dân”, và thực tế đó là món ăn thường xuyên nhất trên bàn ăn của nông dân Nga. Trong khi đó, bắp cải muối chứa nhiều vitamin C, rất tốt cho sức khỏe. Không có gì lạ khi các thành viên nhà Romanov đầu tiên mắc bệnh scurvy (một căn bệnh thiếu vitamin C, biểu thị dưới những triệu chứng như chảy máu nướu răng và chậm lành vết thương). Nhưng các con Sa hoàng được cho ăn rất nhiều. Nếu đứa trẻ bắt đầu khóc, ngay lập tức nó sẽ nhận được một nắm bánh, kẹo, hạt… Các con Sa hoàng được cho ăn 5 lần/ngày, và giữa những bữa ăn chính là vô số bữa ăn nhỏ.
Đây là lý do tại sao tất cả Sa hoàng và Nữ hoàng Nga quá béo. Người Nga cũng cho rằng những cuộc nói chuyện gắt gỏng và nghiêm khắc rất nguy hiểm cho sự phát triển của đứa trẻ, vì thế, những người giữ trẻ nói chuyện với các con Sa hoàng bằng giọng điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng, sử dụng nhiều từ ngữ nhã nhặn. Và, dĩ nhiên, các Sa hoàng và Nữ hoàng nhỏ tuổi không bao giờ bị phạt, chỉ bị nhắc nhở.
Alexey Alexeevich của Nga (1654-1670)
Nhưng trẻ con là trẻ con, và tất cả trẻ con đều thích đồ chơi. Thậm chí những người lớn cũng ghen tị với đống đồ chơi mà các Sa hoàng có khi còn nhỏ. Những ngôi nhà đồ chơi, con xoay, cờ vua, cờ đam, các đồ chơi bằng máy của châu Âu: những hộp âm nhạc, những con chim và những người lính vặn dây cót; các loại nhạc cụ: từ những cây kèn đơn giản đến các cây đàn clavichord được trang trí lộng lẫy. Một nơi đặc biệt trong phòng của con trai được dành riêng cho các món đồ chơi quân sự: cung tên và mũi tên, rìu, dao, súng lục, súng carbine, pháo, đao và gươm.
Đồ chơi cuối cùng là con ngựa đồ chơi mà mỗi cậu bé trong gia đình Sa hoàng có. Nhưng Peter Đại Đế thậm chí có nhiều hơn - khi còn nhỏ, ông được cho một xe ngựa thu nhỏ do 4 con ngựa con kéo. Và thay vì những người lính đồ chơi, ông có những người hầu tí hon ăn mặc như những người lính hoàng gia - thực sự là một quân đội nhỏ!
Cha của Peter Đại Đế, Alexis của Nga, khi còn nhỏ cũng được giải trí nhiều, đó là những người đàn ông đánh nhau với gấu để làm ông vui và ông xem những màn biểu diễn của các anh hề của triều đình. Năm 7 tuổi, ông học chơi cờ vua, và năm 8 tuổi, ông học bắn cung. Nhưng các cuộc tập trận quân sự là một phần trong cuộc sống sau này khi những đứa trẻ chuyển từ khu vực phụ nữ sang các phòng của chính họ.
Hình phạt ghê sợ đang chờ những đứa trẻ này
Đối với các con gái của Sa hoàng, cả cuộc đời họ sống tách biệt - sau 5 tuổi, họ ở trong các khu vực phụ nữ của cung điện, hiếm khi ra khỏi nơi này. Nhưng các cậu bé bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác. Tất cả người giữ trẻ và nhũ mẫu ngưng chăm sóc họ, và các cậu bé bắt đầu sống trong khu vực nam giới dưới sự giám sát của một gia sư - thường là một boyar (quý tộc nhiều quyền lực) được kính trọng.
Sách Thánh ca, thế kỷ 17
Nhiệm vụ của gia sư là dạy cậu bé đọc, viết, cưỡi ngựa và cư xử một cách quý phái. Các Sa hoàng Nga hành xử theo cách loại trừ bất cứ ai xem thường họ. Vì thế, các Sa hoàng nhỏ tuổi được dạy đi đứng từ tốn, oai nghiêm, không vội vã.
Gia sư trở thành người duy nhất có thể phạt những đứa trẻ hoàng gia. Việc nuôi dạy vào thời điểm đó được dựa vào văn chương Cơ đốc, ví dụ như, Thánh John Chrysostom viết: “Hình phạt ghê sợ đang chờ những đứa trẻ này, những người không chịu nghe lời người có thẩm quyền thay mặt cha mẹ bọn trẻ”. Những cái roi bằng cành bạch dương được dùng để đánh trẻ con hoàng gia vì tội học dốt, lười biếng, và không nghe lời. Những cuộc nói chuyện dịu dàng của những người giữ trẻ và nhũ mẫu đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ.
Vậy họ học cái gì? Chỉ có một vài học sinh đương đại có thể nắm bắt chương trình của Sa hoàng nhỏ tuổi. Phương pháp chính là học thuộc lòng. Khi đã biết đọc, đứa trẻ bắt đầu học các đoạn trích từ văn chương tôn giáo. Sách Thánh ca (150 bài Thánh ca). Sách Các giờ kinh phụng vụ. Sách Công vụ Tông đồ. Kinh Tân Ước. Tuy nhiên, các tài liệu biên soạn các bài Thánh ca khác nhau. Vì thế, phạm vi đọc của các Sa hoàng trẻ tuổi rất ấn tượng. Học viết bắt đầu năm 8 tuổi, và cùng lúc, các cậu bé được dạy đọc sách và hát Thánh ca, chuyện này tiếp tục trong 2 hoặc 3 năm. Khi bước sang tuổi 16, chàng trai được xem là đến tuổi trưởng thành và việc tìm kiếm cô dâu bắt đầu.
Giáo dục hoàng gia này có ích không?
Họ được nuôi dạy như những nhà thần học nhỏ tuổi và những chiến binh nhỏ tuổi. Họ có thể là những nhà chỉ huy quân sự và tham gia vào những cuộc bàn luận tôn giáo. Nhưng đó có chính xác là điều các Sa hoàng cần?
Nikita Zotov dạy Peter Đại Đế công sự và các vấn đề quân sự trong cuốn sách Cuộc sống của Peter Đại Đế của Pyotr Krekshin
Rõ ràng là không. Các Sa hoàng nhỏ tuổi không được học kinh tế, ngoại ngữ, chiến lược quân sự và nhiều thứ cần thiết khác trong một thế giới biến động. Và chuyện dạy dỗ “truyền thống” này chấm dứt vào giữa thế kỷ 17. Alexis của Nga, cha của Peter Đại Đế, là Sa hoàng đầu tiên đưa một số yếu tố giáo dục châu Âu vào chuyện dạy dỗ các con ông. Con trai đầu của ông, Alexei Alexeyevich (1654-1670), được dạy tiếng Latin, số học, hình học, thiên văn và thậm chí thơ.
Tuy nhiên, Peter Đại Đế nghiên cứu sâu. Ông cũng học các bài Thánh ca và Kinh Tân Ước - nhưng ông luôn làm điều ông muốn. Vì thế, khi 12 tuổi, ông đặt các dụng cụ và máy móc khác nhau để đưa vào cung điện. Lao động thể chất được xem là “không thích hợp” với Sa hoàng - nhưng Peter Đại Đế học cách khắc đá, in và đóng sách, ông học khắc gỗ và lái thuyền. Một kỷ nguyên mới đến, một kỷ nguyên nơi mà thậm chí Sa hoàng cần một số trình độ nghiệp vụ. Dưới triều Peter Đại Đế, trật tự cũ của cuộc sống cung điện vẫn được giữ nguyên, chỉ có khu vực phụ nữ của các cung điện ở Moscow bị dẹp bỏ vào giữa thế kỷ 18.
Mê Linh (theo Russia Beyond)