Nhưng bạn có biết một lời cảm ơn được nói ra có thể ngay lập tức làm tan khối băng lạnh lẽo giữa mọi người. Như William Arthur Ward nói “Biết ơn ai đó mà không thể hiện ra thì chẳng khác nào chuẩn bị một món quà nhưng lại không đem tặng.”
Tôi ngồi xuống bàn và bắt đầu viết một lá thư đong đầy lòng biết ơn rồi cho vào phong bì và dán tem. Vậy mà đến lúc phải đặt thư vào hòm thư thì toàn thân tôi như tê liệt. Tôi không làm được. Đột nhiên trong lòng tôi tràn ngập cảm giác lo lắng và bất an.
Nhưng tại sao?
Lá thư này dành cho một người bạn cũ thời trung học, người mà tôi chỉ còn giữ liên lạc qua mạng xã hội và mấy dòng tin nhắn chúc nhau vào các dịp đặc biệt. Trong những tuần qua, trang Facebook của cô đã truyền cảm hứng cho tôi sống khác đi - chẳng hạn bây giờ tôi đã hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện hơn.
Công việc tình nguyện của cô cũng không to lớn như chăm sóc người hủi ở Ấn Độ hay đến Uganda đào giếng. Thay vào đó, cô làm những việc nhỏ bé, tốt đẹp ngay tại cộng đồng của mình, chẳng hạn như làm tình nguyện viên dắt các em học sinh tiểu học qua đường. Đó là những việc tôi cũng có thể làm.
Cô giúp tôi nhận ra rằng tôi không cần phải hoàn thành sứ mệnh vĩ đại nào đó thì mới có thể tạo nên sự khác biệt cho thế giới. Tôi hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt ngay tại nơi mình sống. Nhận thức này thay đổi cách tôi nhìn nhận thế giới và chẳng biết vì lý do gì, sâu trong thâm tâm tôi cảm thấy mình nên nói cho cô biết ảnh hưởng tích cực mà cô đã tạo ra cho cuộc sống của tôi.
Tôi có thể dễ dàng gửi cho cô ấy một email cảm ơn nhưng cách đó có vẻ chưa đủ chân thành cho một lời cảm ơn quan trọng. Vậy nên tôi quyết định viết thư tay. Nhưng khi đứng trước hộp thư, tôi lại không đủ can đảm để nhét thư vào hộp. Suy cho cùng, đó là bước dễ dàng nhất cơ mà. Điều gì ngăn tôi lại? Tại sao việc tưởng chừng đơn giản này lại khó thực hiện đến thế?
Đột nhiên tôi nhận ra mình sợ trở nên “tử tế quá mức cần thiết”. Tôi cảm thấy việc này hơi kỳ cục vì cô không phải là bạn bè thân thiết hay họ hàng ruột thịt của tôi. Tôi và cô chỉ quen biết sơ sơ. Có thể lá thư của tôi quá chân thành hoặc mang tính cá nhân. “Bình thường người ta đâu có làm như vậy”, tôi nhủ thầm.
Sau một hồi đánh vật với dòng suy nghĩ, tôi cảm thấy nếu việc gửi lá thư cảm ơn đến một người xứng đáng là không bình thường thì tôi cũng không cần là người bình thường nữa. Vậy nên tôi thu hết can đảm nhét thư vào hộp.
Vài tuần sau, tôi nhận được thư hồi âm của cô. Hóa ra cô đang trải qua giai đoạn khó khăn và lá thư của tôi có ý nghĩa rất lớn đối với cô. Cô bộc bạch rằng cô không hề biết mình tạo được sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.
Lá thư đó làm cô phấn chấn hơn, còn phản hồi của cô làm tôi cảm thấy rất vui. Tôi hạnh phúc khi biết lá thư của mình tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời cô, vì vậy tôi quyết định mỗi tháng sẽ viết một lá thư cảm ơn gửi đến một người đặc biệt.
Tôi đã thực hiện điều đó trong suốt hai năm qua và cuộc sống tôi thay đổi rất nhiều kể từ đó. Tôi có xu hướng đi tìm điểm tốt ở người khác và qua đó cảm thấy biết ơn cuộc đời tuyệt vời mình đang sống. Nuôi dưỡng lòng biết ơn là một kỹ năng cần được rèn luyện. Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, vì vậy đừng sống thiếu lòng biết ơn bạn nhé.
Trích sách Hạt giống tâm hồn 6 - Ý nghĩa cuộc sống