Tôi cùng mấy người bạn đang ngồi trò chuyện thì một cô bạn vừa lục túi xách lấy ra cái điện thoại vừa nói, "Để mình cho các cậu xem hình mình chụp trong chuyến đi Ý vừa rồi". Tôi chỉ mỉm cười gượng gạo. Ước gì tôi sáng mắt như các bạn để có thể tự do du lịch như cô bạn kia. Tôi thầm nguyền rủa căn bệnh võng mạc quái ác đã cướp đi thị lực của tôi, khiến tôi phải giam mình trong nhà.
Tôi giấu nỗi thất vọng đằng sau nụ cười giả tạo và nói, "Các cậu phải miêu tả bức hình cho mình. Ước gì mình có thể đi du lịch như cậu".
"Cậu có thể mà", bạn tôi lên tiếng. "Các hãng hàng không có dịch vụ trợ giúp người khiếm thị đấy."
Trợ giúp ư? Đó không phải sự giúp đỡ tôi cần. Trước hết tôi cần một người giúp mình vượt qua nỗi sợ của việc đi đâu đó một mình. Và trên hết, tôi cần thu đủ can đảm để dám hỏi xin sự giúp đỡ.
Vượt qua nỗi sợ
Suốt một thời gian dài, tôi cầu nguyện Thượng Đế cho mình được tự do như bao người và chỉ cho tôi thấy giải pháp. Nhiều tháng sau, Ngài đáp lại lời nguyện cầu của tôi bằng cách ban cho tôi sự can đảm. "Lâu lắm rồi chị em mình không gặp nhau đấy", người chị họ ở Tây Ban Nha gọi điện cho tôi. "Hay là em sang đây chơi với chị đi."
Tôi không thể và cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đó. Chuyến đi đó là khao khát tôi chôn giấu trong lòng suốt những năm qua. Các con của tôi đã đủ lớn để có thể ở nhà với cha và vé máy bay cũng đang có nhiều ưu đãi. Mặc dù không có cái cớ nào để từ chối chuyến đi này, tôi vẫn còn một rào cản phải vượt qua - đó là nỗi sợ.
Với quyết tâm chiến thắng nỗi bất an đó, tôi cố nuốt nỗi sợ và thực hiện bước đầu tiên là nhấc điện thoại lên để gọi đến hãng hàng không. Tôi đặt vé khứ hồi từ Orlando đến La Paz, Bolivia.
"Tôi còn giúp gì được chị không ạ?", nhân viên hãng hàng không nói.
Tôi hít một hơi thật sâu. "Ừm... tôi là người khiếm thị. Không biết bên anh có thể sắp xếp người hỗ trợ tôi khi tôi đến sân bay làm thủ tục không?"
"Vâng, chị vui lòng đợi một chút."
Các múi cơ của tôi căng cứng. Hóa ra tôi không can đảm và bình tĩnh như tôi nghĩ, nhưng bây giờ đã quá muộn để quay đầu. Mọi chi tiết về việc thực hiện chuyến đi này khiến tôi hoảng sợ - tôi sợ những chuyến bay quốc tế và sợ sự không chắc chắn. Lỡ như tôi lên nhầm chuyến bay và đến một đất nước khác thì sao? Sẽ thế nào nếu tôi vấp ngã, bị mất hành lý hay cần điều gì đó mà không có ai để nhờ giúp đỡ? Tất cả những tình huống tồi tệ có thể xảy ra chợt ùa về tâm trí tôi. Tôi còn thoáng nghĩ luật pháp nên cấm người khiếm thị đi du lịch một mình.
Đầu dây bên kia lại lên tiếng, "Tôi đã sắp xếp xong yêu cầu của chị rồi", nhân viên nói với giọng điềm tĩnh. "Chị còn cần gì nữa không ạ?"
Giọng nói từ tốn và điềm tĩnh của anh cho thấy tôi không phải người khiếm thị đầu tiên sử dụng dịch vụ của hãng hàng không này. Dường như họ cũng không lạ gì việc người khiếm thị đi máy bay. Đó là lúc tôi hạ quyết tâm rằng những chuyến phiêu lưu sẽ trở thành một phần cuộc sống thường nhật của tôi. Tôi gạt đi nỗi sợ và thêm vào hành trang của mình lòng can đảm cũng như niềm tin vào bản thân.
Khi đến La Paz, tôi và chị họ xúc động ôm chầm lấy nhau sau nhiều năm xa cách. Chúng tôi trân trọng và tận hưởng từng khoảnh khắc trong hai tuần ngắn ngủi tôi về thăm quê nhà. Cuối cùng, các chuyến đi sau đó biến máy bay và hãng hàng không trở thành thủ tục quen thuộc đối với tôi.
Rời khỏi vòng tròn an toàn của bản thân
Nhiều năm sau, việc chia sẻ trải nghiệm chuyển từ "nỗi sợ sang niềm tin" với khán giả cũng trở thành hoạt động quen thuộc đối với tôi. Cũng như máy bay trên đường băng, sự nghiệp diễn giả truyền cảm hứng của tôi bắt đầu cất cánh. Hàng chục chuyến đi đến khắp nơi trên thế giới cứ thế lấp đầy lịch trình của tôi.
Thói quen hàng ngày của tôi không thay đổi. Tôi vẫn hôn tạm biệt chồng trước khi ra khỏi nhà. Với lòng ngập tràn niềm phấn khích, tôi đưa chứng minh thư của mình cho nhân viên hãng hàng không khi đến sân bay. Và đây là lúc cuộc vui bắt đầu. Tôi ngồi đợi người được cử đến hỗ trợ mình. Một tay tôi bám vào cánh tay anh ấy, tay còn lại tôi cầm chiếc gậy trắng. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, và tôi qua được cửa an ninh đến cổng vào máy bay một cách dễ dàng.
Nhưng đôi khi tôi cũng lâm vào những tình huống dở khóc dở cười. Có lần tiếp viên hàng không dắt tôi đến chỗ ngồi trên máy bay và nói, "Ghế của chị đây ạ". Tôi cảm ơn rồi đưa tay quơ quơ để bám vào lưng ghế. Nhưng khi đó, "lưng ghế" tôi đang bám vào bắt đầu di chuyển. Hóa ra cái tôi bám vào không phải lưng ghế mà là cái đầu hói của một hành khách khác.
Tôi có xấu hổ không? Một chút, nhưng rồi tai nạn đó nhanh chóng trở thành câu chuyện hài hước mà sau này tôi thường chia sẻ với khán giả trong các buổi diễn thuyết.
Khi tôi đến nơi, một người do tổ chức tôi sắp diễn thuyết đã đợi sẵn tôi ở sân bay. Tôi chưa bao giờ gặp họ, nhưng sau vài phút trò chuyện, họ trở thành bạn của tôi. Thật ra mọi người tôi gặp thường trở thành bạn của tôi - đó có thể là người ngồi cạnh tôi trong chuyến bay, nhân viên khách sạn, thậm chí là nhân viên dọn vệ sinh ở khách sạn. Một số người còn mở lòng và chia sẻ với tôi những chuyện riêng tư và đau buồn trong cuộc sống. Nhiều bạn tốt của tôi bây giờ là người tôi có duyên gặp gỡ trong chuyến đi.
Phần lớn mọi người đều có nhiều điều tò mò về tôi. "Chị có mù hoàn toàn không?" hay "Chị bị khiếm thị bẩm sinh à?" là câu họ thường hỏi tôi trong lần đầu gặp mặt. Câu hỏi đó thường là khởi đầu của cuộc trò chuyện thân tình, mà trong đó tôi chia sẻ về căn bệnh võng mạc của mình. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh cho mọi người thấy lợi ích của việc mù lòa, đó là tôi không phán xét người khác dựa trên ngoại hình của họ.
Các chuyến đi đã biến tôi từ một người chỉ biết than thân trách phận thành người tích cực và yêu đời. Khác với mọi người, tôi không lưu giữ hình ảnh trong điện thoại mà tôi mang theo trong tim mình những hình ảnh về những nơi tôi đến. Trong album ảnh của trái tim, tôi lưu giữ hành động tử tế của những người tôi gặp cũng như kỷ niệm đẹp ở những nơi tôi đến.
Trích sách "Hạt giống tâm hồn 4 - Từ những điều bình dị"