Thông tin nữ thần tượng Sulli tự tử tại nhà riêng ở tuổi 25 đã gây chấn động giới giải trí Hàn Quốc và nhiều người yêu K-pop. Trước khi mất không lâu, trong một chương trình thực tế, Sulli đã chia sẻ chân thật những trăn trở về tính hai mặt của cuộc sống nghệ sĩ. Sulli thừa nhận rằng thế giới màu hồng mà cô vẽ ra trên mạng xã hội là không có thật, chỉ là vỏ bọc để che đậy đi mặt tối bên trong con người mình:
“Mỗi người đều có nhiều khía cạnh nội tâm đa dạng. Trên thực tế, nhiều lúc người nổi tiếng Sulli phải giả vờ tươi tắn ở bề ngoài dù bên trong con người của Choi Jin Ri khá tăm tối. Em đã xin lời khuyên của nhiều người xung quanh, họ bảo em rằng: Mỗi người đều có những mặt tối trong đời và cần che đậy. Thực chất tất cả đều đang sống hai mặt”.
Những lời cuối đầy ám ảnh của Sulli khiến chúng ta tự vấn lại chính mình.
Lời cuối của Sulli khiến người yêu mến cô xót xa, ám ảnh trước những áp lực mà nữ idol từng đối diện, nhưng nó cũng để lại trong tất cả chúng ta câu hỏi, mình có phải kẻ hai mặt không?
Hãy nhìn thật sâu vào mình và xung quanh mình xem, bạn sẽ thấy, đầy người không có bằng diễn xuất, chẳng chen chân showbiz vẫn là những kịch sĩ. Trừ những đứa trẻ, hiếm người lớn nào trên đời này có thể sống mà không ít nhất một lần hai mặt. Có thể là một lần giả tạo, một lời ngụy biện, một hành động che giấu cảm xúc thật trong lòng hoặc dăm câu thảo mai dễ dàng buông khỏi môi, hay là một “nhân cách khác”.
Muốn nhìn sâu vào tâm hồn ai đó, hãy nhìn thật sâu vào đôi mắt họ. Muốn biết cuộc sống của một người thế nào, hãy xem trang cá nhân của người đó. Nhưng điều đó có thật đúng hay không khi phần đông người ta né tránh một cái nhìn trực diện, và trang cá nhân của ai đó, nếu không có chiếc avatar lộng lẫy thì cũng là những hình ảnh đẹp đẽ, phù hợp nhất của chính mình?
Lướt Facebook, người ta rất dễ bị choáng ngợp trước các bức ảnh lung linh lộng lẫy của những chuyến du lịch mùa thu, những em bé bụ bẫm đáng yêu với nụ cười làm tan chảy trái tim và tài năng xuất chúng, những món ăn cầu kỳ được nấu bằng tình yêu và sự chăm chút, những thân hình săn chắc sau những tháng ngày vất vả tập luyện… Cuộc sống trên mạng xã hội đẹp đẽ, thơ mộng và tích cực làm sao (nhờ có các app chỉnh ảnh và những status hay ho)! Cuộc sống trên mạng xã hội sôi nổi biết bao (bởi tất cả những mảng tối, những căng thẳng đã được giấu bớt vào trong)!
Bây giờ cũng chẳng mấy ai trách nhau sống ảo, bởi ở một thế giới mà người lớn hoàn toàn sống thật với nhau có thể sẽ vô cùng lố bịch và đen tối. Tưởng tượng xem, bạn đăng những hình ảnh chân thật của cuộc sống ngập trong công việc, bỉm sữa, dọn nhà, giặt giũ của bạn lên, dăm bữa nửa tháng là bạn sẽ tụt hết lượng theo dõi, vì đó cũng là cuộc sống thật (và nhàm tẻ) của hàng vạn người. Bạn tung ảnh mặt mộc không make-up của mình lên, lượt follow của bạn sẽ tụt thảm hại. Người ta tìm đến mạng xã hội để tò mò về một thế giới mà người ta không có, để khoe những điều làm người khác trầm trồ, khen ngợi nhiều hơn là để kể câu chuyện thật đời mình.
Tưởng tượng mà xem, bạn đến tiệc cưới của một người bạn, chúc phúc cho họ rồi bồi thêm: “Thật ra vì hồi trước tao cưới, mày đến rồi nên hôm nay tao đáp lễ. Cỗ hôm nay chán quá, món nào cũng nguội”… Hoặc đồng nghiệp được thưởng thay vì chúc mừng hoặc điềm nhiên thì bạn vỗ mặt: “Chỉ gặp may chứ giỏi giang gì, gian lận đầy ra mà sếp không biết”.
Đấy, thử hình dung một thế giới mọi người đều thẳng như ruột ngựa với nhau như thế, có thể chúng ta được sống thật với suy nghĩ của mình, nhưng tôi ngờ rằng nó chẳng bao giờ có thể tồn tại, mà người sống thật cũng không thể tồn tại được. Nếu còn muốn sống yên ổn trên đời này mà không bị tổn thương, dù bạn muốn thừa nhận hay không, chúng ta phải trở thành những kịch sĩ.
Mỗi người đều có những mặt tối trong đời cần che đậy, vì người ta sợ chính mặt tối ấy. Có những chiếc mặt nạ ta chỉ vô tình nhặt lên và đeo trong chốc lát, cũng có những khi ta khoác vào mình những chiếc mặt nạ da người mà chính bản thân ta cũng không nhận ra, nhận vơ nó thành con người thật, giá trị thật của chính mình.
Sulli nói: “Đã là người thì ai cũng sẽ có mặt tối. Chỉ là bên ngoài chúng ta giả vờ như không phải thế, nhưng thực chất tất cả đều đang sống hai mặt”. Chúng ta sống hai mặt bởi chúng ta muốn được yêu thương, nhưng mặt tối của ta có quá nhiều sóng gió.
Người ta đeo lên mặt nạ cảm thông, nhân ái, yêu thương, độ lượng, mặt nạ của giàu có, tử tế, để che đi cô đơn, che đi sự ích kỷ nhỏ nhen, che sự lạnh nhạt, lãnh đạm, vô tâm, vô trách nhiệm của ta với người khác…
Người ta giấu đi cảm xúc thật, suy nghĩ thật vì sợ bị đánh giá, phán xét, sợ bị ghét, sợ bị cô lập, sợ bị chê.
Người ta đeo mặt nạ để bảo vệ mình, vì sợ bị tổn thương nếu phơi ra cái tôi yếu đuối của mình trước người khác.
Và những chiếc mặt nạ “trả công” chúng ta bằng những lời cảm ơn, những mối quan hệ, những niềm vui. Nhưng nếu chúng ta chỉ đeo nó một chút, tỏ ra tử tế, thảo mai một chút để cuộc đời suôn sẻ thì đã không ra chuyện. Đôi khi người ta về nhà mà quên gỡ nó ra, và vì quá thích những chiếc mặt nạ, những vai diễn phù hợp làm cho chúng ta có vẻ đắt đỏ hơn, sang trọng hơn, đẹp đẽ hơn, ta khoác nó cả đời mình.
Không ít người, Facebook tràn ngập hình ảnh hoa trái ngọt và thơm, vợ chồng con cái đưa nhau đi du hí bốn phương, bao lời chúc tụng gửi nhau, nhưng đôi bên đã chán ngấy nhau, về nhà thậm chí chẳng còn chuyện để nói.
Cũng thấy lắm bà mẹ, ở rịt văn phòng trốn con cho osin chăm, nhưng cuối ngày, đặc biệt là ngày con ốm thể nào cũng có ảnh em bé bụ bẫm đang hôn mẹ để “báo công” với ông bà nội; hoặc lắm cô con dâu mẹ chồng cho quả trứng, con gà cũng làm hẳn status dài như sớ Táo Quân mà khoe, để thiên hạ vào khen ôi chị tốt số quá, trong khi mới buổi chiều cô ấy vừa nói về “bà già nhà quê và thằng con bám váy” chẳng ra gì với bạn.
Cũng có những người chẳng bao giờ văng tục, chửi đồng nghiệp một câu, luôn tỏ vẻ là nhân viên gương mẫu, ngọt ngào ai cũng mến yêu, nhưng thực tế lại là kẻ đâm sau lưng các bạn...
Dám sống thật với cái tôi của mình, dám thừa nhận sự thất bại, đáng ghét, yếu đuối, ích kỷ, sự đen tối trong tâm hồn… mình, đó là một loại dũng khí và cả chấp nhận đau đớn. Thế nên đa phần chúng ta chọn sống không thật với bản chất của mình, chấp nhận đóng kịch để cảm giác là mình thành công và được yêu mến.
Khi bóc mặt nạ ra khỏi con người, ta sẽ chạm đến cái sau mặt nạ: Sự thật, chính là khuôn mặt bị che giấu, là những ẩn ức, tổn thương mà tất cả muốn che giấu. Chỉ khi đối diện với chính mình, không mặt nạ, không vai diễn, hoặc khi vở kịch được kết thúc, chúng ta mới nhận ra được một điều rằng, mặt nạ vẫn chỉ là mặt nạ, nó không bao giờ thay đổi được cuộc đời của mỗi con người, không thay đổi được gương mặt thật bên trong của mỗi người.
Dù ta có chán ghét đến tận cùng cái tôi của mình, cuộc sống của mình, ta có muốn đào sâu chôn chặt nó, hoặc là (giả vờ) quên, hoặc nén lại tất cả cảm xúc thật, chúng cũng không mất đi. Nó vẫn nằm đó, như lò xo đợi đến lúc bung, như sóng ngầm chờ đến ngày thành sóng thần, cuốn đổ tất cả vai diễn cuộc đời.
Giữ mãi mặt nạ thì mỏi tay, mỏi cổ, sẽ đến ngày một (vài) chiếc rơi ra. Và khi mặt nạ rơi ra, sự khéo léo trong kỹ nghệ kịch sĩ giảm xuống, tất cả hào quang, ánh sáng đẹp đẽ ta gây dựng quanh mình tắt lịm, người ta vỡ mộng vì nhìn thấy mặt mộc của tâm hồn nhau.
Và đó là lúc ta nhận ra, tâm hồn mình đã mục ruỗng tận bên trong, như đóa hoa trong ca dao thuở trước: “Lan huệ sầu ai lan huệ héo, lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi”. Dù sao đi nữa thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Sống thật với chính mình, chấp nhận chuyện có thể bị ghét, bị tổn thương hay chơi đùa với vai trò kịch sĩ là lựa chọn của bạn, nhưng hãy nhớ tự hỏi mình, vào lúc cuối ngày: Mình có dám bỏ mặt nạ để nhìn vào tận sâu gương mặt thật của mình không.
Trí thức trẻ