Trong một mối quan hệ tình cảm thì hai từ "tức giận" thường là mấu chốt dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh và đôi khi cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kết thúc của một chuyện tình êm đẹp.
Lạm dụng tình cảm trong một mối quan hệ có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức, từ những điều rất đỗi nhỏ nhặt đến nỗi bạn không thể nhận ra cho đến những điều rõ ràng hơn như bị chỉ trích công khai hoặc thậm chí là bạo lực trong một mối quan hệ. Việc lạm dụng tình cảm có thể sẽ mang đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng của mỗi người, đặc biệt là nếu nó cứ lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài, sẽ khiến người bị lạm dụng cảm thấy bất an và đôi khi có thể dẫn đến nhiều hành vi hết sức tiêu cực.
Thỉnh thoảng ai trong chúng ta cũng đều có đôi lần cảm thấy tức giận, điều đó không có gì sai nhưng cách mà ta phản ứng với vấn đề mới là điều đáng nói. Mặc dù cảm thấy tức giận là một điều hết sức tự nhiên nhưng nếu cơn giận dữ trở nên nghiêm trọng hơn và có xu hướng bạo lực thì có lẽ bạn cần phải nhìn nhận lại một số điều sau đây để kiểm soát bản thân, kiểm soát đối phương sao cho mối quan hệ của cả hai không bị đưa đến kết quả xấu nhất chỉ vì hai từ "giận dữ".
Ai là người có vấn đề?
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề tức giận kinh niên trong một mối quan hệ là nên bắt đầu từ nguyên nhân của vấn đề. Mọi người thường trút giận lên những người không liên quan gì đến lý do khiến họ bực bội, hay nói một cách khác là "giận cá chém thớt". Ví dụ, nếu bạn có một ngày tồi tệ ở nơi làm việc và khi về nhà, bạn sẽ bắt đầu cằn nhằn với đối phương của mình, đó chính là một trong những nguyên nhân bắt nguồn cho sự giận dữ vô cớ.
3 cách để quản lý sự tức giận trong một mối quan hệ
Khi vấn đề bắt nguồn từ bạn
Điều quan trọng nhất khi muốn giải quyết vấn đề đó là bạn phải bình tĩnh lại, vì khi tức giận, cơ thể chúng ta sẽ giải phóng một số hormone trong não làm ảnh hưởng đến quá trình đưa ra quyết định đúng đắn.
Hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng sự tức giận không thể kiểm soát của bạn đang làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai. Hãy trung thực với chính mình và cố gắng tìm hiểu lý do vì sao mình lại tức giận. Đôi khi lý do thực sự không hề liên quan đến người kia, vậy tại sao bạn lại lựa chọn trút giận lên họ? Nếu bạn không thể tự mình làm việc này thì hãy nhờ đến một người thứ ba như bố mẹ, hay vài người bạn thân chẳng hạn vì bao giờ người ngoài cuộc cũng là người tỉnh táo hơn cả.
Nếu vấn đề đến từ đối phương
Khi vấn đề bắt nguồn từ người kia, bạn hãy giúp họ bình tĩnh và cố gắng để nói chuyện một cách thật ôn hòa, lắng nghe những gì họ nói ngay cả khi bạn không đồng tình. Một người dù cho có hàng ngàn lý do để tức giận thì họ vẫn có thể "xả tức" khi có cơ hội nói về điều đó, chính là tạo cơ hội để đối phương của bạn đối diện trực tiếp với vấn đề của mình thay vì trốn tránh bằng cách đổ hết mọi thứ lên bạn.
Giao tiếp chính là một chìa khóa quan trọng trong mọi mối quan hệ, chính vì thế khi càng nói chuyện với nhau, cả hai sẽ càng có cơ hội tháo gỡ khuất mắc mà mình đang gặp phải hơn.
Nếu vấn đề đến từ cả hai phía
Sự giận dữ đến từ một phía đã đủ tồi tệ nhưng khi sự tức giận bùng phát từ cả hai thì sự kiểm soát sẽ càng nằm ngoài tầm với hơn, và đôi khi đây cũng chính là dấu chấm hết cho một mối quan hệ, đặc biệt là nếu cả hai quá coi trọng cái tôi của mình, không ai chịu xuống nước, giữ bình tĩnh khi tranh luận, lắng nghe hay chấp nhận quan điểm của đối phương.
Các nhà tâm lý học tin rằng vấn đề chính của sự tức giận là những gì chúng ta làm với nó, ví dụ chúng ta có muốn kiểm soát và chấm dứt nó hay không, hay chỉ muốn làm cho cơn giận bùng phát và đi đến những kết cục tiêu cực hơn?
Những cơn giận dữ không được kiểm soát thường dẫn đến những hậu quả tiêu cực như bạo lực, đổ lỗi cho nhau, khơi lại quá khứ... Càng có nhiều hành động, lời nói không đúng đắn trong cơn giận thì mối quan hệ của cả hai sẽ càng khó trở lại như bình thường hơn vì lời nói, hành động đã buông ra thì không thể nào lấy lại được.
Không có gì quá lạ lẫm khi nhiều người sử dụng sự giận dữ của mình hoặc lạm dụng tình cảm để đạt được những thứ họ muốn. Nói cách khác, họ sử dụng nó như một vũ khí để thống trị người khác. Chính vì thế, nhiều người thường trở nên lạm dụng và thích thể hiện sự tức giận của mình nhiều đến nỗi họ có thể tìm ra hàng ngàn nguyên nhân để thể hiện nó. Bởi vì sự tức giận kích hoạt một loại hormone có tên là adrenaline, mang lại cho con người một nguồn năng lượng và tạo cho họ có cảm giác quyền lực hơn. Đó là nguyên nhân vì sao nhiều người lại thích thể hiện những cơn giận tới như vậy.
4 điều nên làm nếu cảm thấy mối quan hệ của mình đang bị lạm dụng
1. Đừng cảm thấy xấu hổ, bởi vì bạn có thể không phải là lý do thực sự khơi nguồn cho việc tức giận của đối phương.
2. Bảo vệ bản thân, đặc biệt nếu bạn đang cảm thấy những cơn giận đó đang dần dẫn đến những hành động bạo lực.
3. Nếu đối phương dể dàng nổi giận, nhưng không bạo lực thì hãy cố gắng tìm hiểu vấn đề thực sự là gì và cố gắng để cả hai có thể cùng nhau giải quyết.
4. Nếu đối phương bắt đầu thể hiện các hành vi bạo lực thì hãy nhanh chóng kết thúc mối quan hệ càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên đôi khi sự tức giận cũng là cơ hội cho sự chữa lành, khi cả hai có những vấn đề bình thường không thể nói cùng nhau, đôi khi sự tức giận lại trở thành phương tiện để bày tỏ những khúc mắc đó, giúp cả hai có thể tìm được tiếng nói chung cho mối quan hệ của cả hai người.
Theo Trí Thức Trẻ