Đạo diễn gốc Bỉ Lukas Dhont nung nấu ý tưởng dàn dựng ‘Girl’ từ năm 2009, khi anh tình cờ biết về Nora: một thiếu nữ sinh ra trong hình hài nam giới, người bất kể rào cản giới tính, không ngừng phấn đấu để trở thành vũ công ballet.
Dhont tìm gặp, trò chuyện cùng Nora, và từ ấy, anh ấp ủ xây dựng dự án phim đầu tay về cô.
‘Girl’ - trình chiếu mở màn trong hạng mục Un Certain Regard (Phim Bứt phá) ở sự kiện Cannes 2018, gây tiếng vang ngoài mong đợi. Tác phẩm chiến thắng ở 3 danh sách đề cử: Un Certain Regard, Queer Palm (Phim LGBT Xuất sắc), Golden Camera (Phim Đầu tay xuất sắc) và Best Performance (Diễn xuất xuất sắc). Dhont, người năm nay mới 26 tuổi, được báo tiếng Pháp Le Figaro triều mến tặng danh hiệu "một nghệ sĩ chân chính".
Trước khi ‘Girl’ được mang đi quảng bá vòng quanh thế giới, Dhont có buổi phỏng vấn với tạp chí nghệ thuật HuckMag, xoay quanh niềm đam mê anh dành cho bộ phim, về hành trình tạo nên Lara (một Nora được ‘tiểu thuyết hóa’ trên màn ảnh), cũng như về diễn viên chính Victor Polster - chàng sinh viên trường múa 15 tuổi đã để lại dấn ấu khó quên khi lần đầu vào vai nhân vật chuyển giới.
Nàng Nora thật giờ đang làm gì?
Cô ấy là một phụ nữ vô cùng xinh đẹp, tao nhã và trưởng thành, một ngôi sao ballet xuất chúng. Nora hiện đang luyện tập tại một trường múa ở Anh. Tôi nghĩ cô ấy là một trong những người dũng cảm nhất tôi từng gặp.
Khi tuổi đời còn rất trẻ, Nora dám chọn phấn đấu vì mơ ước riêng, thay vì sống nương theo những kỳ vọng xã hội. Cô ấy sớm định hình ‘Tôi là một cô gái, dẫu có thể xã hội không đồng tình về điều đó, và mặc cho hình hài tôi ra sao, tôi sẽ tự quyết định mình là ai và muốn làm gì’. Nora có thể trở thành nguồn cảm hứng với rất nhiều bạn trẻ, vì lý do trên.
Nora có sức ảnh hưởng thế nào đến bộ phim?
Đây hiển nhiên không hoàn toàn là dự án tự truyện về cô ấy, nhưng chuyện đời Nora ảnh hưởng rất lớn đến kịch bản phim. Điều khác biệt lẫn gây hứng thú nhất với tôi là, Lara (‘Nora’ trên màn ảnh) đứng trước băn khoăn mới khi biểu thị sự nữ tính của một diễn viên ballet. Liệu cô ấy có thật sự cần nỗ lực thể hiện tính nữ để được nhìn nhận như một phụ nữ? Đây là câu hỏi Lara phải đối diện.
Khác biệt này mang ý nghĩa gì?
Tôi nghĩ ‘Girl’ phần nào đó buộc khán giả tái nhìn nhận về tính dục, nữ tính và nam tính. Trong xã hội, từ giây phút bạn ra đời, bạn được phân chia thành 2 giới, nam hoặc nữ. Và dẫu với phần đông mọi người sự phân loại này không sai, một số người như Lara/Nora cảm thấy tính dục trở thành đề tài gây bối rối. Vì khi xã hội phân loại bạn, bạn được kỳ vọng sẽ cư xử đúng với định nghĩa ấy. Câu chuyện ở ‘Girl’ thách thức định nghĩa tính dục, khi tác phẩm biến tư duy đôi lúc cứng nhắc về giới tính, thành điều gì đó uyển chuyển, mang giá trị biểu hiện hơn.
Nếu những ai xem qua tác phẩm có thể hiểu rằng, Lara xinh đẹp và là một diễn viên múa tài năng, bất kể việc cô ấy được sinh ra trong hình hài nam giới, tôi được phép hy vọng có thế mở rộng suy nghĩ về tính dục của công chúng, tạo nên những thay đổi tích cực.
Vì sao anh chọn Victor Polster, một nam diễn viên dị tính vào vai một thiếu nữ chuyển giới?
Phim ảnh phải thể hiện tính đồng cảm. Nếu trong lịch sử điện ảnh, đã có những diễn viên đồng tính vào vai nhân vật dị tính, vì sao không thể có trường hợp ngược lại? Diễn xuất là để lột tả một nhân vật với sự đồng cảm bạn dành cho họ.
Chúng tôi chọn Victor vì khả năng biểu diễn lôi cuốn trước ống kính của cậu ấy, bất chấp giới tính.
Thông điệp anh muốn chủ động khai thác nhất ở dự án ‘Girl’ cũng như những tác phẩm tương lai?
Trong một xã hội ngày càng số hóa và mang tính cách ly, tôi nghĩ hơn lúc nào hết chúng ta nên nói về việc xây dựng quan hệ, nhất là đối với bản thân.
Đấy chính xác là nỗi khó khăn của Lara. Cô ấy có tham vọng, sức cống hiến lẫn năng khiếu trở thành vũ công ballet, nhưng rào cản giới tính không ngừng thử thách Lara.
Suy cho cùng, chúng ta luôn giữ góc nhìn phức tạp trước chủ đề giới tính và hình thể. Chúng ta có những điều yêu thích lẫn ghét bỏ về bản thân. Trên cả câu chuyện mang sắc màu LGBT, ‘Girl’ truyền tải ý nghĩa của sự tự tin, yêu thương vốn mỗi người nên tạo dựng cho chính họ. Tôi nghĩ đây là một thông điệp nhân văn đáng theo đuổi.
Như Ý (lược dịch từ HuckMag)