Tôi ngồi sau, nhìn ông bác xởi lởi mà giật mình: À, bác xe ôm Sài Gòn đây rồi, mình đã về Sài Gòn thật rồi…
Đọc “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2” của nhà báo Cù Mai Công, tôi nhớ lại hoài cái cảm giác ấy. Đó là bởi một giọng kể xởi lởi, chan hoà, gần gụi trong sách; bởi cách tác giả đan cài tự nhiên giữa chuyện riêng nhà mình với chuyện chung của thành phố.
Và tôi như được ngồi trên chuyến xe của một bác xe ôm uyên bác nào đó, dạo khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, nghe ngọn nguồn về từng con đường, căn nhà nơi đây…
Sài Gòn - Gia Định xưa
Sách được chia thành hai phần rõ rệt, lần lượt dành cho Sài Gòn và Gia Định xưa. Với Sài Gòn (khu trung tâm của TP.HCM hiện nay), tác giả bắt đầu bằng ký ức những chuyến xe lam ngày nhỏ đưa đứa trẻ Cù Mai Công lên Sài Gòn. Từ đó, Cù Mai Công điểm lại những đại lộ xưa một thời là kinh rạch, chợ Bến Thành, những công trình và nét kiến trúc nổi bật…
Còn với Gia Định, một vùng phụ cận và ngoại ô của Sài Gòn khi xưa, như tác giả mô tả, đó là những cửa ô ra vô Sài Gòn, cùng những nẻo đường mà ngày trước là mênh mông ruộng rẫy, vườn rau, lối mòn, với “vô số những mảnh đời phiêu bạt, khi tán, khi tụ, nổi trôi đủ hướng”.
Dù thi thoảng thoáng qua chút kỷ niệm riêng, nhưng dòng chảy lịch sử của thành phố vẫn được Cù Mai Công vẽ lại khá đầy đặn: từ cuộc biểu tình chống tham nhũng năm nào, cái chết của Diệm - Ngô, sự kiện 30 - 4 - 1975, và đời sống cư dân miền Nam sau giai đoạn đó.
Không chỉ những thập niên 1960 - 1970 nhiều xáo trộn, Cù Mai Công còn ngược dòng thời gian xa hơn, điểm lại những chuyện trước khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ cuối thế kỷ 19, thời mà những đại lộ hào nhoáng Nguyễn Huệ, đường Hàm Nghi, Lê Thánh Tôn vẫn còn là những kênh Chợ Vải, rạch Cầu Sấu, rạch Cây Cám…
Nhiều chi tiết “đắt xắt ra miếng” từ sách sẽ khiến ta không ngớt ồ à, chợt thấy mỗi toà nhà, con đường, cho đến cái hẻm cụt… ta qua lại hàng ngày đều hàm chứa một câu chuyện riêng thật độc đáo.
Sách chưa đầy 300 trang, nhưng người nào đọc nghiêm túc và tò mò sẽ phải đọc rất chậm. Bởi mỗi khi đọc đến một địa danh, một con đường quen lạ, ta cứ phải dừng lại chút để đối chiếu, để tra cứu, để tra… Google Map thêm. Cho nên, càng đọc càng “lòi” ra nhiều cái mình không biết, thấy lịch sử bao la, thấy hiểu biết của mình về thành phố mình yêu còn quá chừng hạn hẹp.
Chuyện sử đong đầy hoài niệm
So sánh nôm na với “bác xe ôm” là vậy, nhưng tôi tuyệt nhiên không có ý giảm nhẹ giá trị những chuyện sử trong sách. “Ông xe ôm” Cù Mai Công, tuy bình dân cả trong lời văn lẫn tính cách và phong cách, nhưng kho chuyện kể và kỹ năng kể chuyện của “ông” chắc chắn không phải hạng thường.
Xét về kinh nghiệm, Cù Mai Công vốn là một trong bốn người sáng lập tờ Mực Tím, sau đó là thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ. Còn xét về độ am hiểu chủ đề, tác giả có vài chục năm la cà, sống và viết về Sài Gòn, tai nghe mắt thấy bao điều và thân quen bao gương mặt nơi đây. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, nhờ cách kể… giống ông xe ôm của Cù Mai Công mà chuyện sử trong sách thật dễ “vào” ngay cả với người xứ lạ, không nặng nề, khô cứng, hàn lâm. Mà cách tiếp cận này, ngẫm ra cũng rất hợp với nội dung và chủ đề của nó - những mẩu chuyện trên trời dưới đất, đôi khi tản mát - về một Sài Gòn cởi mở, chan hoà.
Có những khoảnh khắc tuổi nhỏ, vì lẽ nào đó, vẫn còn đọng lại trong ký ức tác giả, nhiều lần được điểm xuyết thật tự nhiên trong sách. Như cuộc biểu tình kể tội Tổng thống Thiệu năm 1974 được kể lại qua đôi mắt đứa bé 12 tuổi hồi đấy (vì hăm hở nghe bạn bè trong xóm mà tham gia thế sự):
“Đang lui cui kéo một hàng rào kẽm gai trong khu vực, bị cảnh sát dã chiến đập một dùi cui, bể đầu, đưa về sân nhà thờ Tân Sa Châu cấp cứu. Nhóm cứu thương hớt một mảng tóc quanh vết thương, sát trùng và băng ngang đầu. Về nhà, cậu tôi thấy, vừa xót vừa giận con, chửi: “Tao có chết đâu mà mày để tang” (!).”
Cách kể của Cù Mai Công khiến người đọc không dằn lòng được, vừa đọc vừa nhớ đến những ký ức của riêng mình với Sài thành. Khi đọc về một con đường, một quán ăn quen, ta lại thấy những kỷ niệm xa xôi len lỏi ùa về, thế là lại ngồi tần ngần. Cuốn sách mỏng dánh vì vậy mà cứ mãi dài ra, đọc mãi không xong.
Ngày nay, Sài Gòn vẫn liên tục tiến về phía trước, rùng rùng đổi thay, biến hoá theo từng tháng, từng năm. Như Cù Mai Công viết ở cuối sách: “Những người Sài Gòn - Gia Định của thập niên 1950 khác đến bất ngờ với người Sài Gòn - Gia Định đầu thế kỷ 20; càng khác đến kinh ngạc với người Sài Gòn - Gia Định thuở mái lá, lều tranh, đường đất, chằng chịt kinh rạch nửa thế kỷ trước, thuở còn thành Gia Định”.
“Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương 2” chính là một đóng góp vào kho ký ức tập thể của thành phố, để nhiều thế hệ yêu Sài Gòn có thể ngồi lại ngắm nhìn dòng thời gian, ôn lại từng kỷ niệm chung, riêng.