Gen Z Trung Quốc: 'Sẵn sàng tiêu tiền triệu, nhưng tiết kiệm vài chục'

06/12/2021 15:00
Gen Z Trung Quốc: 'Sẵn sàng tiêu tiền triệu, nhưng tiết kiệm vài chục'

Tại sao họ không ngần ngại chi tiền để mua một đôi giày thể thao hàng hiệu, một món đồ trang điểm lấp lánh với giá cao ngất ngưởng, nhưng đồng thời lại muốn đặt hàng và mua chung với bạn bè, để tiết kiệm phí giao hàng vài tệ?

Giới trẻ nói chung và thế hệ Gen Z ở Trung Quốc nói riêng, là thế hệ đi đầu làn sóng tiêu dùng, nhưng trong cách chi tiêu của họ luôn để lại một dấu chấm hỏi lớn cho mọi người. Giới trẻ Trung Quốc cũng thích hưởng thụ bằng du lịch, nghỉ dưỡng sang chảnh, thích lân la đến các hàng quán ăn chơi, nhưng luôn “mặc cả”, “hỏi giá” trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, họ có thói quen so sánh giá trên các cửa hàng trực tuyến khác nhau, để lựa chọn mức giá rẻ nhất trong khi chênh lệch chỉ có vài chục, thậm chí vài tệ. 

Gen Z Trung Quốc: “Sẵn sàng tiêu tiền triệu, nhưng tiết kiệm vài chục” - Ảnh 1.

Giới trẻ Trung Quốc trong một cửa hàng mỹ phẩm cao cấp ở trung tâm thương mại. Ảnh: Sohu.

Sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua hàng hiệu

Một số bạn trẻ dưới 25 tuổi hay thế hệ 10x đa phần vẫn còn là sinh viên, cũng có một số mới đi làm. Tuy thu nhập hằng tháng không cao hoặc thậm chí không có nguồn thu nhập nào, nhưng các bạn trẻ ấy vẫn dám xài và dám mua: "Nếu mình thích một món hàng nào đó, hoặc nó đẹp, hoặc để theo đuổi xu hướng, hoặc vì mọi người xung quanh mình có nó, thì mình sẽ sẵn sàng mua”. 

Blind box (một loại đồ chơi không biết đồ vật bên trong là gì), giày thể thao, game điện tử, figure (mô hình nhân vật)... những mặt hàng "đốt tiền" này chủ yếu được giới trẻ mua sắm. Nghiên cứu cho thấy hơn 40% người trẻ dưới 25 tuổi thích sưu tầm Blind box. Trong đó 8,6% người dùng sẵn sàng chi hơn 1.000 tệ (khoảng 3,6 triệu đồng) để mua món đồ chơi này.

Theo “Báo cáo chi tiết về xu hướng người tiêu dùng dưới 25 tuổi năm 2020" của Suning.com (nhà bán lẻ thông minh đa kênh hàng đầu tại Trung Quốc) cho thấy, đối tượng dưới 25 tuổi chiếm 59% trên tổng số người mua những mặt hàng xa xỉ. Ước tính năm ngoái, họ đã mua tổng cộng hơn 50.000 tệ (1,1 tỷ đồng) trên trang thương mại điện tử này. Bulgari, Hermes, Estee Lauder… là những thương hiệu xa xỉ được người trẻ lựa chọn mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc.

Gen Z Trung Quốc: “Sẵn sàng tiêu tiền triệu, nhưng tiết kiệm vài chục” - Ảnh 2.

Mỹ phẩm hàng hiệu với giá vài trăm tệ. Ảnh: Suning.com.

Thống kê cho thấy, thị trường mua bán Hán phục trên Taobao đã vượt quá 2 tỷ tệ (khoảng 7,1 nghìn tỷ đồng) vào năm 2019 và con số này đã duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 150%. Đồng phục Lolita, Hán phục, JK (một loại váy caro)... có giá không hề rẻ, từ hàng nghìn tệ đến vài chục nghìn tệ. 

Đây chỉ là loại quần áo dùng để mặc trong các sự kiện hóa trang, không giống như quần áo mặc hằng ngày, nhưng giới trẻ lại thích và muốn mua để sưu tập. Họ cũng tham gia nhiều hội nhóm để bắt kịp xu hướng và sưu tầm các mẫu đồng phục mới nhất. Trần Long - sinh viên Đại học Công nghệ Vũ Hán, rất thích chơi bóng rổ và có sở thích sưu tập giày bóng rổ. Tủ giày của anh chàng có đủ các loại giày thể thao, có đôi lên đến hàng nghìn tệ. Trần Long cho biết: “Mỗi đôi giày đều có một ý nghĩa đặc biệt”.

Gen Z Trung Quốc: “Sẵn sàng tiêu tiền triệu, nhưng tiết kiệm vài chục” - Ảnh 3.

Các clip thời trang của giới trẻ Trung Quốc thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng. Ảnh: Infonet.

...nhưng lại “tiết kiệm vài chục”

Người trẻ ngày nay dám bỏ tiền để mua những món hàng xa xỉ, nhưng lại có thói quen “tiết kiệm vài chục”.

Bất cứ khi nào các sàn thương mại điện tử có đợt khuyến mại lớn, giới trẻ cũng là lực lượng chính trong các hoạt động “so giá”, tích lũy voucher free ship và các hoạt động ưu đãi khác từ các nhà bán hàng. "Rút thăm trúng thưởng" các mã giảm giá đã trở thành thú vui nho nhỏ của thế hệ người tiêu dùng này. Điều này có vẻ tốn thời gian và công sức, nhưng họ lại không nghĩ vậy. 

Có một nghịch lý là, người trẻ thường dùng thời gian, bất chấp sức khỏe, thức đêm để “săn sale” những món hàng tuy đắt tiền nhưng bản thân chưa thực sự cần thiết lắm. Trần Mẫn, 25 tuổi - đã đặt ra chủ nghĩa tiêu dùng cho bản thân. Cô Trần thích mua sắm trực tuyến và cô ấy biết cách mua những món đắt tiền nhất với mức chi ít nhất trên các trang mua sắm trực tuyến.

"Mỗi khi có khuyến mãi, tôi sẽ không bao giờ bỏ bất kỳ phiếu giảm giá nào, và giá có thể giảm càng nhiều càng tốt, cho dù có phải thức khuya để “canh sale” đi chăng nữa. Tôi cũng tham gia vào nhiều trò chơi rút thăm trúng thưởng khác nhau, và đôi khi còn nhờ những người không phải bạn bè để giúp đỡ. Mỗi khi tôi sưu tầm được voucher có thể giúp tôi tiết kiệm hàng chục tệ, tôi rất mãn nguyện!”, Trần Mẫn nói.

Người tiêu dùng trẻ không thích việc phải bỏ vài tệ để trả phí giao hàng, cho dù cùng là món đồ ấy và nó rẻ hơn ở một cửa hàng khác. “Mua sắm ở siêu thị hết 300 tệ, túi mua sắm bảo vệ môi trường giá 2 tệ đắt quá, không mua!". "100 tệ miễn phí vận chuyển, mua! Hàng hóa 90 tệ + bưu phí 10 tệ, không mua". “Xà bông 40 tệ + voucher giảm giá 10 tệ, mua! Nhưng xà bông 30 tệ, không mua”...

Cái nhìn của chuyên gia

Đối với tâm lý tiêu dùng của giới trẻ Trung Quốc hiện nay “Một nghìn tệ có thể tiêu, nhưng phải tiết kiệm mười tệ”, các nhà tâm lý học cho rằng nó chính là một loại “tài khoản tinh thần” mà mọi người thường gặp phải. Điều này có nghĩa là, mọi người chia các khoản chi tiêu hoặc lợi ích khác nhau thành các tài khoản khác nhau trong tâm trí của họ. Những bộ quần áo hàng nghìn tệ đáp ứng được tâm lý tiêu dùng của họ, họ sẽ không cảm thấy đắt nên mua. Phí vận chuyển 10 tệ ban đầu không nằm trong dự tính chi tiêu của họ, bỗng nhiên bắt họ phải bỏ ra số tiền này là điều mà họ không dễ dàng chấp nhận.

“Tiết kiệm mười tệ” bằng cách “săn sale” thực chất chỉ là một “hiệu ứng tinh thần” mà người tiêu dùng tự tạo ra để đánh lừa bản thân. Dù giúp họ tiết kiệm không đáng kể, nhưng nó có thể đóng vai trò như một cách "tự an ủi bản thân" mỗi khi người tiêu dùng chi một số tiền lớn cho món hàng xa xỉ nào đó. Mỗi người trẻ có thể sử dụng một số tiền lớn để làm hài lòng bản thân, thỏa mãn “cơn khát” tiêu xài của bản thân ở mức độ lớn nhất. Mặt khác, họ dùng số tiền tiết kiệm được từ các mã giảm giá đó để “an ủi” bản thân không bị mắc tội “tiêu dùng không hợp lý”.

Quan điểm tiêu dùng này có thể giúp mọi người đưa ra quyết định nhanh chóng khi mua sắm một món hàng cần thiết; lập kế hoạch quản lý tài chính; có thể tiết kiệm được một khoảng nhỏ và dần dần sẽ tạo thành một số tiền lớn. Đây là lợi ích mà nó mang đến, nhưng hậu quả để lại cũng không hề nhỏ. Nếu quá lạm dụng suy nghĩ đó khi mua sắm, bạn sẽ hình thành một thói quen xài tiền không hợp lý, và chi một số tiền lớn cho những mặt hàng chỉ "có vẻ đáng mua".

(Tổng hợp từ Sohu, Xinhua, Chinanews)

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024