Chị Zhang Shijia là một trong những người tiêu dùng Trung Quốc chuộng sắm đồ cận đát. Thay vì mua một túi kẹo chocolate hạn sử dụng dài với giá 40 Nhân dân tệ, cô gái này chấp nhận mua loại còn 6 tháng sử dụng với giá chỉ bằng 1/4.
Chị Zhang Shijia - người tiêu dùng Trung Quốc nói: "Nếu tôi chỉ ăn chúng trong vòng vài ngày thì quan tâm đến việc cận đát làm gì chứ?".
Một công ty tư vấn ở Quảng Châu, Trung Quốc cho biết, trung bình 10 người tham gia khảo sát có 4 người sẵn sàng mua hàng cận đát. Xu hướng này chủ yếu xuất hiện ở nhóm đối tượng người tiêu dùng trong độ tuổi từ 26 - 35, chiếm tới 47,8%.
"Tôi chỉ đến những cửa hàng bán đồ cận đát để mua đồ. Mặt hàng phong phú, mà giá chỉ bằng 20 - 50% giá thị trường. Điều này cũng phần nào giúp hạn chế số lượng thực phẩm bị vứt đi khi hết hạn", anh Yang Zhi - người tiêu dùng Trung Quốc cho hay.
Khách hàng của những siêu thị bán đồ giảm giá, sắp hết hạn đa phần là người trẻ tuổi. Ảnh: SCMP.
Tư tưởng mua sắm mới khiến nhiều cửa hàng bán đồ cận đát mọc lên như nấm, trong đó có Hotmaxx. Thương hiệu này dự kiến sẽ mở thêm 50 chi nhánh tại Bắc Kinh trong năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân đại lục.
Anh Zhang Lilei - quản lý cửa hàng Hotmaxx cho biết: "Trung bình mỗi ngày chúng tôi đón 1.000 khách hàng. Nước đóng chai, đồ ăn nhẹ và một số loại mỹ phẩm như mặt nạ là những mặt hàng bán chạy nhất".
Mỗi năm, n gành công nghiệp ăn uống tại Trung Quốc thải ra khoảng 18 triệu tấn chất thải. Con số đáng báo động này khiến Trung Quốc hồi tháng 4 đã ban hành luật chống lãng phí thực phẩm.
Chính sách này của giới chức đại lục cùng tư duy mua sắm hợp lý và bền vững đã giúp những thực phẩm cận đát không còn là thứ mà người tiêu dùng khước từ.
Theo báo cáo mới nhất của iiMedia Research, quy mô ngành công nghiệp thực phẩm sát hạn sử dụng đã đạt 30 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2020.
VTV