Bất chấp thực tế lương bổng vẫn thấp hơn nam giới 22,5%, số lượng phụ nữ Trung Quốc sở hữu nhà ở ngày càng gia tăng. Họ đang dần đánh đổ truyền thống "đàn ông trụ cột", trở thành những "nữ cường" đáng nể.
Trung Quốc là xã hội gia trưởng cực đoan, phụ nữ bị xem như cái bóng, chỉ có thể dựa dẫm và phụ thuộc vào nam giới. Tuy nhiên, kể từ khi chấm dứt thời kỳ phong kiến vào năm 1912, cán cân trọng nam tuyệt đối đã bị lung lay.
Mạnh mẽ mới là tiêu chí của phụ nữ Trung Hoa thời nay
Vào năm 1949, chủ trương bình đẳng giới tại Trung Quốc lên ngôi. Trẻ em gái có quyền được chăm sóc và giáo dục như trẻ em trai. Kết quả, phụ nữ Thế hệ X được phép tham gia vào lực lượng lao động. Những năm 1990, tỷ lệ các chị em độ tuổi lao động đi làm đạt mức cao nhất: 73,2%.
Nhân viên nữ Trung Quốc phải chịu nhiều áp lực và phân biệt giới tính ở chỗ làm. Vào năm 2018, 19% các thông báo tuyển dụng vẫn ghi rõ "ưu tiên nam giới". Một vài yêu cầu tuyển dụng còn "quái thai" đến mức, cấm nữ nhân viên sinh con.
Cuối năm 2019, báo cáo thống kê ở Trung Quốc vẫn cho thấy trung bình, lương của nhân viên nam cao hơn nữ 22,5%. Lượng phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo cũng rất thấp, chỉ 9,7%. Tỷ lệ chị em đi làm giảm xuống còn 60,5%. Tuy nhiên, tất cả những điều này không đồng nghĩa với việc phụ nữ lại lui về nép sau lưng đàn ông.
Áp lực công việc và phân biệt giới tính không đánh gục được phụ nữ Trung Quốc
Kể từ năm 2018, hệ thống giáo dục Trung Quốc chứng kiến sự "soán ngôi" của tỷ lệ sinh viên nữ. Bất chấp sự chênh lệch giới tính do Thời kỳ 1 con (1979-2015) gây ra, số lượng sinh viên nữ tốt nghiệp chiếm 52,9% tổng sinh viên.
Nếu ở Thế hệ X, tỷ lệ phụ nữ có bằng cấp từ đại học trở lên mới chỉ chiếm 36%, thì đến Gen Y đã tăng lên 46%. Họ buộc các doanh nghiệp phải "đa dạng giới" trong tuyển dụng, tăng lương và giữ chân, thăng tiến nhân viên nữ.
Trong thời đại "tam tòng", mục tiêu số 1 của phụ nữ Trung Quốc là "đức lang quân như ý". Có điều, họ không được phép chọn mà phải đặt niềm tin vào phụ mẫu.
Trong thời đại đổi mới, các chị em Thế hệ X có quyền tự do yêu đương và quyết định đối tượng kết hôn. Với vai trò là người tự quyết, họ đặt cược cuộc đời vào tình yêu, tin tưởng chỉ cần lấy được người mình yêu là trọn đời hạnh phúc.
Năm 2016, chỉ 5% chủ sở hữu nhà ở Trung Quốc là nữ giới
Xã hội "trọng nam" Trung Quốc khét tiếng chỉ đầu tư cho con trai. Ngay từ khi mới chào đời, nam giới đã được cha mẹ quan tâm… mua nhà hoặc giao toàn bộ gia sản. Ngược lại, các bé gái không nằm trong danh sách thừa kế. Tệ hơn, sau khi có công ăn việc làm, họ còn phải tiết kiệm lương vì "quyền sở hữu nhà của anh/em trai".
Vào năm 2016, Trung Quốc báo cáo tỷ lệ sở hữu nhà trên giới tính ở 4 thành phố đắt đỏ nhất: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàng Châu. Họ cho thấy, trong nhóm chủ sở hữu thuộc độ tuổi 18-50, chỉ có 5% là phụ nữ.
Trước đó, vào năm 2010, Trung Quốc cũng từng báo cáo tình hình sở hữu nhà ở các cặp vợ chồng. Họ cho biết: 67,1% do chồng đứng tên, 28% do cả vợ và chồng đứng tên, chỉ 4,9% là do vợ đứng tên.
Luật li hôn Trung Quốc quy định, chỉ tài sản vợ chồng đồng sở hữu mới bị "cưa đôi". Với sự áp đảo của tỷ lệ nam giới đứng tên, phụ nữ li hôn là "trắng tay".
Vào năm 2018, Trung Quốc bàng hoàng vì số lượng phụ nữ sở hữu nhà gia tăng đột biến. Chỉ sau có 2 năm, tỷ lệ nữ giới đứng tên nhà đất ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàng Châu đã nhảy vọt lên 46,7%, gấp 9,34 lần năm 2016.
Vào năm 2020, số lượng phụ nữ mua nhà bùng nổ trên khắp 30 thành phố lớn, với tỷ lệ chiếm tới 47,54% người mua. Đặc biệt, có một số lượng khách nữ không hề nhỏ là các chị em độc thân thuộc Gen Y.
Một nửa khách của thị trường bất động sản Trung Quốc hiện nay là phụ nữ
"Tôi đã tính sẽ hùn vốn với người yêu mà mua nhà ở Thượng Hải," - Michelle Ye (37 tuổi) kể lại. "Thế nhưng vào năm 2015, khi đã ngoài 30 mà vẫn chưa có anh nào, tôi quyết định mua một mình". Zhou Mo (32 tuổi) thì được cha mẹ mua tặng căn hộ 95m2 từ năm 2010, khi vẫn còn là sinh viên. Còn Amber Chan (33 tuổi) phải xin phụ mẫu cho vay thêm, vì cô không đủ khả năng tài chính trả toàn bộ.
Trong số các chị em Gen Y độc thân đứng tên chủ sở hữu bất động sản hiện tại: 26% do cha mẹ tặng, 54% do cha mẹ giúp một phần tiền và 29% tự mua. Những con số này chỉ ra, sự "chuyên chế" của văn hóa "mua nhà cho con trai" đã chấm dứt. Chính sách 1 con kéo dài 36 năm khiến nhiều cha mẹ thuộc Thế hệ X chỉ có "mỗi cô con gái cưng". Lẽ đương nhiên, họ đầu tư vật chất cho con gái.
Xu hướng thời nay là mua nhà cho con gái cưng
Bên cạnh đó, 29% tự mua nhà là con số không hề nhỏ. Nó cho thấy sự độc lập về mặt tài chính của phụ nữ Thế hệ Y. "Tôi vốn tính chuyển đi nhưng, kể từ khi mua được nhà, tôi quyết định lập nghiệp tại chỗ và luôn cảm thấy vô cùng hạnh phúc," - Ye chia sẻ. Liu và Zhou cũng đang có cuộc sống hết sức thoải mái. "Có nhà rồi, tôi không sợ kết hôn nữa" - Liu thú nhận.
"Có thể, người chồng tương lai sẽ cảm thấy không thoải mái vì tôi đã có nhà rồi," - Ye nói tiếp. "Nhìn chung, đàn ông Trung Quốc vẫn thích phụ nữ yếu đuối, không có gì trong tay". Ngược lại, "Tôi không ngại kết hôn với nam giới không có tài sản" - Zhou tuyên bố. "Yêu cầu của tôi là tính cách và năng lực cơ".
Với các chị em Trung Quốc độc thân thời nay, nhà mới là chỗ dựa số 1. Chỉ khi có nhà, họ mới tự tin hướng tới tình yêu và hôn nhân. Dự đoán, Gen Z (1996-2012) còn "cuồng" bất động sản hơn nữa. "Người đàn ông lý tưởng" bị đẩy xuống lựa chọn số 2, khi các chị em đã "yên bề ở".
Tham khảo: Supchina
Pháp luật và bạn đọc