Bộ sưu tập này hiện đặt ở ấp Mỹ Hòa, TT. Mỹ Luông, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang do anh Phan Văn Khánh (34 tuổi) đã dày công sưu tầm. Anh Khánh cho biết, anh có niềm đam mê lớn với việc sưu tầm những tuyệt tác từ gỗ lũa.
Hơn 10 năm trước anh Khánh và một người cậu của mình đã ấp ủ, chuẩn bị để tìm kiếm và sưu tầm những khúc gỗ lũa. Anh bỏ công sức đi đến từng bà con ngư dân trên sông Tiền để tìm kiếm rồi bắt tay vào thực hiệnn việc điêu khắc - công đoạn công phu nhất. “Gỗ này nằm dưới lòng sông Tiền bà con ngư dân đi cào mắc vào lưới, người ta nhờ vớt lên giùm, sau đó mình có ý tưởng là chạm khắc hình này hình kia để trưng bày”, anh Khánh cho hay.
Gỗ lũa là phần lõi ở gốc của cây cổ thụ sau khi bị chết, thường được tìm thấy ở dưới sông, suối... Loại gỗ này đa số là phần gốc và là lõi cây nên rất cứng nên không bị mối mọt hoặc mục nát, rất phù hợp để trưng bày lâu dài.
Sau quá trình đi khắp nơi tìm kiếm, thu thập gỗ lũa, 5 năm sau anh Khánh chuyển sang giai đoạn điêu khắc.
Anh mời những nghệ nhân điêu khắc có tiếng về để biến những khúc gỗ lũa có giá trị thấp (đối với nhiều người) thành những bức tượng, những hình ảnh sinh động và độc đáo.
Những tác phẩm sau khi hoàn thành khiến người ta sau khi chiêm ngưỡng rất ngạc nhiên với vẻ đẹp của nó. Có những tác phẩm nơi đây sau khi điêu khắc vẫn còn nguyên bản không thay đổi, vẫn giữ được những dấu tích nguyên thủy của nó.
Được giới thiệu, chúng tôi đến gặp gỡ ông Nguyễn Văn Xoan (57 tuổi) -nghệ nhân điêu khắc “lão làng” tại xứ sở nghề mộc Chợ Thủ (Mỹ Luông). Theo ông Xoan, để tạo ra những mô hình, những bức tượng tuyệt tác đòi hỏi nghệ nhân cần phải có tính tỉ mỉ và kiên nhẫn. Việc điêu khắc thành công 1 tác phẩm bằng gỗ lũa phải trải qua những công đoạn khó khăn và cầu kỳ. Bên cạnh đó người sở hữu những khúc gỗ đó không thể đưa ra những chủ đề mà họ đã định sẵn.
“Tùy theo hình dạng của mỗi khúc gỗ như thế nào, nghệ nhân phải nghiên cứu mới có thể lên ý tưởng và tạo ra tác phẩm phù hợp. Việc điêu khắc này thì nó không có công thức, kiến thức để lên bản vẽ cũng không có. Cả người chủ cùng với nghệ nhân cần phải ngồi lại nghiên cứu để góp ý với nhau mới có thể tạo ra được một tác phẩm đẹp”, ông Xoan chia sẻ.
Hiện nay việc sưu tầm những khúc gỗ lũa cũng tương đối khó khăn và mất nhiều thời gian. Loại gỗ này hiện tại đang rất hiếm thấy và hầu như nó đã không còn. Chính vì vậy, khi đã hoàn thành được bộ sưu tập, anh Khánh luôn trân trọng và xem nó như những đứa con tinh thần của mình.
Mô hình đặc biệt nhất ở nơi đây là hòn non bộ Hoa Liên Sơn. Đây là 1 tác phẩm nghệ thuật, kết hợp thành khung cảnh tự nhiên bao gồm những yếu tố núi, nước, hoa, lá để trưng bày phục vụ mục đích thưởng ngoạn của những người “sành chơi” cây cảnh. Tác phẩm này thường được làm bằng đá khối hoặc xi măng, nhưng đây là nơi đầu tiên trưng bày 1 tác phẩm được làm hoàn toàn toàn bằng gỗ. Theo anh Khánh, đây cũng là tác phẩm của 1 nghệ nhân chạm khắc có tiếng tại Sài Gòn.
Sau khi trưng bày, những tác phẩm của anh Khánh được nhiều người biết đến. Những người có chung niềm đam mê với gỗ lũa khi biết đã đến tận nơi để tận mắt ngắm nhìn những tác phẩm mà anh Khánh cùng với cậu mình đã tạo ra.
Sau đây là một số tác phẩm điêu khắc của anh Phan Văn Khánh:
Gỗ lũa chính là phần lõi sót lại của các cây cổ thụ sau khi bị chết đi trong tự nhiên. Qua quá trình bào mòn của thiên nhiên sẽ còn lại phần lõi cứng này gọi là gỗ lũa.
Thông thường, để trở thành gỗ lũa thì sẽ là những cây gỗ quý và có độ lớn như gỗ táu, gỗ lim, gỗ mun… bởi các loại cây thông thường thì sẽ nhanh bị mục nát. Gỗ lũa thường được tìm thấy ở các lòng sông, suối và có nhiều hình dáng khác nhau, là “độc nhất vô nhị” bởi quá trình bào mòn của nước. Và cũng chính vì quá trình hình thành đặc biệt như vậy nên gỗ lũa có đặc điểm là cứng và trường tồn với thời gian, không bị mối mọt.