Với mong muốn giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên cũng như công chúng ngày nay hiểu thêm về lý tưởng sống của cha ông thời còn trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung tâm lưu trữ 4 Cục lưu trữ Quốc gia phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Sở văn hóa thông tin tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển lãm ảnh "Một thời và mãi mãi" tại thành phố Đà Lạt.
Triển lãm khai mạc ngày 20/3/2021, nhân dịp kỷ niệm 90 ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1931- 2021).
Gần 200 bức ảnh, được lựa chọn từ hàng nghìn tác phẩm ảnh của các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh là Mầu Hoàng Thiết, Mai Nam, Đỗ Kết, Đoàn Công Tính và Chu Chí Thành.
Những tấm ảnh minh chứng về khúc tráng ca của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước và những ngày hòa bình đầu tiên hàn gắn vết thương chiến tranh.
Đây là những tác phẩm các ông đã hiến tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Ảnh được trưng bày ngoài trời giữa quảng trường Lâm Viên bên hồ Xuân Hương, Trung tâm thành phố Đà Lạt, thuận tiện cho người dân nơi đây và khách du lịch đến thưởng lãm.
Đến dự buổi khai mạc triển lãm có nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, Đoàn Công Tính, cùng con cháu của ba nhà nhiếp ảnh quá cố là Mầu Hoàng Thiết, Mai Nam và Đỗ Kết, cùng sự góp mặt của những đoàn viên trẻ tuổi, đa phần là học sinh, sinh viên tỉnh Lâm Đồng, và các tỉnh lân cận, kể cả khách du lịch trong nước tới xem liên tục từ sáng đến tối.
Sự có mặt của hai tác giả và hậu duệ của 3 nhà nhiếp ảnh đã thể hiện sự trân trọng của Ban tổ chức, của thế hệ sau đối với những người chiến sĩ cầm máy ảnh, cầm bút lăn xả vào bom đạn để ghi lại sự thật hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh sinh tử xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Nhân dịp này nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã tặng cho Trung tâm lưu trữ Quốc gia ba cuốn sách ảnh. Đó là cuốn "Còn mãi những tấm ảnh để lại" nói về hơn 40 cán bộ, phóng viên, biên tập viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh trong những năm chống Mỹ, cuốn sách ảnh "Việt Nam quê hương tôi" của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo, một đồng nghiệp thân thiết với ông đã mất, và "Ký ức chiến tranh" của chính tác giả, nhằm góp phần tăng cường tài liệu cho Trung tâm.
Những tác phẩm đã thực sự tác động lên giới trẻ và công chúng, họ chăm chú theo dõi từng bức ảnh hồi lâu, tỉ mỉ đọc các dòng chú thích để phần nào hiểu sâu hơn, cảm nhận được góc nhìn của những người lính trên khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc và hiểu được phần nào những gì tuổi trẻ Việt Nam, là thế hệ cha ông của họ, đã trải qua.
Những bức ảnh là minh chứng về phẩm chất của nhà báo, phóng viên, những người sẵn sàng hy sinh như những người lính để ghi lại những con người và sự kiện lịch sử.
Đối tượng của hai ông Mầu Hoàng Thiết và Mai Nam chủ yếu là lớp thanh niên những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Ảnh của Mai Nam ghi được những khuôn mặt tươi trẻ, hào hứng lên đường chiến đấu, ba lô trên vai với chiếc gậy Trường Sơn vững chắc trong tay, hưởng ứng phong trào "ba sẵn sàng". Còn Mầu Hoàng Thiết chú trọng hơn vào vai trò của nữ thanh niên ở hậu phương làm chủ gia đình, thay thế nam giới với đường cày "ba đảm đang".
Điều ngạc nhiên là trong gian khó nguy hiểm, những con người áo vải, chân trần đó lại rất lạc quan, yêu đời. Nụ cười của họ, tư thế của họ trong ảnh rất hồn nhiên và tự tin. Lúc nghỉ ngơi, họ thư giãn và động viên bản thân bằng văn nghệ. "Tiếng hát át tiếng bom", không chỉ là khẩu hiệu, mà đó chính là cuộc sống của họ.
Đặc biệt trong triển lãm lần này có nhiều ảnh mới xuất hiện lần đầu trước công chúng của nhà nhiếp ảnh Đỗ Kết. Ông là người thuộc Ban tuyên huấn Quân khu Miền Đông, ông đã chụp nhiều ảnh chiến sự xảy ra ở khu vực này. Triển lãm mới trưng bày một số ảnh bộ đội Miền Đông khắc phục hậu quả chiến tranh, như khai hoang, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, xây dựng nông trại ...
Bức ảnh cho thấy thành cổ Quảng trị bị băm vụn, sụp đổ hết, còn lại vài đụn gạch trơ trọi... giữa cảnh hoang tàn đó vẫn có những chiến sĩ bám trụ, những nụ cười lạc quan tin tưởng chiến thắng...
Tại triển lãm, các bạn sinh viên Đà Lạt rất xúc động khi được tác giả Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành kể lại những câu chuyện chiến tranh qua những bức ảnh. Điều bất ngờ là cuộc hội ngộ giữa nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính và người chiến hữu xưa là ông Nguyễn Thế Gia.
Vào tháng 5/1972, ông Tính là phóng viên mặt trận duy nhất vượt Sông Thạch Hãn chớp nhoáng vào Thành Cổ Quảng trị. Dưới hầm trú ẩn, ông đã ghi được cảnh sĩ quan Nguyễn Thế Gia, chính trị viên trưởng đại đội công binh tại thị xã Quảng Trị cùng ban chỉ huy duyệt phương án tác chiến.
Cuộc hội ngộ đầy cảm xúc sau gần 50 năm đã diễn ra bất ngờ trong sự ngỡ ngàng của các bạn trẻ Đà Lạt.
Cũng ở Quảng Trị, sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, nhà báo nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã ghi lại cuộc chiến đấu mới của thanh niên, cuộc chiến hàn gắn vết thương chiến tranh trên mảnh đất máu lửa ấy.
Đó là hình ảnh các bạn trẻ Cửa Việt ngồi trên xích xe tăng của đối phương bị hạ gục vá lưới, là đội thanh niên xung kích san lấp hố bom trên cánh đồng hàng rào điện tử Mc Namara, là thanh niên Gio Linh thu hoạch vụ lúa đầu tiên không có tiếng bom ...
Người xem hài lòng với triển lãm này không chỉ do nội dung hình ảnh thuyết phục, mà còn do cách thức tổ chức rất văn hóa có chiều sâu tư tưởng thẩm mỹ, tôn vinh truyền thống tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam.
Triển lãm này đã thực hiện được việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nhiếp ảnh, nối liền dòng chảy lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai, mở ra hướng đi thiết thực, hiệu quả cho công tác văn thư lưu trữ ở nước ta.
Phạm Chu Quang Vinh