H.Chợ Mới, tỉnh An Giang còn được gọi là Cù lao Giêng - nơi nổi tiếng với những làng nghề truyền thống, phong cảnh đẹp hữu tình. Vùng đất này cũng là nơi có bề dày lịch sử về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Không chỉ vậy, khi đến đây du khách còn được chứng kiến những công trình tín ngưỡng tâm linh nổi bật.
Tại xã Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới đã gần 150 năm nay tồn tại 1 ngôi chùa mang đậm dấu ấn tâm linh của xứ sở “địa linh nhân kiệt”. Đó là chùa Phước Thành được xây dựng vào năm 1872, có tổng diện tích 4.000 m2.
Người dân nơi đây kể lại, ngày xưa Hòa thượng Thích Bửu Đức xuất gia và trải qua 9 năm tu hành ở vùng Bảy Núi, sau đó ông trở về quê (xã Bình Phước Xuân) để tiếp tục tu tập. Cho đến 1 ngày có đôi chim Hồng Hạc kéo theo hàng ngàn con chim khác bay theo làm rợp cả một khoảng trời nơi đây. Sau đó, Hòa thượng Thích Bửu Đức đã chọn địa điểm này xây dựng nên chùa Phước Thành.
Sư cô pháp danh là Như Thơ (59 tuổi) đã có hơn 44 năm tu tại chùa cho biết:“Chùa này đã được xây dựng gần 150 năm trước, ban đầu chỉ được dựng sơ sài. Đến sau này, chùa trải qua 2 lần trùng tu, đầu tiên là năm 1973, sau đó lại bị xuống cấp nên năm 2005 người dân nơi đây mỗi người góp một ít để xây dựng trùng tu phần chánh điện, hậu tổ, hậu đường, đông lang, tây lang và tháp chuông... Nên ngôi chùa mới được khang trang như hiện tại”.
Sư cô cho biết thêm, hiện tại chùa do Hòa thượng Thích Huệ Tài - Trưởng Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh An Giang làm trụ trì. Trong thời chiến tranh, ngôi chùa này còn là nơi trú ẩn của chiến sĩ cách mạng. Sau nhiều lần truy lùng, địch đã phát hiện và bắn phá làm hư hại ngôi chùa. Vì vậy, năm 1973 Hòa thượng Thích Huệ Tài đã lần đầu tiên thiết kế trùng tu lại chùa.
Năm 2012, sư trụ trì chùa Phước Thành bắt tay vào xây dựng tôn tượng Phật Tổ A di đà cao 39 mét. Bức tượng này được cho là tượng Phật đứng cao nhất miền Tây, cùng với 48 vị Bồ tát Thánh chúng mỗi tượng cao 5 mét. Công trình này phải mất 4 năm để hoàn thành. Năm 2017, chùa này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục với quần thể tượng Phật tổ A di đà và 48 vị Bồ tát Thánh chúng lớn nhất.
Ngày 26.4.2019, Trụ trì Thích Huệ Tài đã được Liên đoàn các Hiệp hội UNESCO Việt Nam chứng nhận về việc đóng góp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng cộng đồng. Đến ngày 5.7.2019 ông đã được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chứng nhận về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Cùng Một Thế Giới ngắm nhìn cảnh quan bắt mắt của ngôi chùa: