Mới đây, một công ty chuyên về Thiết kế Quảng cáo ở Ukraine đã gây chú ý bộ ảnh “Art of Quarantine” (tạm dịch: Nghệ thuật cách ly) nhằm tuyên truyền cách phòng tránh lây lan COVID-19 được lấy cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của các danh họa thế giới.
Đây là một phần trong chiến dịch toàn cầu #FlattenTheCurve với thông điệp: Hãy ở nhà và giữ sức khỏe.
Sau đây là một số tác phẩm và thông điệp đi kèm.
Mang thông điệp “Hãy sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà để giảm tiếp xúc và giảm nguy cơ lây nhiễm”, bức tranh được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Napoleon vượt dãy Anpơ” của danh họa Jacques-Louis David.
Bức ảnh lấy cảm hứng từ bức “Bữa tối cuối cùng” của thiên tài hội họa Leonardo Da Vinci với thông điệp: "Hãy ở nhà và giãn cách xã hội chính là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch".
"Đeo khẩu trang: Che kín mũi và miệng, không chạm vào khi đang sử dụng" là thông điệp của bức tranh lấy cảm hứng từ tác phẩm “Con trai của một người đàn ông” của danh học Rene Magritte.
Bức ảnh chế lấy cảm hứng từ “Quý bà bên con chồn ecmin” của danh họa Leonardo Da Vinci: "Mua sẵn đồ dự trữ nếu bạn phải ở trong nhà nhằm giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc có thể dẫn tới lây bệnh".
Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Sự sáng tạo ra Adam” của danh họa Michelangelo: "Sử dụng dung dịch rửa tay sát khuẩn để giữ cho tay luôn sạch sẽ".
Lấy cảm hứng từ bức họa “Orpheus và Eurydice” của họa sĩ Frederic Leighton mang thông điệp "Ở nơi công cộng, hãy giữ khoảng cách ít nhất 2m".
“Hãy chi trả bằng thẻ thay vì tiền mặt giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus” là những dòng thông điệp trong bức tranh lấy cảm hứng từ tác phẩm “Bà Worrell hóa thân thành thần Hebe” của danh họa Benjamin West.
Lấy cảm hứng từ bức “Đức Mẹ cầu nguyện” của danh họa Giovanni Battista Salvi da Sassoferrato với dòng thông điệp "Hãy đeo găng tay nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các bề mặt đồ dùng".
Lấy cảm hứng từ bức “Chân dung của người đàn ông trẻ mặc đồ đỏ” của danh họa Raffaello Sanzio (Raphael) với dòng thông điệp: "Hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn".
Nhật Hạ