Khoảnh khắc người sáng tạo: 'Phác thảo 3 phút' và những bí quyết sáng tạo không sợ deadline

27/08/2019 08:00
Khoảnh khắc người sáng tạo: 'Phác thảo 3 phút' và những bí quyết sáng tạo không sợ deadline

Việc sáng tạo ra một ý tưởng nhiều khi phụ thuộc vào deadline. Đôi khi, những người làm sáng tạo phải làm việc trong tình trạng "bở hơi tai" mà ý tưởng hay vẫn chưa thấy đâu trong khi deadline lại sắp "cháy".

Hơn 40 năm về trước, khi cạn kiệt cảm hứng sáng tác, nhạc sĩ Bob Dylan từng tuyên bố từ bỏ viết nhạc. Ông bỏ lại phía sau New York và những buổi diễn, tìm về một căn nhà trống cô độc. Ngờ đâu đó lại là khởi đầu của ca khúc huyền thoại "Like A Rolling Stone", kết quả của "khoảnh khắc xuất thần" xảy đến khi Bob đã từ bỏ sáng tác.

Ngày nay, chuyện "đi trốn" như vậy là điều xa xỉ với dân sáng tạo. Là một mắt xích trong ngành công nghiệp sáng tạo, những cây viết, nhà thiết kế, hoạ sĩ minh hoạ... phải bó buộc quy trình làm việc trong một thời gian hạn định. Nhưng vì ý tưởng thường không thích "nghe lời" những deadline, đôi khi người làm sáng tạo làm việc bở hơi tai nhưng vẫn đi vào ngõ cụt và trễ hạn như thường.

Làm sao để tối ưu hoá quy trình sáng tạo - tiết kiệm thời gian và tăng những kết quả xuất thần? Trong cuốn "Khoảnh khắc người sáng tạo", tác giả Donald Roos đưa ra một vài gợi ý.

1. Nói "không" với những dự án dư thừa

"Trừ khi tôi cảm thấy tôi đang xử lý điều quan trọng nhất mà mình có thể giúp, còn lại tôi sẽ cảm thấy không thoải mái với cách mình sử dụng thời gian", đó là chia sẻ của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. Một người làm sáng tạo cũng nên như vậy: Biết nói "không" với những dự án dư thừa. Bạn cần phải rất kỹ lưỡng trong quyết định về các dự án mình sẽ thực hiện và không thực hiện.

Cơ sở của những quyết định này đến từ đâu? Donald Roos đưa ra danh sách 7 câu hỏi để cân nhắc trước khi quyết định nhận một dự án. Gồm: Bạn có tin vào dự án không? Dự án có phù hợp với phong cách và định hướng của bạn không? Bản thân bạn có cần đến sản phẩm đó không? Bạn có thời gian thực hiện dự án không? Bạn có thực hiện dự án một mình được không? Bạn có thị trường không? Dự án có thú vị không?

Nếu bạn nói "không" với một trong số các câu hỏi trên, hãy đưa các dự án vào danh sách Việc-Đừng-Làm, theo Donald Roos. Những gì còn lại chính là những ý tưởng ít ỏi nhưng thật sự hay mà bạn có thể dành trọn thời gian cho chúng. Bạn có thể dành toàn tâm toàn ý, vững chãi vượt qua những bế tắc, ngõ cụt, vốn chẳng xa lạ gì trong sáng tạo.

"Khi nói "không" với một việc, bạn có thêm thời gian để làm những việc khác. Càng loại bỏ nhiều việc không quan trọng, bạn càng tập trung tốt hơn cho những việc quan trọng", Donald Roos nói.

Phác thảo 3 phút và những bí quyết sáng tạo không sợ deadline - Ảnh 1.

2. Tận dụng những khoảng thời gian trống cho ý tưởng "chín muồi"

Tận dụng khoảng thời gian trống giữa các phiên làm việc là một cách khác để tiết kiệm thời gian. Thói quen viết lách của nhà văn hiện đại Nhật Bản Haruki Murakami có lẽ là một ví dụ điển hình. Trả lời phỏng vấn năm 2004, tiểu thuyết gia chia sẻ về lịch trình làm việc của ông: Viết trong 5 đến 6 tiếng đồng hồ vào buổi sáng. Đến chiều, ông bỏ đi chạy bộ, đọc chút sách và nghe chút nhạc. Ông tranh thủ thời gian trống để tái tạo nguồn cảm hứng và năng lượng.

Bạn cũng có thể học theo cách đó. Đừng cố "vò đầu bứt tai" khi bộ nhớ não đã đầy hay năng suất bắt đầu giảm. Một "khoảng trống" trong quy trình sáng tạo là điều kiện cần cho suy nghĩ mới mẻ và xuất thần. Nguyên tắc cơ bản giống như chuyện "đi trốn" của Bob Dylan. Nhưng vì bạn không có điều kiện để lái xe tới một căn nhà trống, bạn "đi trốn" trong tâm tưởng: Chỉ cần quên nó đi. Rất có thể "khoảnh khắc xuất thần" sẽ tìm đến khi bạn đang chạy bộ, làm việc nhà, hay đang mua đồ ở cửa hàng tiện lợi gần nhà.

Nếu bạn làm việc theo nhóm, hãy tạo thời gian trống bằng cách chia các buổi họp ý tưởng ra thành nhiều ngày cách xa nhau, thay vì chốt ngay ý tưởng trong một buổi họp. Donald Roos gọi phương pháp này là "brainbushing": Trong buổi thảo luận thứ nhất, cả nhóm thảo luận ý tưởng mới cho dự án - các bạn sẽ thu được một số ý tưởng sơ bộ. Sau đó, hãy thoả thuận thời điểm gặp nhau lần hai. Trong khoảng thời gian giữa hai lần họp, mỗi người sẽ tự suy nghĩ ý tưởng theo cách của riêng mình.

Để đến khi gặp nhau, hãy để mọi người trình bày ý tưởng và cùng thảo luận. Vì những ý tưởng này đã có nhiều thời gian hơn để phát triển, các bạn có thể thảo luận sâu hơn. Cả nhóm sẽ cùng lựa chọn xem nên sử dụng ý tưởng đó hoặc nguyên tắc cơ bản nào cho dự án và tiếp tục quá trình.

Bằng cách này, ý tưởng của các bạn sẽ có thời gian chín muồi. Khả năng một thành viên bất ngờ nảy ra ý tưởng tuyệt vời vào ngày hôm sau - trong lúc xếp hàng chờ tính tiền tại siêu thị - là khá cao. Cách này giúp cả nhóm tạo được nền tảng tốt cho dự án. Một khi nền tảng này vững chắc, các bạn sẽ dễ xây dựng ý tưởng dựa trên đó hơn.

3. "Phác thảo 3 phút"

Có một trường hợp lãng phí thời gian phổ biến trong việc sáng tạo, là hoàn thiện đến "chân tơ kẽ tóc" của tác phẩm rồi mới nhận ra ý tưởng chủ đạo đã sai hướng ngay từ đầu. Sai lầm này đến từ việc coi quá trình sáng tạo như một đường thẳng: Tuần này nghĩ ý tưởng và tuần sau thì tập trung phát triển ý tưởng đó.

Donald Roos kể về một trường hợp lãng phí thời gian như vậy trong "Khoảnh khắc người sáng tạo": "Có lần, một sinh viên lớp tôi đã bắt tay ngay vào vẽ một tấm áp-phích khổ lớn, bao phủ bề mặt này với những nét vẽ tay cực kỳ tỉ mỉ. Ý tưởng có vẻ rất tốt. Nhưng sau một tuần, cậu ấy chỉ mới vẽ được một nửa. Cuối cùng, cậu hoàn thành dự án trễ một tuần và tác phẩm lại không giống như cậu tưởng tượng". Kết quả là sinh viên đó lãng phí hai tuần và không còn thời gian sáng tác tác phẩm mới.

"Phác thảo 3 phút" giúp người làm sáng tạo tránh khỏi sai lầm này. Donald Roos chia sẻ cách của ông: Chia quy trình sáng tạo thành nhiều "vòng làm việc" với độ dài thời gian khác nhau. Vòng đầu tiên ngắn nhất, chỉ là 3 phút. Các vòng thứ sau dài hơn, như 3 tiếng, 3 ngày, 3 tuần...

Trong "vòng làm việc" đầu, bạn phác thảo các ý tưởng, chọn một ý tưởng rồi tìm cách "hoàn chỉnh" nó tốt nhất chỉ trong 3 phút. Kết quả của 3 phút đầu tiên đó là một mô hình thu nhỏ, hay một bản phác thảo rõ ràng, một phiên bản đơn giản nhất của sản phẩm.

Việc bắt buộc tạo nên "phác thảo 3 phút" đòi hỏi bạn làm việc thật nhanh chóng và tổng quát. Bạn phải bỏ qua chi tiết, phải đưa ra những lựa chọn then chốt. Bản "phác thảo 3 phút" còn cho bạn biết nhiều điều về quá trình làm việc sau đó: Không chỉ việc sản phẩm cuối cùng trông thế nào, mà cả khó khăn bạn sẽ gặp phải trong quá trình làm việc.

Bạn không cần chờ đến cuối quá trình thì mới nhìn thấy kết quả và đánh giá xem dự án có hiệu quả hay không. Bạn cũng có thể trình bày "phác thảo 3 phút" cho khách hàng, bạn bè để có được những góp ý, từ đó kiểm nghiệm kỹ ý tưởng trước khi bắt đầu. Nhờ đó, trong những "vòng làm việc" sau, bạn sẽ có thể hoàn thiện sản phẩm cuối cùng mà không bị căng thẳng.

Quan trọng hơn hết, nếu ý tưởng ban đầu không hiệu quả hay bất khả thi, bạn chỉ mới mất 3 phút. Bạn còn nhiều thời gian để làm lại từ đầu và thử cách khác.

--

Mỗi người sẽ có cho mình một quy trình sáng tạo tối ưu riêng. Nhưng những nguyên tắc trên là điểm chung của những nhà sáng tạo tên tuổi và bền bỉ. Lần tiếp theo bạn ngồi vào bàn làm việc với một mớ ý tưởng và một deadline đang chờ trước mắt, hãy nhớ: Nói "không" với các dự án và công việc dư thừa để đảm bảo sự tập trung, tận dụng thời gian trống và kiểm nghiệm kỹ ý tưởng trước khi bắt đầu.

Bài viết được lược trích từ sách "Khoảnh khắc người sáng tạo", tác giả Donald Ross.

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận