Người đẹp Thùy Tiên đến với vương miện Hoa hậu hòa bình quốc tế bằng một hành trình đáng ngưỡng mộ. Trong đêm chung kết, thí sinh đến từ Việt Nam có màn trình diễn vô cùng ấn tượng và thuyết phục.
Không chỉ về hình thể, kỹ năng trình diễn, cô gái 23 tuổi còn thể hiện kiến thức, sự nỗ lực, chăm chút, rèn luyện, đầu tư kỹ lưỡng và công phu, nghiêm túc.
Trong màn trình diễn và đặc biệt trong phần hùng biện, Thùy Tiên cho Ban tổ chức và khán giả thấy được giá trị của mình. Cô gái tiếp cận vấn đề chiến tranh và hòa bình, trách nhiệm tạo nên hòa bình của cá nhân. Khi vào Top 5, Thùy Tiên tiếp tục "đột phá" khi chọn nhà khoa học đã chế tạo ra vaccine Astra để trò chuyện.
Không chỉ nói tiếng Anh lưu loát, Thùy Tiên còn "ghi điểm" khi hùng biện bằng tiếng Thái Lan. Thế nên, mới có chuyện xưa nay hiếm, thi đấu trên sâu khấu nước bạn, nhưng cô được cổ vũ như ở sân nhà.
Chiến thắng của Thùy Tiên, một cô gái trẻ cũng đang trong lứa tuổi bắt đầu sự nghiệp mang đến cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Trong đó, nhiều người liên hệ đến vấn đề tuyển dụng, tìm việc làm trong bối nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức hiện nay.
"Muốn trúng tuyển, muốn có lương cao, phải có sự đầu tư nghiêm túc và cho mọi người thấy mình mang lại "giá trị", là điều nhiều ứng viên trẻ nhắc với nhau khi bàn luận quanh chủ đề "Ứng viên học gì từ hoa hậu Thùy Tiên" được trao đổi sôi nổi trên một diễn đàn .
Tìm việc và sự sẵn sàng
Anh Phạm Minh Hiếu, một cán bộ đang làm việc tại một công ty ở TPHCM chia sẻ, trong phần hùng biện cuối cùng của cuộc thi, Thùy Tiên "bắn" một tràng tiếng Thái. Điều này làm anh rất tò mò, không hiểu cô gái Việt đã nói gì mà được fan Thái cổ vũ, ủng hộ đến vậy.
Sau đó, anh hỏi bạn bè và được biết điều cô nói mang nội dung: Trước khi đến Thái một tháng, tôi đã học tiếng Thái. Tôi luôn sẵn sàng làm việc, tôi sẵn sàng ở lại Thái một năm, ngay lúc này!
Anh Phạm Minh Hiếu giật mình trước câu trả lời này vì đây chính là điều mà các nhà tuyển dụng rất cần ở ứng viên. Đó là khả năng làm việc và minh chứng thực tế.
Anh Hiếu phân tích, nếu Tiên nói câu đó bằng tiếng Anh sẽ không hiệu quả hoặc nếu cô nói tôi sẽ làm cái này làm cái kia thì cũng chỉ là "sẽ" thôi.
Điều mấu chốt ở đây, cô gái đã đưa đến những bằng chứng cho câu trả lời của mình: "Tôi đã học tiếng Thái". Trước đó, khi được hỏi về hành trình của mình tại cuộc thi, Thùy Tiên cũng gây ấn tượng khi cho biết, lúc đầu cô không được ủng hộ nhưng cô vẫn ở đây và gửi đi thông điệp: "Hãy cứ làm việc, hãy cứ nhớ lý tưởng và mục tiêu của bạn, đừng từ bỏ. Hãy làm việc vì giấc mơ của mình!"
"Đây chính là những gì một ứng viên có thể học hỏi: Hiểu người đang tuyển mình cần gì, biết dẫn chứng những gì thực tế nhất và có bằng chứng cho những điều mình nói. Việc bạn có những chứng chỉ, đọc một cuốn sách hay bạn từng tham gia một khóa học sẽ không là gì so với việc bạn đã vận dụng chúng như thế nào", anh Hiếu nhấn mạnh.
Theo anh Hiếu, khi phỏng vấn, các nhà nhân sự lâu nay đã quá quen với việc ứng viên "chém gió" là đã học được cả ngàn lẻ một khóa học, biết người này người kia, có kiến thức về này về kia... Vậy nhưng, đến khi hỏi về case, thực tế thì ứng viên lúng túng ngay.
Chị Trần Mỹ Dung, trường phòng nhân sự tại một tập đoàn dược ở TPHCM chia sẻ, chị thấy "ứng viên" Thùy Tiên rất thú vị cho góc nhìn tuyển dụng.
Về phía ứng viên, khi tìm việc làm hãy thật sự chăm chút, đầu tư, nghiêm túc để tìm việc làm. Khi phỏng vấn vào một công ty, bạn đã chuẩn bị những gì, mang đến điều gì cho nhà tuyển dụng? Ứng viên cần thể hiện được giá trị của mình, thể hiện được tinh thần chủ động "Tôi sẵn sàng đến đây và làm việc".
Hiện nay, theo chị Mỹ Dung, có thực trạng nhiều người đi xin việc nhưng không hề sẵn sàng làm việc, thiếu sự đầu tư, thiếu năng lượng cho công việc.
Còn phía nhà tuyển dụng, cũng có những bài học khi tìm người. Thay vì nghe những lời hứa hẹn, hô hào này kia, thay vì nhìn bằng cấp, chứng chỉ... cần vào năng lực ứng viên, nhìn vào sự đầu tư và đặc biệt nhìn được tinh thần chủ động sẵn sàng với công việc của họ.
Hoài Nam