Hệ thống địa đạo Củ Chi là điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm - Ảnh: Internet
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược.
Hệ thống địa đạo bao gồm đường hầm nhân tạo trong lòng đất với cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, dài hơn 200 km. Đây được xem lạ kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai trên thế giới, được xây dựng một cách tinh vi, phức tạp, bí ẩn có đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ như Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm.
Với tầm vóc chiến công của mình, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Năm 2016, Địa đạo Củ Chi được công nhân là di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc. Đây là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Trước đó, ngày 25.5, UBND TP HCM ra công văn về việc hướng dẫn lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đệ trình lên UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Sau đó, cơ quan này đề nghị thành phố xin ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về chủ trương này.
UBND thành phố cho biết, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa- Thể thao phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo.
Một số tiêu chí cụ thể để được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO: là một tuyệt tác của thiên tài sáng tạo; một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật minh họa một giai đoạn quan trọng trong lịch sử, văn hóa nhân loại; một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, đại diện cho một hay nhiều nền văn hóa...
Minh An (T/H)