Đánh thức trí thông minh - Tư tưởng duy trì và nuôi dưỡng niềm vui cũng như nỗi sợ hãi

Quìn11/06/2024 09:00
Đánh thức trí thông minh - Tư tưởng duy trì và nuôi dưỡng niềm vui cũng như nỗi sợ hãi

Niềm vui thú luôn luôn nằm trong quá khứ; hoặc niềm vui thú tưởng tượng nằm ở ngày mai nhưng thật sự vẫn là hồi ức được phóng chiếu vào tương lai, từ quá khứ.

Bạn cũng có thể thấy được rằng ở đâu có niềm vui và sự theo đuổi niềm vui, ở đó cũng có sự nuôi dưỡng nỗi sợ. Bạn không để ý thấy điều đó sao? Sợ điều gì đó tôi đã làm ngày hôm qua, sợ nỗi đau thể chất mà tôi gặp phải trong tuần rồi; nghĩ đến nó là duy trì sự sợ hãi. Không có sự chấm dứt nỗi đau đó khi nó đã qua. Nó đã dứt, nhưng ta vẫn mang nó theo bằng việc nghĩ đến nó.

Vậy là tư tưởng duy trì và nuôi dưỡng niềm vui cũng như nỗi sợ hãi. Tư tưởng phải chịu trách nhiệm cho điều này. Có nỗi sợ hiện tại, sợ tương lai, sợ chết, sợ cái không biết, sợ không hoàn thành, sợ không được yêu, có quá nhiều nỗi sợ, tất cả đều được tạo nên bởi guồng máy của tư tưởng. Vậy là có khía cạnh hợp lý của tư tưởng và khía cạnh phi lý của tư tưởng.

Phải có vận dụng tư tưởng khi làm mọi việc. Về mặt công nghệ, khi bạn ở văn phòng, khi bạn nấu nướng, khi bạn rửa bát đĩa – kiến thức đều phải vận hành một cách hoàn hảo. Có khía cạnh hợp lý, mặt logic của tư tưởng khi hành động, khi làm mọi việc. Nhưng tư tưởng cũng trở nên hoàn toàn phi lý khi nó duy trì niềm vui thú hay nỗi sợ. Tuy nhiên, tư tưởng nói: “Tôi không thể để niềm vui của mình mất đi”, mặc dù tư tưởng biết, nếu nó thật sự nhạy cảm và tỉnh giác, rằng đau khổ luôn đi cùng với niềm vui đó.

Vậy, hãy nhận thức sáng suốt về toàn bộ guồng máy của tư tưởng, sự chuyển động phức tạp, vi tế của tư tưởng! Việc này thật sự không hề khó khăn, một khi bạn nói: “Tôi phải khám phá một lối sống hoàn toàn khác hẳn, một lối sống mà trong đó không có xung đột”. Nếu việc sống một đời sống không có xung đột dưới bất kỳ hình thức nào, cả bên trong lẫn bên ngoài, là đòi hỏi thật sự, kiên trì, đam mê – như đòi hỏi của bạn với niềm vui – thì bạn sẽ thấy điều đó khả thi. Xung đột chỉ tồn tại khi có sự phân chia giữa cái “tôi” và cái “không phải tôi”.

Nếu bạn thấy được điều đó, không phải ở bình diện ngôn từ hay tri thức –bởi vì đó không phải là thấy, mà khi bạn thật sự nhận ra rằng không có sự phân chia giữa người quan sát và cái được quan sát, giữa người tư duy và tư tưởng, lúc đó bạn mới thấy, bạn mới thật sự quan sát “cái đang là”. Và khi bạn thật sự thấy “cái đang là”, bạn đã vượt qua khỏi nó. Bạn không còn ở lại với “cái đang là” nữa, bạn chỉ ở lại với “cái đang là” khi người quan sát khác với “cái đang là”. Bạn hiểu điều này chứ? Vậy, khi sự phân chia giữa người quan sát và đối tượng được quan sát hoàn toàn chấm dứt, thì “cái đang là” không còn là cái đang là nữa. Trí não đã vượt qua nó.


Gửi bình luận
(0) Bình luận