"Lam Hạ, cố gắng lên, năm sau vị trí này chắc chắn sẽ thuộc về em!" Lời hứa của người lãnh đạo vẫn còn văng vẳng bên tai, nhưng đã ba năm trôi qua, Lam Hạ thậm chí còn chưa đạt tới chức "phó trưởng phòng". Ngược lại, Kim Anh, một đồng nghiệp cùng cơ quan, ngày thường chỉ uống trà sữa, đọc tin tức nhảm, lại đột nhiên được thăng chức trợ lý cấp cao. Sự bất công này khiến cho Lam Hạ hết sức tức giận và quyết định tham gia vào "đội quân zombie" nơi công sở.
Câu chuyện này thật ra rất quen thuộc. Có thanh niên nào chưa từng cố gắng nỗ lực hết mình bởi lời hứa hão huyền của lãnh đạo? Nhưng tại sao ngày càng có những thanh niên trẻ thẳng thừng từ chối những lời hứa thăng tiến của cấp trên để làm việc một cách đối phó, lười nhác? Chuyên gia tâm lý chỉ rõ, cuối cùng, không phải là do lời hứa không hấp dẫn, mà do những người lãnh đạo đã quá thờ ơ và thô lỗ.
Trong số những nhân viên đang "mất niềm tin" vào môi trường làm việc và trở nên thụ động, biếng lười, chắc chắn đã từng là những thanh niên nhiệt huyết. Khi mới đi làm, họ cũng rất năng động, không ngại làm thêm giờ, không ngại nhận thêm việc mà không hề phàn nàn. Nhưng đôi khi, điều họ nhận lại được không phải sự ghi nhận của cấp trên, mà chỉ là sự thờ ơ, lạnh nhạt.
Thậm chí, nhiều người lãnh đạo còn nói rằng: "Người trẻ thì nên vận động nhiều hơn" và đổ hết những công việc vặt vãnh, nặng nhọc, khó khăn lên họ. Tuy nhiên, khi nói tới việc thăng chức, trao thưởng, họ lại ưu tiên "dựa vào thâm niên" hay "dựa trên mối quan hệ". Dần dần, lời hứa của người lãnh đạo từ chỗ là hi vọng vào năm đầu tiên, trở thành sự kiên nhẫn vào năm thứ hai, và tới năm thứ 3, lời hứa đó không khác gì hơn là một câu chuyện cười.
Nếu nhà lãnh đạo muốn cấp dưới của mình cống hiến và nhiệt huyết, trước tiên, họ phải học cách thực sự trao cho nhân viên một vị trí trong đánh giá hiệu suất cuối năm và hiện thực hóa các cơ hội thăng tiến. Dù những phần thưởng đó là nhỏ nhoi, nhưng nó khiến nhân viên cảm thấy những nỗ lực của họ đã được "nhìn thấy", được công nhận.
Có một nghịch lý thường gặp nơi công sở: Những người làm việc nhiều nhất sẽ bị mắng nhiều nhất, và những người lười biếng nhất sẽ được thăng chức nhanh nhất. Tại sao? Bởi vì một số nhà lãnh đạo biến "sự công bằng" thành trò chơi mập mờ - họ giao những công việc dễ làm cho những người thân cận và để lại những mớ hỗn độn khó khăn cho những người trung thực. Khi nói đến việc khen thưởng nhân viên, những người thân cận với lãnh đạo, có chỗ dựa vững chãi thường nhận được nhiều phần thưởng hơn. Điều đó vẫn được gọi là "cân bằng mối quan hệ giữa tất cả các bên".
Thực chất, điều này rõ ràng là đang bắt nạt một nhân viên trung thực, người không bao giờ làm ầm ĩ! Công bằng thực sự là để những người chăm chỉ được nhận phần thưởng xứng đáng. Mặc dù những người có quan hệ thân thiết với cấp trên có thể dễ dàng được thăng tiến trong 2 năm, thì những người chăm chỉ cũng có thể được thăng chức trong 3 năm không ngừng nỗ lực. Điều này có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những người chăm chỉ dù có gánh việc của ba người, nhưng ngay cả cơ hội thăng tiến cũng chẳng bao giờ tới lượt họ. Trong trường hợp này, việc trở thành một zombie nơi công sở cũng chỉ là một hình thức để họ tự vệ mà thôi.
Một số nhà lãnh đạo luôn thích chơi chiêu "thay đổi mệnh lệnh mỗi ngày": hôm nay họ nói rằng sẽ đánh giá hiệu suất, ngày mai họ đổi sang bỏ phiếu dân chủ, và ngày kia lại đổi thành chấm điểm lãnh đạo. Tiêu chuẩn thay đổi liên tục, và những "nhân viên xuất sắc" cuối cùng được chọn đều là những người nịnh hót hoặc có quan hệ. Điều này khiến cho nhân viên mất lòng tin và quyết định ngừng cống hiến, tiết kiệm năng lượng.
Các nhà lãnh đạo thông minh biết rằng lòng tin có giá trị hơn thói quen. Dán các quy tắc đánh giá bằng văn bản đen trắng lên tường, phân công các nhiệm vụ quan trọng theo lượt và chịu trách nhiệm thay cấp dưới vào những thời điểm quan trọng. Ngay cả khi bạn thực sự cần phải chăm sóc những người có mối quan hệ, cũng đừng làm nản lòng những người đang làm việc ở đó.
Suy cho cùng, những "zombie nơi công sở" không phải cơ thể họ lười nhác, mà là trái tim họ đã không còn nhiệt huyết cống hiến. Thế hệ trước có thể chịu đựng được gian khổ vì họ thực sự tin rằng "công sức bỏ ra sẽ được đền đáp"; tuy nhiên, thế hệ ngày nay không hề ngu ngốc, điều họ muốn là sự công bằng hữu hình. Nếu người lãnh đạo vẫn còn giữ chiến lược "dụ dỗ những đứa trẻ ngu ngơ", e rằng ngay cả những người giả vờ làm việc cũng không giữ được.
Sức sống trong công sở không bao giờ được tạo ra bởi áp lực từ vị trí cao hay thấp, mà là khi các nhà lãnh đạo sử dụng sự chính trực, công bằng để thắp sáng sự nhiệt tình của toàn bộ máy. Thay vì hét lên "hãy sa thải những kẻ lười biếng" mỗi ngày, nhà lãnh đạo cũng cần tự hỏi: Liệu môi trường công sở mà họ tạo ra có xứng đáng để những nhân sự trẻ tuổi đổ mồ hôi hay không!