Hãy coi mối quan hệ với sếp như một khoản đầu tư. Khi bạn hỗ trợ để sếp hoàn thành tốt vai trò của họ, bạn đang góp phần tạo ra một môi trường làm việc ổn định và tích cực hơn cho chính mình. “Lãi suất” bạn nhận được có thể là cơ hội thăng tiến, công việc thú vị hơn, thu nhập tốt hơn, và quan trọng nhất: cảm giác bản thân được tôn trọng và ghi nhận.
Một vài nguyên tắc cơ bản để bắt đầu thay đổi mối quan hệ ấy bao gồm:
Chủ động tạo dựng mối quan hệ tích cực, thay vì trông chờ đối phương điều chỉnh.
Làm rõ kỳ vọng đôi bên một cách sớm và thường xuyên.
Thỏa thuận rõ ràng về tiến độ và cột mốc công việc.
Hiểu rõ những ưu tiên của sếp để tập trung hỗ trợ đúng hướng.
Tìm kiếm góp ý từ những người hiểu và được sếp tin tưởng.
Càng hiểu rõ phong cách làm việc, giá trị và những áp lực sếp đang đối mặt, bạn càng dễ tìm ra cách hỗ trợ hiệu quả. Ví dụ: nếu sếp bạn là người thích kiểm soát, hãy báo cáo thường xuyên để họ luôn cảm thấy yên tâm. Ngược lại, nếu họ không thích tiểu tiết mà quan tâm đến bức tranh tổng thể, hãy trao đổi ý tưởng vào đúng thời điểm và xin phép chủ động xử lý phần còn lại.
Trong trường hợp bạn không rõ mình đang đáp ứng đúng kỳ vọng hay chưa, đừng ngại hỏi. Một câu hỏi đơn giản như: “Em muốn chắc chắn rằng mình đang làm tốt phần việc của mình, sếp có điều gì cần em chú ý thêm không ạ?” – đôi khi lại mở ra nhiều thông tin quý giá. Hoặc nếu cảm thấy khó tiếp cận trực tiếp, bạn hoàn toàn có thể tìm lời khuyên từ một người hiểu rõ sếp và bạn tin tưởng.
Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về cách ứng xử thông minh nơi công sở, đặc biệt là với những kiểu sếp khó chiều thì cuốn sách "Sếp tồi" (Bad Boss) của Michelle Gibbings sẽ là lựa chọn rất đáng để đọc.