Theo đuổi âm nhạc cống hiến
Bảo Quyên đã bước sang năm cuối Thạc sỹ chuyên ngành biểu diễn tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt (Đức) với Giáo sư Florian Hoelscher.
Những ca tập đêm ở trường của cô thường kết thúc lúc 1-2 giờ sáng. Con đường từ trường về nhà trọ mất chừng nửa tiếng đi tàu, Bảo Quyên dành thời gian ngồi tàu để gọi về Việt Nam cho mẹ chuyện trò. Nơi con đang là đêm, nơi mẹ mặt trời đã mọc. Chỉ khi Bảo Quyên đặt chân vào nhà an toàn, mẹ Bảo Quyên mới gác máy.
Quang Tiến thì đã chính thức theo đuổi âm nhạc cổ điển sau khi đỗ vào hệ sinh viên trẻ chuyên ngành violin của Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt với Giáo sư Erik Schumann.
Chàng trai 17 tuổi vẫn tiếp tục học chương trình văn hóa lớp 12 tại trường quốc tế Metropolitan School Frankfurt. Một năm trước đó, gia đình vẫn không biết lựa chọn của Quang Tiến là gì. Các môn Toán và Khoa học luôn đạt mức A* (ngưỡng điểm tối đa).
Quang Tiến xuất sắc trong mọi môn học và từ lâu đã không còn quan tâm tới danh xưng “thần đồng violin” mà giới mộ điệu nhạc cổ điển dành cho mình ngày còn ở Việt Nam. Nhưng cuối cùng Quang Tiến vẫn chọn violin, chọn trở thành một nghệ sỹ. Con đường ấy, nhìn vào chị gái mình, Quang Tiến đủ hiểu nó vất vả, khó khăn chừng nào. Thậm chí là lao khổ và đày ải.
Cô của Bảo Quyên và Quang Tiến khi sang Đức thăm các cháu đã phải thốt lên: “Hai đứa học thế này thì khổ quá”. Nhưng đó là lựa chọn của hai chị em. “Và là lựa chọn của ông trời” như mẹ của hai chị em nhận định.
Bảo Quyên đã bước sang năm thứ 6 cầu học nơi xứ người. Cô chuyên chú vào tập luyện. Với cô, đó là cách duy nhất để mỗi ngày qua đi lại thấy mình vỡ vạc ra, thuần thục hơn, chuyên nghiệp hơn, trưởng thành hơn và tiến gần với hai chữ “nghệ sỹ” hơn.
Mẹ Bảo Quyên luôn nhắn nhủ hai con rằng, con người sống trên đời có thể không có thành tích, nhưng nhất định phải có thành tựu. Cả Bảo Quyên và Quang Tiến khi xác định chọn âm nhạc cổ điển là hành trình cuộc đời đều cố gắng đạt được thành tựu. Họ khao khát và trân quý hai từ “nghệ sỹ” - theo nghĩa nguyên thủy nhất: Tức là có tài năng, có trí tuệ, có tâm hồn, sự khổ luyện và không ngừng cống hiến.
Đó cũng là lý do mà mỗi năm một số Le Chauffage, Bảo Quyên và Quang Tiến lại đồng hành cùng một tổ chức thiện nguyện, với mong muốn âm nhạc của mình sẽ mang đến một giá trị thiết thực tới những con người, những số phận cần an ủi, sẻ chia. Đầu năm 2019, số tiền hai chị em dành tặng Hạnh An - con gái của đạo diễn Đỗ Đức Thành. Chương trình diễn ra vào ngày 3/1/2020, hai chị em sẽ đồng hành với Quỹ Chia sẻ tình thương của bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu.
Hành trình của tình yêu
Bảo Quyên luôn biết ơn về sự may mắn của bản thân khi sinh ra trong một gia đình có quá nhiều yêu thương.
Ngày còn sống, ông nội Bảo Quyên - Thượng tướng Trần Văn Quang, vị danh tướng lừng lẫy văn võ song toàn ở các chiến trường chống Pháp và chống Mỹ - từng nài nỉ hai đứa cháu của mình rằng “ông xin lỗi chị Quyên, ông xin lỗi anh Tiến, ông sai rồi” khi lỡ nặng lời với chúng.
Với ông, cách duy nhất để đối phó với hai đứa cháu nội “rách giời rơi xuống” chỉ có thể là yêu thương.
Dễ nhìn thấy ở Bảo Quyên và Quang Tiến sự đủ đầy về tâm hồn qua ánh mắt, nụ cười và ngón đàn của họ. Khác với đa phần những người trẻ đương đại, Quang Tiến không dùng mạng xã hội còn Bảo Quyên dành phần lớn các dòng trạng thái trên trang cá nhân để nói về gia đình.
Cảm giác cuộc sống của cô gái 25 tuổi gần như chỉ có âm nhạc, cha mẹ, em trai cùng những ký ức ấm áp về ông về bà về cụ. Thi thoảng lắm thì có dòng tự phiếm giễu nhại bản thân.
Nhưng cuộc sống theo kiểu “teaser” trên mạng xã hội càng đơn điệu bao nhiêu thì bức tranh âm nhạc của hai chị em Bảo Quyên - Quang Tiến càng đa sắc bấy nhiêu. Cả hai đều có sở thích với những bản nhạc “khó chơi”.
Cả hai đều có “tật xấu” chạm tay vào đàn là quên cả thế giới xung quanh. Cả hai đều chung một tiếng đàn thổn thức yêu thương và ngân nga kiêu hãnh. Niềm kiêu hãnh ấy mạnh mẽ tới mức chỉ có thể nằm trong gen của hai chị em.
Và có lẽ, chính niềm kiêu hãnh ấy không cho phép họ phạm sai lầm, không cho phép họ đuổi theo hư danh, không cho phép họ đi tắt đón đầu với âm nhạc hay lựa chọn tiền tài làm mục tiêu cuộc đời.
Họ chọn con đường vất vả nhất, và có thể là dài nhất, để được sống một cách trọn vẹn và làm nghệ thuật một cách ngay ngắn, nghiêm cẩn. Con đường ấy, hai chị em có thể khác biệt nhưng không cô độc, có thể gian lao nhưng không đau đớn. Bởi lúc nào họ cũng có ba mẹ kề cận ở bên định hướng, chia sẻ, ủng hộ và yêu thương.
Nếu cần một hình dung rõ nét hơn về chân dung Bảo Quyên - Quang Tiến cùng hành trình mà hai chị em đã đi và đang đi, không gì bằng ngồi nghe họ chơi đàn. Tiếng đàn đắm đuối của Bảo Quyên, tiếng đàn mê dụ của Quang Tiến.
Còn ngoài đời ư, Quang Tiến sẽ không dễ để bạn tiếp cận cậu ấy. Bảo Quyên cởi mở hơn và có thể khiến bạn bất ngờ vì gương mặt không son phấn, vì sự hoạt bát và ngây thơ của chú chim sẻ đi cùng với sự sắc sảo trong trực giác và suy luận. Nhưng cũng dễ hiểu thôi, khi người ta càng thông tuệ bao nhiêu, người ta càng trong vắt và hồn hậu bấy nhiêu với cuộc đời.
Tiếng đàn của họ nhờ vậy mà dễ dàng dắt dụ người nghe đến với thế giới mênh mang miên viễn của xúc cảm và cái đẹp.
PV