Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, sinh ngày 12.10 .1941 tại Hà Nội. Ông từng học Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1953-1954), Đại học Khoa học Sài Gòn (1959), Đại học Luật khoa Sài Gòn (1963).
Đỗ Lễ tự học nhạc và bắt đầu sáng tác khi 15 tuổi. Bản nhạc nổi tiếng Sang ngang của ông được cho viết trong tình cảnh tuyệt vọng khi người ông yêu là ca sĩ Lệ Thanh lên xe hoa năm 1965.
Sau đó, ông kết hôn với nữ ca sĩ Hoài Xuân (người đầu tiên trình bày bài Sang ngang), hai người có với nhau 3 con và cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 6 năm. Chán nản, ông sáng tác bài Tình phụ - nhạc chính trong phim Sóng tình có diễn viên nổi tiếng thời đó là Thẩm Thúy Hằng đóng vai chính. Ca khúc này được chọn vào vòng chung kết những nhạc phim hay nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Tokyo vào đầu thập niên 70.
Nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng từng phụ trách một chương trình ca nhạc hằng tuần trên Đài Truyền hình Sài Gòn mang tên Thời trang nhạc tuyển. Chương trình quy tụ các ca sĩ như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan, Ngọc Minh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Hoài Xuân, Carol Kim, Xuân Đào, Phương Hồng Hạnh, tam ca Sao Băng, 3 Con Mèo, 3 Trái Táo...
Sau tháng 4.1975, ông kiếm sống bằng cách mở lớp dạy nhạc.
Năm 1994, ông được thân nhân bảo lãnh sang định cư tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ.
Ông trở về Việt Nam vào tháng 10.1996. Đến ngày 24.3.1997, ông đột ngột kết liễu đời mình bằng một liều quinine cực mạnh trong căn nhà thuê trên đường Trần Đình Xu, Q.1, TP.HCM. Ông để lại 2 lá thư tuyệt mệnh, một cho vợ và một cho một người bạn thân.
Cái chết của ông đã gây chấn động giới văn nghệ Sài Gòn thời đó, đặc biệt đối với những nghệ sĩ thân cận ông.
24 năm sau cái chết của ông, ngày 24.3.2021 bà Đinh Thị Xuân Hòa chủ phòng trà Tiếng Xưa tại Sài Gòn, cũng là người bạn thân thiết của nhạc sĩ Đỗ Lễ kể lại những ngày cuối đời của ông.
“Chắc là anh tự tử, Xuân Hòa ạ!
Vào một buổi sáng, thật sớm, tôi nhận được câu nói này từ máy điện thoại bàn. Tôi thật sự bất ngờ và ngạc nhiên, bỡ ngỡ vì không biết ai lại đùa sáng sớm như vậy. Tôi im lặng không trả lời và...
- Anh là Đỗ Lễ đây!
Tôi bật cười vì mới cuối tuần trước đây tôi đã đến nơi anh làm việc, chef d'orchestre tại khách sạn New World để hàn huyên mỗi khi rảnh việc. Và mọi việc vẫn bình thường , không có gì khác lạ.
Có lần ngồi tâm sự. Tôi có chút thắc mắc về bài hát Sang ngang của anh. Anh có chút ngần ngại rồi nói:
- Anh biết Xuân Hòa muốn hỏi gì rồi. Đây không phải là chuyện tình "đơn phương " như người đời, bạn bè đồn thổi đâu.
Thôi thì cứ tin như vậy để cuộc đời thêm vui, ca sĩ Lệ Thanh cũng “yêu” anh, nhưng vì anh nghèo quá, còn Lệ Thanh là người trong gia đình danh giá. Cô vì nghe lời gia đình nên phải bỏ anh để lấy chồng khác.
Đó là lý luận của chàng nhạc sĩ si tình. Với mối tình đớn đau này chàng nhạc sĩ họ Đỗ đã biện minh cho mối tình đơn phương này bằng nhạc phẩm Sang ngang.
"Thôi nín đi em/Lệ đẫm vai rồi/Buồn thương nhớ ơi/Anh hỡi đôi mình/Mộng nay đã tan/Tình đã dở dang/Em khóc những chiều/Anh xót xa nhiều/Thương cho tình yêu/Nỗi buồn chua cay/Khi lòng đổi thay…".
Bà Xuân Hòa kể tiếp: “Tôi và mấy cô em thỉnh thoảng vẫn đến để xem anh làm việc, người nhạc sĩ hiền lành đến tội nghiệp. Anh quên hết sự đời khi trên tay có chỉ cây đàn guitar. Đây là niềm an ủi vô tận của nhạc sĩ Đỗ Lễ”.
Theo lời kể của bà Xuân Hòa, lúc sinh thời nhạc sĩ Đỗ Lễ cho rằng người hát bài Sang ngang hay nhất là ca sĩ Hoài Xuân. Sau ông lấy ca sĩ này làm vợ.
“Nhưng định mệnh một lần nữa lại đùa cợt với chàng nhạc sĩ hiền lành đến ngơ ngác trong tình trường. Qua thời gian hạnh phúc, có với nhau 3 người con, Hoài Xuân cũng ôm cầm sang thuyền khác.
Nhạc sĩ lại một lần nữa chấp nhận những đắng cay mà định mệnh đã dành cho anh. Anh không một lời oán trách nhưng một thời gian sau thì nhạc phẩm Tình phụ ra đời với những lời ca đầy đau đớn: “Chuyện tình mười mấy năm qua nay bỗng xót xa những khi sầu dâng. Còn đâu ngày quen biết nhau đã yêu em rồi, yêu cả cuộc đời. Khi em đã phụ lòng anh, nỡ phụ lòng anh, đau thương để lại xót xa vô vàn. Chỉ là bội ước những lời hẹn thề mà lòng tái tê".
“Từ những thất bại trong tình trường lẫn trong cuộc sống, nhạc sĩ Đỗ Lễ từ Mỹ trở về Việt Nam trong tâm trạng rã rời. Thế nhưng vẻ ngoài anh vẫn luôn giữ cho mình một nụ cười hiền lành thân thiện.
"Chỉ có những người thân thiết mới biết được những gì đang làm anh chao đảo, đang làm cho anh gần như không còn đứng vững nơi xứ người. Có lẽ như thế nên anh mới quay về Việt Nam, nơi anh từng đánh mất nhiều thứ, nhưng cũng là nơi có thể giúp anh quên đi mọi thứ mất mát thương đau…", bà Xuân Hòa viết.
Về thời gian nhạc sĩ Đỗ Lễ ở Việt Nam, bà Xuân Hòa kể: “Rồi có một ngày linh tính tôi như mách bảo có một chuyện gì đó đang xảy ra nên làm chàng nhạc sĩ Đỗ Lễ vui hơn, yêu đời hơn và nụ cười thường xuyên trên môi hơn những ngày đầu về Việt Nam.
Hôm đó Đỗ Lễ báo tin “Có lẽ anh sẽ về Hà Nội sống" rồi cười ha hả, thật vui. Một cô gái trẻ người Hà Nội đã làm ấm lòng chàng nhạc sĩ tài hoa của chúng ta. Và “con tim đã vui trở lại", Đỗ Lễ chỉn chu hơn trong ăn mặc và thậm chí còn ăn diện hơn, thi thoảng anh còn gắn vào cổ mấy cái foulard nhiều sắc màu hơn.
Tôi cảm thấy vui lây với tình cảm mới của ông anh. Nhưng sao trong tôi vẫn có một chút gì đó không ổn. Linh tính như báo trước với tôi một chuyện chẳng lành nào như đang sắp sửa xảy ra cho người nhạc sĩ tôi quý mến đó, vì qua một lần tình cờ tiếp xúc. Một tình cảm mà theo tôi khập khễnh ngay từ những cái nhìn, từ những đối thoại hai người đã dành cho nhau.
Một chút lo âu cho cuộc tình này, nhưng rồi công việc hằng ngày cứ như bánh xe lăn đi theo thời gian. Tôi đã không còn quan tâm với sự thay đổi này nữa, nhưng trong lòng vẫn luôn mong ông anh đừng gặp chuyện tình không đoạn kết, như đã qua.
Rồi một ngày tôi nhận được cuộc gọi:
- Chắc là anh tự tử Xuân Hòa ạ!
Tôi tưởng lại một chuyện đùa gì nữa đây của ông nhạc sĩ đa cảm, vì trước đây mỗi khi gặp chuyện gì không như ý là anh lại thường thốt câu "chỉ có cách tự tử ", dù là chuyện nhỏ. Đó là lý do tại sao tôi không quan tâm lắm về câu nói của anh.
Tôi trả lời "Thôi đi ông anh ơi! Bộ tính bắt chước Lê Công Tuấn Anh sao?". Anh im lặng, và trước khi cúp máy anh nói vừa mất 70 USD mà anh đã "đổ mồ hôi sôi nước mắt" trong những năm bôn ba xứ người dành dụm được…
Tôi có chút lo âu và hiểu rằng lần này không phải chuyện đùa. Tôi dặn lòng là sẽ đến gặp anh ngay khi có thể. Tôi có chuyến đi ra ngoài thành phố một tuần lễ và thật sự bàng hoàng khi vào một buổi sáng có tờ báo đưa tin nhạc sĩ Đỗ Lễ qua đời. Lý do được ghi nhận ban đầu là tự tử, qua lá thư Đỗ Lễ để lại cho người thân.
Tôi đã không đến thăm anh lần cuối để tiễn biệt anh vì mặc cảm không đến ngay với anh để nghe anh tâm sự chuyện buồn trong những giờ phút không còn ai người thân bên cạnh đã làm tôi không dám đối diện với anh, dù anh đã mất.
Tôi không dám khẳng định là sẽ làm anh bỏ đi ý định tự tử bởi anh đã chạm đến đỉnh của sự thất vọng, anh không còn lối thoát để tồn tại. Anh đã chịu thua, đã gục ngã, nhưng ít ra tôi cũng làm anh được nhẹ lòng trước khi không còn muốn hiện diện trên cõi đời ô trọc này. Tôi tự trách mình nhưng cũng trách anh sao lại nghĩ quẩn đến như vậy.
Tôi vẫn biết, qua cách đối nhân xử thế trong công việc hằng ngày, anh thiếu bản lĩnh của một người đàn ông. Rất ủy mị và yếu đuối nên dễ bị suy sụp. Anh giải quyết công việc bằng tình nhiều hơn lý.
Đó là lý do tại sao anh vẫn thường gặp nhiều khó khăn thất bại khi đối phó với công việc với cuộc sống hằng ngày. Nhất là trong giới showbiz, nơi mà nhạc sĩ Phạm Duy từng nói “chốn gió tanh mưa máu” đảo điên, điên đảo, đầy nghiệt ngã, không “lì đòn" thì sẽ không tồn tại. Dù có những tình huống cả tình lẫn lý đều không giải quyết được, chốn "gió tanh mưa máu” này.
Nói về cái chết của nhạc sĩ Đỗ Lễ, bà Xuân Hòa nhận định: “Một điều tôi chắc chắn và luôn khẳng định Đỗ Lễ không thể tự tử vì một số tiền đã ra đi không hẹn ngày về mà chính là sự hụt hẫng mất mát về mối tình mà anh đã dành cho những ngày cuối đời, đặt tất cả niềm tin cho một người con gái không phải của anh. Họ đến và đi theo kịch bản đã được đạo diễn chương trình, nó sẽ diễn ra sớm hay muộn mà thôi.
Nhạc sĩ Đỗ Lễ không còn thực hiện được ước nguyện "Anh sẽ về Hà Nội sống" như đã có lần anh tâm sự với tôi. Thôi thì như tôi đã thường nói, đó là định mệnh, mà định mệnh đã an bài thì không cách gì có thể thay đổi.
Ở một nơi nào đó, có lẽ anh đọc được những gì tôi kể về anh. Lúc này chắc anh đang mỉm cười về những ‘hỉ nộ ái ố” đời thường mà giờ đây không còn có thể đụng chạm đến anh nữa”.