Hôm trước, ông bạn “nhiều thứ đồng – hương, nghiệp, tuế, môn”, nhà báo Đào Lê Bình có việc trọng từ thủ đô vào Sài Gòn. Y về hưu rồi, hằng ngày chỉ “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, chứ hơn năm trước cũng ghê lắm, đóng quan năm, sếp của tờ báo có tiếng. Gọi điện, hỏi làm gì đấy, gặp nhau được không. Thế là gặp thôi.
Trong cuộc vui, y cười hì hì, bảo ông đừng tưởng ông nhớ nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhé, tôi đây này, cũng còn lưu giữ khơ khớ đấy. Y hát “Đường làng em, đường làng em cây sóng hàng đôi/Đồng làng em, đồng làng em cây giăng thẳng lối/Nghiêng nghiêng cành, cây soi mình, trong gương nước long lanh kênh đào/Nghe rì rào, rặng phi lao, hòa tiếng ca quê nhà đẹp sao…”. Hát thêm vài bài tủ nữa, nào anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông, nào tiến lên đoàn viên trăm hoa hé tưng bừng, y tuyên bố hồi xưa đi thi văn lớp 7 toàn miền Bắc từng đoạt giải khuyến khích chứ chả đùa.
Nghe y hồi tưởng quá khứ lẫy lừng, tôi chợt nhớ mình từng đi thi, được giải… bét cấp thành phố, hiện vật thưởng là cái bút con trâu. Tôi vừa rụt rè kể tới bút, thế là cả nhóm lại bập ngay vào chuyện bút chuyện mực, liên tu bất tận. Đúng là mấy anh giặc già nghiện ôn nghèo kể khổ, nhấm nháp chuyện ngày xưa, có nằm gác chân lên nhau tán suốt đêm cũng chả thể nào dứt.
Đã học chữ thì phải có bút. Cây bút gắn với đời đứa học trò. Bu tôi hồi xưa mỗi khi thấy thày tôi vụng dại không biết cày bừa, thạo đan rổ đan rá như người ta, thường đùa “Ai ơi chớ lấy học trò/Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Chả là thày tôi vốn theo nghiệp học hành, từng thạo chữ nho, chữ Pháp, từng làm thư lại ở phủ Kiến Thụy. Cách mạng vô sản cướp chính quyền thành công, không còn chỗ dung thân, thày tôi về làm ruộng. Chỉ quen với cây bút, với chữ nghĩa sách vở thánh hiền, nên giờ vụng đường cày cuốc.
Tôi chưa từng thấy thày tôi cầm cày bao giờ. Ruộng nhà tôi hồi chưa vào hợp tác xã, rồi ruộng 5% rau xanh về sau này, mỗi khi cần cày bừa đều phải thuê, phải nhờ cụ Đẹn, chú Mịch, cậu Thê, chị Nhỡ làm giùm. Nhưng được cái, thày tôi biết thân biết phận, ông trời đã sắp đặt như thế, ấn cái bút vào tay mình, chứ không ấn cày, thì phải chịu chứ sao. Bù lại, thày tôi tự cải tạo bản thân, làm cuộc tái sinh màu nhiệm, chả mấy hồi mà rất giỏi trồng trọt, chăm sóc hoa màu, trồng cây ăn trái, trồng dưa hấu, đỗ, khoai tây, cải tàu, cà chua, thuốc lào, nấu nướng cũng rất ngon rất khéo.
Bu tôi thường nói với các con, thày chúng mày là nhất, dù không biết đi cày. Mà quả thế thật, cho đến bây giờ, thày tôi ở cõi xa trên cao tít kia đã mấy chục năm rồi, mấy chị em tôi mỗi khi gặp nhau, hồi tưởng chuyện cũ, vẫn bảo nhau thày mình nhất, hậu sinh chị em mình và con cháu không bằng ngón tay út của cụ.
Thày tôi học nho. Chúng tôi vẫn đùa chắc cụ bô nhà mình là thế hệ nho học cuối cùng trước khi bị nó chấm dứt hoàn toàn để chuyển sang tây học. Hồi tôi còn bé, những năm thập niên 60, vẫn thấy trong nhà có nhiều bút lông, nghiên mực, mực tàu, giấy bản, sách chữ nho. Nhưng chả để làm gì. Không ai dùng bút lông mực tàu nữa. Những cây bút nhỏ như chiếc lông ngỗng, thon thả, nhòn nhọn, đầu lông mịn màng, nằm đó như thứ chứng tích về một thời đã mất. Thày kể, có khi chưa mua được bút lông mới, lấy tạm một cành tre bánh tẻ, to như chiếc đũa, khéo léo vạt một đầu cũng có thể dùng thay bút. Ấy là chỉ để chấm viết mực tàu thôi.
Ai đi chơi thủ đô Hà Nội đều thích tới thăm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Ngay di tích nổi tiếng này, sừng sững ở cổng vào là ngôi tháp tuyệt đẹp có tên tháp Bút. Qua cầu, vào phía trong thấy thêm khối đá khổng lồ tạc hình chiếc nghiên, tục gọi đài Nghiên. Tháp Bút đài Nghiên như một vẻ đẹp văn hóa lừng danh chốn kinh kỳ. Cụ nghè Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, một nhà nho uyên bác, kẻ sĩ Bắc Hà nổi tiếng, người được xã hội đương thời tôn vinh “Thần Siêu, thánh Quát” (Quát là cụ Chu Thần Cao Bá Quát), đến mức vua Tự Đức còn phải khen “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường” (Văn giỏi như Siêu và Quát thì thời tiền Hán cũng không có/Thơ được như Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương ngay cả lúc thịnh Đường cũng không). Chính cụ Phương Đình năm 1865 cho dựng tháp bút đài nghiên, vừa để tôn vinh nho học, tôn vinh kẻ sĩ, vừa tạo một danh thắng nghìn năm cho chốn kinh thành.
Những năm 60, tới thời chúng tôi đi học thì hoàn toàn dùng bút sắt, bút máy. Học chữ quốc ngữ, bắt đầu từ lớp vỡ lòng (còn gọi là lớp i tờ), rồi tiếp nữa là lớp tập chép, đứa nào cũng được thày bu sắm cho cây bút và lọ mực. Chiếc quản bút bằng gỗ có chỗ đai sắt chừa cái khe cắm ngòi bút. Ngòi bút bằng sắt, còn gọi là ngòi bút lá tre. Nó mỏng mảnh, cong cong, ở giữa có đường dẫn mực, to như hai cái móng tay út. Hình cái ngòi bút ấy suốt một thời gian dài được các họa sĩ vẽ lô gô hoặc tranh cổ động xem như biểu tượng cho sự học.
Ngòi không chỉ dùng để viết, tôi nhớ có lần ra trạm xá chích ngừa bệnh đậu mùa, thím Hoạch y sĩ còn lấy cái ngòi bút lá tre mới tinh sáng bóng chấm vào vắc xin rồi rạch một nhát trên cánh tay chỗ gần vai, đau điếng. Thế hệ sinh giai đoạn 50 – 70, hầu như đứa nào cũng có vết sẹo chích ngừa trên cánh tay mà thủ phạm là ngòi bút sắt.
Mỗi lần viết, chấm bút đã gắn ngòi vào lọ mực, viết được khoảng 3 – 4 chữ thì khô, lại chấm lại viết. May mà bài tập chép cũng chỉ ngắn vài chục chữ. Nhìn đứa viết chữ bằng bút sắt, thấy rất vất vả, khổ sở làm sao. Đứa nào cũng ngồi nghiêng người xéo xẹo, hai tay tì trên bàn, cuốn vở trước mặt, lọ mực sát cạnh, mím môi mím lợi đưa từng nét chữ. Có đứa vụng về, lúng túng, vô ý làm đổ nguyên cả lọ mực làm sách vở, quần áo dính đầy mực tím lem nhem, về nhà còn bị thày bu mắng, đánh bởi tiếc công giặt quần áo. Hầu như chả đứa nào thoát khỏi cảnh này. Về sau, khi nhà trường đặt làm bàn học cho học sinh cấp 1, người ta khoét sẵn một cái lỗ vừa với đít lọ mực Cửu Long nên tình trạng “nhuộm” quần áo, sách vở cũng giảm dần. (còn tiếp)
Nguyễn Thông