Thời gian gần đây, nhiều người yêu nghệ thuật và những sản phẩm sáng tạo đã không khỏi trầm trồ trước những sản phẩm độc đáo được làm từ cây bút chì màu của nghệ sĩ, doanh nhân Lê Xuân Hưởng.
Anh Hưởng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhưng lại bén duyên với ngành du lịch, rồi trở thành ông chủ 1 phòng tranh có tiếng ở Hà Nội. Có cơ hội được đi nhiều nơi, khám phá văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, anh luôn ấp ủ một ước mơ sẽ làm điều gì đó ghi dấu ấn từ kiến thức được học về ngành thiết kế mỹ thuật ứng dụng.
Sau lần tình cờ nhìn thấy chiếc bình hoa rất đẹp, độc lạ được làm bằng những cây bút chì màu, anh liền nhớ đến hộp bút chì màu được bố mua tặng khi còn trẻ con và liền bắt tay nghiền ngẫm cách làm.
"Từ bé tôi đã rất yêu bút chì màu, hộp bút chì 36 màu là mơ ước của rất nhiều trẻ nhỏ ở vùng quê chúng tôi ngày xưa. Tôi may mắn được bố mua tặng 1 hộp bút chì màu trong chuyến đi công tác. Từ đó, nó khơi gợi cho tôi cảm hứng về vẽ, đó cũng là lý do tôi chọn học mỹ thuật ứng dụng", anh Hưởng chia sẻ.
Anh bắt đầu tìm hiểu, tập làm nên những chiếc bình hoa nhỏ chỉ từ vài trăm chiếc bút chì màu ghép lại, dần dần anh sáng tạo ra cả chiếc bàn lớn từ hàng ngàn, thậm chí chục ngàn chiếc bút chì màu.
Kiến thức về mỹ thuật được anh ứng dụng để "thổi hồn" vào những chiếc bút chì, tạo nên những sản phẩm mang màu sắc riêng. Chiếc bàn đầu tiên được hoàn thành, anh mang ra phòng tranh của mình ở Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) để trưng bày, chỉ sau 2 tiếng đã có 1 đôi vợ chồng người Úc rất thích ý tưởng sáng tạo này và đã mua luôn chiếc bàn đó.
"Khi làm xong chiếc bàn đó, tôi còn chưa nghĩ được cái chân cho nó, tôi chỉ đặt tạm lên một cái chân sắt đơn giản. Nhưng không ngờ được vợ chồng du khách đón nhận, họ nói rất vui khi biết đây chính là chiếc bàn đầu tiên tôi làm ra từ bút chì màu. Hiện giờ, chiếc bàn đang ở đâu đó trong thành phố Sydney (Úc)", anh Hưởng chia sẻ.
Sau khi bỏ đi rất nhiều bút chì vì làm sai, không đúng quy trình, anh đã về Thạch Thất (Hà Nội) để mở xưởng sản xuất, anh ở xưởng nhiều tháng trời để sản xuất thử nghiệm các sản phẩm khác nhau và đúc rút ra cho mình bí quyết riêng. Rất nhiều sản phẩm của anh đã được xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Anh cho biết thêm, bút chì là 1 chất liệu rất khó, cây bút chì dễ gãy, bên trong có lõi chì nên nếu không xử lý khéo léo sẽ bị nhòe màu.
Những cây bút chì màu mua về sẽ được buộc lại thành từng bó nhỏ, cắt làm 3 - 4 đoạn có chiều dài khác nhau, tùy vào kích thước của đồ vật mà mình muốn. Sau đó, người thợ sẽ dựa vào những mẫu do anh thiết kế để xếp bút chì màu vào khuôn. Thời gian xếp cũng tùy vào loại sản phẩm, sau đó anh đổ keo lên, để khoảng 1 đêm để khối keo đông cứng lại.
Công đoạn đổ keo lên bút chì phải được thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ, bởi nếu đổ không đúng, bút chì sẽ nổi lên, hoặc tạo ra bong bóng, bọt. Tiếp đến là công đoạn bào, làm nhẵn bề mặt, rồi phủ sơn bề mặt để làm bóng sản phẩm.
Anh Hưởng chia sẻ, bản thân may mắn vì có những cộng sự tiếp thu ý tưởng của anh rất nhanh và sáng tạo: "Nếu thiếu đi những người thợ thủ công tuyệt vời đó thì tôi không thể tạo ra nhiều sản phẩm độc lạ thế này".
Để thuyết phục khách hàng lựa chọn những món đồ sáng tạo này, trước đó anh đã phải thuyết phục người thân của mình và chứng minh cho mọi người thấy đây là cơ hội để anh phát triển, tạo ra thu nhập, giúp mọi người có thêm những lựa chọn để trang trí không gian nhà cửa, phòng làm việc.
"Tôi rất may mắn khi sản phẩm đầu tiên bán được ngay sau khi làm ra, nó đã giúp tôi có động lực và niềm tin rất lớn, khẳng định sản phẩm của mình có giá trị chứ không phải thú chơi để thỏa mãn sở thích cá nhân", người nghệ sĩ, doanh nhân đa tài nói.
Hà Hiền