Mới đây, Disney đã dành hơn 100 triệu USD thuê ê kíp gồm nhiều nghệ sĩ gốc Đông Nam Á cho dự án Raya và rồng thần cuối cùng, tìm cơ hội tiến sâu vào thị trường tiềm năng với hơn nửa tỉ dân này. Hai nhà biên kịch Qui Nguyen và Adele Lim nói nhân vật chính được lấy cảm hứng từ các nữ anh hùng như Tun Fatimah, Hai Bà Trưng. Lần đầu tiên khán giả sẽ được thấy những hình ảnh quen thuộc như chợ nổi, bánh chưng, cây tre và nền văn minh lúa nước trong bom tấn của Disney.
“Trong văn hóa Việt Nam có câu chuyện nổi tiếng về Hai Bà Trưng. Họ là những anh hùng nổi tiếng của Việt Nam mà tôi nghĩ đến khi viết kịch bản”, biên kịch gốc Việt Qui Nguyen nói.
Trong phim, Long Tâm là quê nhà của công chúa Raya, được lấy cảm hứng từ các vùng châu thổ ven sông Mekong và vịnh Hạ Long của Việt Nam. Không chỉ có Long Tâm, hình ảnh sông nước trải dài khắp các xứ của Kunmandra chính là hình tượng của nền văn minh lúa nước ở Đông Nam Á. Vua cha được Raya gọi là “ba”, danh từ quen thuộc trong tiếng Việt.
Bộ phim cũng được ca ngợi vì những chi tiết nhỏ, tinh tế khi mô tả phong tục, lối sống của người Đông Nam Á. Khi bước vào không gian linh thiêng, họ đều bỏ giày dép để thể hiện sự tôn kính với thần linh, tổ tiên.
Khi Raya đi tìm rồng thần Sisu, cô bày ra những món đồ cúng trong đó có bánh chưng của Việt Nam. Trên hành trình ấy, Raya tự nuôi sống mình bằng món mít sấy phổ biến với người Việt, người Đông Nam Á. Các loại trái cây như sầu riêng, thanh long, mít xuất hiện trong phim như món quà hào sảng của xứ sở nhiệt đới.
Võ công của các nhân vật cũng được chăm chút rất kỹ lưỡng theo kỹ thuật của pencak silat (Indonesia), muay Thai (Thái Lan) và vovinam (Việt Nam).
Phim có sự góp giọng của nhiều ngôi sao gốc Á, gồm diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran, ngôi sao từng đoạt giải Quả cầu vàng Sandra Oh, các diễn viên Awkwafina và Gemma Chan.
Raya và rồng thần cuối cùng chỉ là một dự án trong làn sóng phim Á Đông tại Hollywood. Tờ Hollywood Reporter nhận xét trào lưu làm phim về văn hoá Á Đông đã bắt đầu nở rộ khi trước đó, các tác phẩm như Kungfu Panda hay Crazy Rich Asians liên tục tạo tiếng vang tại rạp.
Trong một nghiên cứu gần đây, Đại học Southern California chỉ ra: “Người gốc Á hiện chiếm khoảng 7% dân số Mỹ, khoảng 22 triệu, và sẽ tăng nhanh trong tương lai. Họ tiêu khoảng 1 nghìn tỉ USD mỗi năm, ngang ngửa GDP của các quốc gia như Hà Lan, Mexico... Các hãng phim sẽ sớm thực hiện thêm nhiều dự án với chủ đề, diễn viên gốc Á để tấn công thị trường giàu tiềm năng này”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng dự án tuyển dụng diễn viên, đạo diễn châu Á thường có kinh phí thấp hơn so với nghệ sĩ Hollywood. Các dự án với ngân sách nhỏ nhưng tiềm năng lớn vì hướng tới cộng đồng đông đảo người Mỹ gốc Á.
Tờ BBC nhận định các dự án đề tài văn hóa Á Đông hoàn toàn có khả năng chinh phục nhiều đối tượng khán giả. Năm 2018 và 2019, khán giả thế giới lại được nhìn thấy những góc rất khác biệt của châu Á trong Crazy Rich Asians và The Farewell. Crazy Rich Asians gặt hái được thành công vang dội trên toàn cầu, còn The Farewell cũng có thể tự hào khi đại thắng vô vàn giải thưởng lớn nhỏ, trong đó 1 Quả cầu vàng, và thu về 22,5 triệu USD với số vốn ít ỏi chỉ 3 triệu USD.
“Chúng tôi thúc đẩy văn hóa châu Á. Không chỉ là những câu chuyện về người châu Á, phim muốn mượn người châu Á để nói lên trải nghiệm của con người”, Ronny Chieng, diễn viên Crazy Rich Asians nói với CNN.
Bom tấn Parasite cũng thu hơn 53 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ, nơi nổi tiếng không chuộng các bộ phim tiếng nước ngoài. Raya và rồng thần cuối cùng đứng đầu phòng vé Mỹ trong tuần đầu ra mắt với 27,1 triệu USD. To All the Boys: Always and Forever của Lanar Condor gây sốt khi phát trực tuyến trên Netflix.
Kịch bản phim đến từ các quốc gia châu Á cũng được giới chuyên môn đánh giá cao. Năm qua, Nomadland của đạo diễn gốc Trung Quốc Chloe Zhao liên tục thắng các giải điện ảnh uy tín như Venice, Quả cầu vàng và được dự đoán là hạt giống sáng giá cho Oscar vào tháng 4.
Minari, bộ phim kết hợp giữa các nhà sản xuất Hollywood và ê kíp đạo diễn, diễn viên Hàn đã đoạt giải “Phim tiếng nước ngoài xuất sắc” tại Quả cầu vàng, nhận đề cử “Phim hay nhất” tại Oscar sắp tới.
Điện ảnh thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện liên tục và mạnh mẽ của những tác phẩm chất lượng đến từ châu Á, cũng như những tài năng gốc Á đang để lại dấu ấn riêng tại Hollywood vốn là nơi người Âu - Mỹ chiếm vị thế độc tôn bấy lâu nay. Chỉ cần kể sơ qua, chúng ta đã có Awkwafina, Lana Condor, Naomi Scott… đang từng bước chinh phục thị hiếu khán giả phương Tây qua năng lực và các sản phẩm của mình.
Nữ diễn viên Awkwafina chia sẻ “Rất nhiều thứ đã thay đổi” khi nói về sự nghiệp của mình trước và sau thành công của Crazy Rich Asians: “Những diễn viên Mỹ gốc Á đã đến với tôi và nói trước đây họ chẳng khi nào được để ý, còn bây giờ thì đang đi thử vai hằng ngày”.
Việt Nam cũng có rất nhiều gương mặt gây ấn tượng mạnh mẽ tại Hollywood. Khán giả Việt đã từng tự hào khi thấy Ngô Thanh Vân trong những phút đầu của Star Wars, hay mới đây nhất là khi cô trở thành người bạn đồng hành của nữ minh tinh Charlize Theron trong bộ phim The Old Guard đình đám của Netflix. Hay như Marie Kelly Chan, cô gái gốc Việt xuất hiện trong loạt phim Star Wars mặc dù là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc của fan quốc tế, nhưng cũng kiên cường khẳng định bản thân để trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên xuất hiện trong vũ trụ Star Wars.
Những tài năng như Ngô Thanh Vân, Marie Kelly Tran hay Maggie Q, Levy Trần... đang ngày ngày xóa đi rào cản tưởng bấy lâu nay giữa tài năng Việt Nam và điện ảnh thế giới, khẳng định khát khao chinh phục của thế hệ trẻ hơn.