Bảo quản gia vị ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời - Ảnh: Internet
Bảo quản đường
Để giữ hũ đường được khô ráo, bạn cho một lát bánh mì khô vào hũ đường là đường của bạn không còn bị chảy nước và vón cục nữa. Hoặc bạn có thể dùng một miếng nilon đậy lên miệng hũ rồi đậy kín nắp lại, làm như vậy để đảm bảo đường được đậy kín và không có không khí vào.
Còn nếu bạn muốn kiến tránh xa hũ đường của mình, có thể dùng thun cột vài vòng quanh thân hũ, mùi nhựa từ thun sẽ khiến lũ kiến phải tránh xa đường của bạn đấy. Hay cũng có thể dùng phấn vẽ vòng tròn quanh nơi đặt hũ đường là được.
Bảo quản hạt tiêu
Cách tốt nhất để tiêu luôn giữ được lâu là vẫn giữ nguyên hạt tiêu khô, bảo quản trong hũ kín hoặc túi nilon đã cột chặt. Khi nào cần lấy một ít ra xay và dùng. Để hạt tiêu tránh bị mốc, bạn nên bảo quản ở những nơi thoáng mát, khô, tránh ẩm ướt, tránh dính nước. Tiêu còn nguyên hạt có thể để được 2 đến 3 năm.
Còn nếu bạn đã xay tiêu một lượng nhiều thì có thể cho vào trong hũ, đậy nắp kín, tránh để nước dính vào, mở ra phải đậy lại ngay để tránh tinh dầu trong tiêu bị bay hơi.
Bảo quản giấm
Cách tốt nhất để bảo quản giấm được lâu và an toàn là đựng giấm trong chai hoặc lọ thủy tinh. Đồng thời, bạn nên đặt giấm ở những nơi thoáng mát, không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
Bảo quản hành, tỏi
Hành tỏi nếu không được bảo quản đúng cách hoặc đặt sai nơi sẽ khiến chúng nhanh bị mốc và nhanh hỏng nữa đấy.
Để bảo đảm hành tỏi giữ được lâu, bạn nên treo hành tỏi ở nơi khô thoáng, không nên để ở nơi quá ẩm ướt. Ngày xưa còn nhóm bếp, người ta thường treo hành tỏi trên gác bếp để ngăn vi khuẩn vào hành tỏi, nhưng ngày nay đã không còn nhiều người dùng bếp củi nên bạn chỉ có thể bảo quản theo cách này.
Bảo quản gừng
Trong nêm nếm món ăn, gừng cũng là một loại gia vị tuyệt vời giúp giữ ấm và tốt cho sức khỏe. Nhưng chắc chắn gừng sẽ không để được lâu và bị khô, thâm đen.
Bạn có thể bảo quản gừng bằng cách cho gừng vào thau có chứa cát, vùi gừng vào đó, khi nào cần ăn chỉ cần lấy gừng ra và sử dụng. Bạn có thể gói gừng vào trong giấy bạc và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Bảo quản nghệ
- Nghệ nếu để bên ngoài sẽ chỉ giữ được trong một thời gian ngắn. Vậy nên để có thể bảo quản nghệ được lâu, bạn bọc nghệ trong giấy bạc, có thể cho vào tủ lạnh hoặc để bên ngoài đều được. Nghệ sẽ tươi được 2 tuần.
- Bạn có thể dùng cát như bảo quản gừng, vùi nghệ vào trong thau cát, khi nào cần dùng thì lấy ra là được.
Bảo quản ớt
Sấy khô: Theo kinh nghiệm dân gian, bạn hãy dùng dao rạch ớt lấy hạt ra, ngâm vào nước ấm rồi sấy khô, lúc nào ăn chỉ cần ngâm lại trong nước ấm là ớt sẽ tươi như lúc ban đầu.
Bảo quản trong tủ lạnh: Ớt cắt hết cuống, rửa sạch, cho vào hộp đậy kín rồi để vào ngăn đá tủ lạnh. Khi ăn bạn chỉ cần lấy ra, rửa lại nước thì quả ớt sẽ mềm lại như cũ. Đây là cách bảo quản tốt nhất vì sẽ giữ được ớt tươi lâu.
Làm dấm ớt: Cách làm này sẽ khiến ớt có vị riêng rất đặc trưng. Bạn cắt bỏ cuống ớt chín, rửa sạch để ráo nước, dùng kim đâm thủng xuyên nhiều lỗ trên qua ớt rồi bỏ trong hộp. Sau đó bạn đổ dấm cho ngập hết ớt, đập vài tép tỏi để lên trên và đậy kín lọ lại, khi ăn có thể lấy ra sử dụng trực tiếp.
Bảo quản chanh
Chanh cũng là một loại gia vị giúp tăng vị giác cho các món ăn, đặc biệt là các món gỏi. Tuy nhiên, chanh thường không giữ được lâu và rất nhanh bị vàng và đắng. Muốn chanh được tươi lâu, trước tiên bạn rửa sạch chanh, để ráo nước rồi cho vào túi nilon cột chặt lại và cho vào tủ lạnh. Cách này có thể bảo quản chanh được hơn một tuần.
Một cách khác là bạn rửa sạch chanh, để thật khô nước sau đó quấn từng trái chanh trong giấy, cho vào túi nilon và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Chanh có thể tươi lâu hơn một tháng.
Nguyên tắc chung để bảo quản gia vị trong nhà bếp
- Để riêng các loại gia vị, không trộn lẫn các loại gia vị với nhau.
- Sử dụng lọ đựng bằng thủy tinh có nắp gài chắc chắn thay thế các đồ đựng bằng nhựa thông thường.
- Hạn chế để giá vị tiếp xúc lâu với không khí và luôn đóng chặt nắp sau khi sử dụng.
- Bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời.
Quỳnh An (t/h)