Vào đầu những năm 1980, cụm từ “come out” (công khai, lộ diện) có lẽ chưa phổ biến nên Ross đã rất sốc khi Crocker chỉ cho bà thấy rằng I’m Coming Out (Tôi sẽ công khai) là câu những người đồng tính thường dùng khi tuyên bố giới tính thật của họ.
Cú lừa ngoạn mục
Thời gian đã chứng minh rằng I’m Coming Out không những chẳng làm hư hao danh tiếng của Diana Ross mà còn góp phần đưa bà lên tầm bất hủ. Tuy nhiên, quả thật ban đầu bà đã bị tác giả lừa.
“Với tôi, đã đến lúc/ Phá vỡ những xiềng xích/ Tôi phải hét to/ Rằng tôi sẽ công khai”, Ross đã sung sướng ngân vang giai điệu sôi động của ca khúc do Bernard Edwards và Nile Rodgers viết cho bà trong album thứ mười mang tên bà -Diana. Lúc đó, hiển nhiên là Ross nghĩ đơn giản đây là ca khúc thể hiện rằng “tôi muốn cho thế giới biết” cái tôi, con người thật của mình. Bà không có ý niệm gì về mã Morse mà hàng triệu người đồng tính dùng khi dũng cảm “công khai” giới tính.
Rodgers vẫn còn nhớ rất rõ I’m Coming Out đã ra đời thế nào. Khi đó, ông và bạn cùng ban nhạc Chic là Edwards đang đi chơi tại hộp đêm đồng tính Gilded Grape ở New York, một nơi hào nhoáng mà cặp đôi muốn tới giới thiệu những sáng tác underground và nghệ sĩ táo bạo.
Diana Ross trên bìa đĩa đơn "I'm Coming Out", phát hành ngày 22.8.80
“Tôi vào nhà tắm và tình cờ thấy hai bên có cả tá nam giả làm Diana Ross” - Rodgers nhớ lại. “Tôi chạy ra ngoài và gọi Bernard rồi nói với anh ấy về điều đó, rằng: Sẽ thế nào nếu chúng ta thừa nhận mối liên kết vô cùng tuyệt vời giữa Diana Ross với những người hâm mộ bà trong cộng đồng đồng tính?”
Và thế là họ nhất trí ngồi lại, cùng viết I’m Coming Out. Thời điểm đó, Ross đang phối nhạc cùng DJ hàng đầu Mỹ là Crocker, người không thích thú gì ý tưởng của ca khúc và đã nói rõ cho diva hay. Thế là Ross bừng bừng lửa giận lao vào hỏi tác giả: “Tại sao anh lại cố hủy hoại sự nghiệp của tôi?”.
“Bà yêu cầu chúng tôi nói thẳng không vòng vo rằng đây có phải là một bản ghi âm cho đồng tính và liệu nó có khiến mọi người nghĩ là bà đồng tính. Đây là lần duy nhất trong đời tôi từng nói dối một nghệ sĩ. Tôi đã nhìn thẳng vào mắt bà và nói: “Bà đùa à? Không, đây là ca khúc hiển lộ của bà”. Ross khi đó đang ghi âm album cuối cùng với hãng ghi âm Motown và sắp thoát ra khỏi cái bóng của ông chủ Berry Gordy” - Rodgers chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với Billboard.
Tự hào đồng tính
Dù ít nhiều thất vọng, Rodgers vẫn bảo vệ phản ứng của Ross: “Phải đặt nó vào bối cảnh khi đó. Giờ đây, ca khúc chỉ như một bài pop, một điệu disco mùa hè nóng bỏng. Nhưng hồi đó, mọi người ghét dân đồng tính, ghét người da đen và phụ nữ. Không có người đồng tính ở sân vận động biểu diễn, không có người da đen ở đó và nó thì cháy vé, 70.000 người. Còn Diana Ross sống trong một cái bong bóng. Bà sống trong thế giới của Motown, nơi bà được bảo vệ tuyệt đối”.
Đúng vậy. Thời điểm đó, Ross vô cùng nhạy cảm trước những rủi ro, khi hãng ghi âm đang cản trở không cho bà tạo nên bước đột phá trong sự nghiệp. Nhạc disco cũng đang trong giai đoạn bị bóp nghẹt bởi những người phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính - những người tức tối đốt phá, bạo loạn khi thấy nhạc của người da đen thống trị các bảng xếp hạng và đài phát thanh những năm gần đây.
Diva Diana Ross, biểu tượng của người da màu, của phụ nữ và của người đồng tính
Nhưng sau đó, hiểu rằng đây sẽ là cú hích đối với những người hâm mộ đồng tính trung thành của bà và với nhiều người đánh giá bà cao hơn các diva làng disco như Donna Summer và Gloria Gaynor, Ross đã chấp nhận sự thật về I’m Coming Out, dù biết nó sẽ làm đảo lộn thế giới của bà.
Quả thế! Nó đã đưa bà lên một tầm mới.
Ca khúc phát hành vào mùa hè năm 1980, là đĩa đơn mở đường thứ hai cho album Diana, theo sau Upside Down. Đúng như hy vọng lạc quan của các nghệ sĩ, nó đã lập tức leo cao và trụ vững trên các bảng xếp hạng khi làm nên cơn sốt trong giới nghe nhạc nói chung bởi giai điệu bắt tai và đặc biệt nằm lòng với cộng đồng đồng tính bởi ý nghĩa của nó. Ở khắp các hộp đêm đồng tính, người ra ca vang nó như một câu thần chú và đưa I’m Coming Out trở thành ca khúc đầu tiên rộng khắp đại diện cho LGBT.
Cũng phải nói rằng, trước I’m Coming Out, đã có một số ca khúc đình đám trong di sản đồng tính như Somewhere Over The Rainbow của Judy Garland (góp phần tạo nên lá cờ đa sắc của đồng tính) và I Was Born This Way của Carl Bean. Tuy nhiên, ca khúc của Ross vẫn là trường hợp đặc biệt bởi bà là nghệ sĩ dị tính. I’m Coming Out là tiếng nói mạnh mẽ tự hào đồng tính trên tư cách một con người nói chung, chứ không phải chỉ là sự an ủi của người cùng giới.
Bản thân Ross cũng chọn đây là ca khúc pop hoàn hảo với bà: “Tôi thích những ca khúc tích cực, truyền cảm hứng và tạo nên khác biệt trong cuộc sống của con người. I’m Coming Out là một trong số những thông điệp đó”.
Từ khi ra mắt năm 1980 cho tới nay, I’m Coming Out vẫn thường được chọn làm mở màn các buổi diễn của Ross. Nó cũng được đông đảo mọi người kính cẩn khi được chọn làm ca khúc biểu diễn trong lễ khai mạc World Cup 1994, nơi Ross hát trước cựu Tổng thống Bill Clinton và nhiều lãnh đạo thế giới khác. Sức sống của nó cũng rất mãnh liệt khi mới đây thôi, năm 2018, bản remix I’m Coming Out/Upside Down 2018 đã leo ngay lên No.1 BXH Ca khúc vũ trường của Billboard.
Rodgers tới giờ cũng vẫn rất tự hào khi sáng tạo nên kỷ vật quý giá để Ross tặng người hâm mộ đồng tính và làm nên album để đời cho họ: “Có một điều mà chúng ta cần biết về Diana Ross, rằng bà là biểu tượng không chỉ với cộng đồng da đen, không chỉ với giới nữ mà với cả cộng đồng đồng tính, những người luôn rất ủng hộ Diana”.
Diana Ross (sinh ngày 26.3.44) là ca sĩ, diễn viên và nhà sản xuất thu âm người Mỹ. Sinh ra và lớn lên ở Detroit, Michigan, Ross bắt đầu nổi tiếng với tư cách giọng ca chính của nhóm thanh nhạc Supremes, trong những năm 1960, là những nghệ sĩ thành công nhất của Motown và là nhóm nữ đình đám nhất trên các BXH trong lịch sử Mỹ cũng như là nhóm nữ trong top có đĩa bán chạy nhất thế giới mọi thời đại.
Rời Supremes năm 1970, Ross tiếp tục thành công rực rỡ trong sự nghiệp solo, được Billboard vinh danh là “Nữ hoàng giải trí của thế kỷ”. Năm 1993, Kỷ lục Guinness ghi nhận bà là Nữ nghệ sĩ thành công nhất trong lịch sử âm nhạc khi có nhiều hit trên các BXH hơn bất cứ nữ nghệ sĩ nào.
Bà được ghi tên trên Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll năm 1988, nhận huân chương Kennedy năm 2007, giải Thành tựu trọn đời của Grammy năm 2012 và Huân chương Tự do năm 2016.
Riêng sự nghiệp solo, bà đã có 24 album phòng thu, 5 album nhạc sống, 30 album tổng hợp, một EP, 91 đĩa đơn và 4 album nhạc nền. Những ca khúc đình đám nhất của bà có thể kể tới là: You Can’t Hurry Love (với Supremes), Baby Love (với Supremes), I’m Coming Out và Endless Love (với Lionel Richie).
Theo TT&VH