Sau khi kết hôn và sinh con, phần lớn phụ nữ được mặc định là “người chăm sóc của gia đình”. Ngoài trách nhiệm phát triển kinh tế, họ còn là người đảm nhiệm chính các công việc nội trợ: nấu ăn, duy trì cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong trong gia đình (ông bà, cha mẹ, chồng, con)...
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam năm 2021, phụ nữ Việt phải dành thời gian làm việc nhà nhiều gấp đôi so với nam giới. Trung bình, mỗi tuần, phụ nữ dành 20 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ, đi chợ, nấu ăn, chăm con... Trong khi con số này ở nam giới chỉ là 10 giờ. Thậm chí, gần 20% nam giới hoàn toàn không dành thời gian cho việc nhà.
Tuy nhiên, thực trạng này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là vấn đề chung của nhiều quốc gia khác. Trong bộ sách tranh “Để con chăm sóc cha” và “Để con chăm sóc mẹ”, tác giả Miew - một họa sĩ vẽ truyện tranh người Malaysia - cho biết, dù ngày nay chúng ta được dạy rằng nam nữ là bình đẳng, tuy nhiên, trong một xã hội bảo thủ, sự tự do của phụ nữ vẫn là có giới hạn. Sau một độ tuổi nhất định, việc phụ nữ trở thành người chăm sóc cho gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi, được xem như điều hiển nhiên.
Một khi đã mang vai trò người chăm sóc, họ phải hy sinh thời gian, sức khỏe, và thậm chí là cuộc sống của mình. Hành trình này còn trở nên gian nan hơn nếu họ phải làm người chăm sóc cuối đời cho cha mẹ. Thế nhưng, Miew lại có đến 12 năm ở trong vai trò chăm sóc cuối đời cho cha và mẹ mình. Đây là một trải nghiệm đặc biệt và cũng là đau đớn nhất đời cô.
Trong “Để con chăm sóc cha”, cô viết: “...tình cảnh của người chăm sóc cũng giống như bị khóa trong một chiếc hộp trong suốt vậy. Rõ ràng ngoài trời nắng chói chang, nhưng lại không nhìn thấy chút ánh sáng nào. Rõ ràng ánh mặt trời lẽ ra phải thật ấm áp, thế mà vẫn thấy lạnh lẽo. Bởi vì, bất kể người chăm sóc có cố gắng đến thế nào thì tình trạng cũng khó mà chuyển biến tốt. Sinh mệnh của những người thân yêu cứ khô héo từng ngày, và cuối cùng là đến lúc ra đi. Đó là một hành trình định sẵn là tốn công vô ích, một hành trình đầy những vết sẹo”.
Không chỉ vậy, trong một xã hội bảo thủ, dù phụ nữ có làm nhiều hay làm tốt đến đâu, họ vẫn thường xuyên nghe thấy những lời buồn lòng. Nhiều người cho rằng khi đã làm người chăm sóc, phụ nữ không được phép vui vẻ, không được phép ra khỏi cửa, tốt hơn hết là phải luôn luôn rầu rĩ, đầu bù tóc rối.
Nhưng với mười hai năm kinh nghiệm ở vai trò người chăm sóc, Miew nhận ra rằng người chăm sóc trước tiên phải biết chăm sóc tốt cho chính mình, nghĩ cách giữ lấy chính mình và duy trì tâm trạng tốt. Chỉ khi bạn chăm sóc tốt chính mình thì mới có thể khiến bản thân và người thân cùng vui vẻ vượt qua con đường chăm sóc dài đằng đẵng.
Không chỉ vậy, thông qua bộ sách của mình, cô cũng kêu gọi mọi người có sự phân chia đúng đắn hơn về trách nhiệm của người chăm sóc, đặc biệt là chăm sóc cuối đời cho cha mẹ. Đó là trách nhiệm chung của những người con chứ không riêng gì phụ nữ. Nếu không có sự chuẩn bị, những ngày tháng tăm tối này có thể bào mòn sức khỏe thể chất và tinh thần của người chăm sóc, đồng thời khiến tình cảm gia đình rạn nứt.
Vì thế Miew khuyên rằng, nhân lúc cha mẹ còn khỏe mạnh, các thành viên trong gia đình nên có những buổi họp để thảo luận về các vấn đề: chia sẻ trách nhiệm chăm sóc, làm cách nào để đối mặt với bệnh tật, chuẩn bị thế nào cho sự rời đi của cha mẹ...